(HNM) - Là đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện SSCĐ nên hằng năm số chiến sĩ mới nhập ngũ vào Trung đoàn 692, Sư đoàn Bộ binh 301 (Bộ Tư lệnh Thủ đô) khá đông, đến từ nhiều vùng, miền, địa phương với những phong tục, tập quán và thói quen sinh hoạt khác nhau.
Chiến sĩ Đoàn BO1 luyện tập sẵn sàng chiến đấu. Ảnh: Bá Hoạt
Thực hiện hướng dẫn của trên, từ năm 2009, đơn vị không thực hiện "3 gặp, 4 biết" trong tuyển quân. Vì vậy, thời gian đầu việc nắm bắt tư tưởng, thói quen và điều kiện, hoàn cảnh gia đình từng chiến sĩ mới gặp không ít khó khăn. Để khắc phục, cán bộ các cấp đã thực hiện "4 biết" bằng việc chủ động tiếp xúc với gia đình, người thân của chiến sĩ khi đến thăm đơn vị, thông báo cho gia đình biết về kết quả học tập, rèn luyện của con em họ và cùng động viên tinh thần cho chiến sĩ.
Về Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, tôi đã được nghe chuyện của chiến sĩ Vũ Đức Hoàn, quê xã An Ninh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Qua nắm bắt, cán bộ tiểu đoàn biết Hoàn luôn có tư tưởng muốn bỏ về, lý do đi bộ đội là bị gia đình ép buộc. Biết được tâm lý chiến sĩ, chỉ huy đơn vị chủ động gặp gỡ gia đình khi lên đơn vị thăm con để cùng tìm cách động viên Hoàn. Từ chỗ luôn có tư tưởng bỏ về, sau hai tháng huấn luyện trong quân đội, Vũ Đức Hoàn đã xác định rõ nghĩa vụ, trách nhiệm của mình và còn viết đơn xin đi học để được phục vụ lâu dài trong quân đội. Hay như trường hợp của Nguyễn Thiện Dương, tân binh thuộc Đại đội 12, Tiểu đoàn 4, những ngày đầu mới nhập ngũ, hằng đêm cán bộ tiểu đoàn thường nghe tiếng khóc của Dương. Qua tìm hiểu, các anh đã biết được hoàn cảnh của Dương rất éo le: bố bị tâm thần, mẹ già yếu lại phải nuôi em nhỏ, trong những lần lên cơn, bố Dương thường đánh mẹ và em nên Dương chưa thực sự yên tâm khi rời gia đình vào bộ đội. Biết được hoàn cảnh trên, chỉ huy đơn vị đã động viên Dương yên tâm hoàn thành nhiệm vụ, mặt khác đơn vị cử cán bộ về địa phương thăm hỏi, động viên gia đình và nhờ địa phương cùng giúp đỡ. Dương tâm sự: "Hoàn cảnh gia đình em rất khác mọi người, nhưng từ ngày đầu vào đơn vị, em chưa hề có ý định đào ngũ vì ở quê em bà con rất phẫn nộ và căm ghét hành động này. Nay được các anh chỉ huy động viên, giúp đỡ như thế, không có lý do gì mà em không hoàn thành tốt nhiệm vụ"…
Theo Đại úy Nguyễn Đăng Toản, Phó Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 692, thời gian qua đơn vị đã áp dụng nhiều mô hình nâng cao chất lượng công tác giáo dục, quản lý bộ đội. Tiêu biểu như mô hình "Ngày chính trị, văn hóa tinh thần", duy trì sinh hoạt "Tổ ba người"... "Ngày chính trị, văn hóa tinh thần" được các đại đội duy trì sinh hoạt vào các ngày thứ năm của tuần cuối tháng, trong đó chú trọng việc đối thoại giữa cán bộ và chiến sĩ để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất của bộ đội và giải đáp những băn khoăn, vướng mắc của chiến sĩ. Mô hình sinh hoạt "tổ ba người" đã thật sự "như kiềng ba chân" và được duy trì đều đặn hằng ngày, giúp chiến sĩ hiểu nhau hơn. Trong sinh hoạt, các thành viên tự do trao đổi, tâm sự những khó khăn, vướng mắc để cùng động viên, chia sẻ, tạo nên mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa các thành viên trong tổ… Để nắm bắt tâm tư, tình cảm, suy nghĩ và đề xuất của chiến sĩ, Trung đoàn 692 còn duy trì sinh hoạt đều đặn các hoạt động văn hóa tinh thần để cán bộ và chiến sĩ gần gũi và hiểu nhau hơn.
Đánh giá về hiệu quả công tác quản lý, giáo dục bộ đội, Trung tá Nguyễn Đình Lưu, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 692 khẳng định: "Thành công lớn nhất của chúng tôi trong huấn luyện chiến sĩ mới là đã cùng "hậu phương" quản lý chiến sĩ, phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị và gia đình trong công tác giáo dục bộ đội. Đội ngũ cán bộ các cấp đã phát huy vai trò năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong triển khai thực hiện các mô hình, phương thức mới để quản lý bộ đội. Bởi vậy, ngay từ ngày đầu vào đơn vị, chiến sĩ mới đã yên tâm, xác định tốt nhiệm vụ, chưa có trường hợp đào ngũ, bỏ ngũ. Nhiều năm liền Trung đoàn 692 là đơn vị điểm của Bộ Tư lệnh Thủ đô về thực hiện nền nếp, lễ tiết, tác phong quân nhân và duy trì kỷ luật trong quản lý bộ đội".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.