(HNM) - Trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp đã và đang được các ngân hàng đồng hành để duy trì một cách tốt nhất hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là điểm sáng góp phần thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm cho người lao động.
Có thể thấy, thời gian qua, những động thái của ngành Ngân hàng trong hoạt động tín dụng là chưa có tiền lệ. Từ đầu năm 2020 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm tới 1,5%. Trên cơ sở này, các tổ chức tín dụng đã chủ động điều chỉnh để duy trì tốt hoạt động như tiết giảm chi phí, cắt giảm lợi nhuận nhằm cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay, triển khai gói vay ưu đãi... cho khách hàng.
Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã tích cực đối thoại với doanh nghiệp để chia sẻ, nắm bắt khó khăn, vướng mắc, từ đó đưa ra các phương án tín dụng tối ưu trong tình hình mới. Việc làm kịp thời này đã giúp mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp ngày càng xích lại và bền chặt hơn.
Nhìn rộng ra, mối quan hệ "tương sinh” này sẽ duy trì lợi ích cho các bên, bởi hệ thống ngân hàng khơi thông được nguồn vốn tín dụng, còn doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn vay để duy trì, và phần nào đó là mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Thực tế hiện nay cho thấy, sự vào cuộc tích cực của ngành Ngân hàng để đáp ứng nguồn vốn cho doanh nghiệp luôn là điều kiện rất quan trọng giúp nền kinh tế phục hồi, phát triển. Do đó, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trước mắt, các tổ chức tín dụng cần tiếp tục thực hiện hiệu quả Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13-3-2020 của Ngân hàng Nhà nước, quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Bên cạnh việc chuẩn bị tốt nguồn vốn để mở rộng tín dụng, các ngân hàng cần tiếp tục cân đối giảm chi phí hoạt động như lương thưởng, không chia cổ tức bằng tiền mặt…, tập trung mọi nguồn lực có thể để giảm lãi suất cho vay.
Cùng với đó là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nỗ lực rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn cho doanh nghiệp; giúp khách hàng quản trị rủi ro tài chính, kết nối thị trường… Đặc biệt, trong bối cảnh dịch Covid-19, các tổ chức tín dụng cần đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số, tăng cường cung cấp dịch vụ ngân hàng điện tử để tạo thuận lợi nhất về thủ tục cho vay.
Ở tầm vĩ mô, ngành Ngân hàng cần điều hành linh hoạt, bảo đảm hoạt động của tổ chức tín dụng không phá vỡ các tiêu chí an toàn tín dụng. Đồng thời thực hiện được các vai trò kiểm soát lạm phát, giữ ổn định tình hình thanh khoản, ổn định diễn biến tỷ giá… Bởi suy cho cùng, hệ thống ngân hàng bị ảnh hưởng sẽ tác động và gây hệ lụy cho nền kinh tế.
Thực tế, bản thân ngân hàng cũng là một doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp vay vốn cần nhận thức được trách nhiệm của mình để sử dụng đồng vốn hiệu quả, đúng mục đích. Muốn vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh đổi mới mô hình quản trị, tăng cường đội ngũ nhân lực chất lượng cao, ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, các doanh nghiệp phải minh bạch thông tin trong báo cáo tài chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh… Đây chính là những điều kiện tiên quyết, cơ sở quan trọng để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp hợp tác lâu dài, bền vững.
Cùng hợp tác, phát triển là một trong những yếu tố sống còn của hệ thống ngân hàng và các doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.