Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cùng giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

Xuân Lộc| 05/04/2019 08:12

(HNM) - Trước những bất an về chất lượng bữa ăn học đường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khuyến khích phụ huynh tham gia vào việc giám sát công tác bảo đảm an toàn thực phẩm tại các nhà trường.

Ban Chỉ đạo An toàn, vệ sinh thực phẩm huyện Đông Anh kiểm tra an toàn thực phẩm tại một trường học trên địa bàn.


Thêm lực lượng kiểm soát


Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học chỉ chiếm khoảng 3,7% tổng số các vụ ngộ độc thực phẩm trung bình hằng năm. Tuy nhiên, khi ngộ độc thực phẩm xảy ra ở trường học, số người bị mắc khá lớn. Hơn nữa, những người bị ngộ độc chủ yếu là trẻ nhỏ, có sức đề kháng yếu, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Chính vì vậy, những vụ việc xảy ra liên quan tới vấn đề mất an toàn, vệ sinh thực phẩm học đường luôn gây lo lắng cho các bậc phụ huynh và khiến dư luận bức xúc.

Để phụ huynh an tâm về bữa ăn của con em mình, Trường Tiểu học Ái Mộ A (quận Long Biên, Hà Nội) đã quyết định để phụ huynh cùng được tham gia vào khâu kiểm soát thực phẩm của nhà trường. Chị Nguyễn Thanh Hà, thành viên Ban phụ huynh của nhà trường cho biết, giờ đây Ban phụ huynh có thêm một việc mới là cùng với Ban Giám hiệu nhà trường kiểm tra và nhận thực phẩm được đưa vào bếp ăn. Việc công khai, minh bạch nguồn thực phẩm cung cấp cho bếp ăn của trường, giúp phụ huynh yên tâm hơn. Điều quan trọng, Ban phụ huynh sẽ trở thành một kênh giám sát, hỗ trợ nhà trường trong công tác bảo đảm chất lượng, an toàn, vệ sinh thực phẩm trường học.

Tại Trường Tiểu học Đền Lừ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), Ban Giám hiệu nhà trường kết hợp với Ban phụ huynh kiểm tra chất lượng thực phẩm đầu vào hằng ngày. Đoàn giám sát thực hiện nhiệm vụ luôn đầy đủ 5 thành phần: Ban Giám hiệu, nhân viên kế toán, nhân viên y tế, giáo viên trực và Ban phụ huynh. Việc giám sát được tiến hành song hành theo kế hoạch và đột xuất khi vào bữa ăn, lúc chế biến hay khi giao - nhận thực phẩm. Ngoài ra, nhà trường thường xuyên lấy ý kiến phụ huynh về thành phần các bữa ăn, đơn vị cung cấp để bảo đảm chất lượng bữa ăn cho trẻ.

Theo bà Phạm Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông, vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc giám sát để bảo đảm chất lượng thực phẩm. Phụ huynh sẽ là người sát sao nhất với chất lượng thực phẩm vì sức khỏe của chính con em họ. Vì vậy, quận khuyến khích phụ huynh tăng cường giám sát, kiểm tra chéo đối với các trường học trên cùng địa bàn. Mặt khác, yêu cầu Phòng Giáo dục và Đào tạo phối hợp Phòng Y tế và lực lượng chức năng của quận thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn. Cụ thể, kiểm tra năng lực, trách nhiệm của các đơn vị cung cấp thực phẩm, cung cấp suất ăn, nước uống… Bên cạnh đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn duy trì việc gắn camera giám sát tại khu vực chế biến thức ăn, kiên quyết chấm dứt hợp đồng với các đơn vị không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.

Phát huy vai trò giám sát đột xuất


Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội cho rằng, để phụ huynh tham gia giám sát an toàn thực phẩm tại các nhà trường là điều rất cần thiết. Dù không có chuyên môn, không có công cụ, nhưng bằng mắt thường, phụ huynh có thể quan sát thực phẩm có tươi hay không, có bị dập nát, biến chất, đổi màu, có mùi vị lạ hay đã hết hạn sử dụng. Ngoài việc kiểm tra dụng cụ, bát đĩa sử dụng trong chế biến, đựng thức ăn có bảo đảm vệ sinh, phụ huynh có thể đối chiếu với giấy tờ để biết được đơn vị cung cấp có nhập nguyên liệu, thực phẩm đúng với hợp đồng hay không.

Ông Trần Ngọc Tụ cũng lưu ý, các trường học có bếp ăn tập thể phải thực hiện nghiêm túc hợp đồng có thỏa thuận chặt chẽ với các đơn vị cung cấp suất ăn bán trú và đơn vị cung ứng thực phẩm, rau an toàn. Ngoài ra, các trường nên phát huy vai trò giám sát thường xuyên và đột xuất của ban đại diện cha mẹ học sinh trong việc phối hợp tổ chức bữa ăn bán trú, giám sát nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm của nhà cung cấp, quy trình phân chia và định lượng suất ăn. Mặt khác, các trường học nên nghiêm túc thực hiện việc lưu mẫu thức ăn, sổ kiểm thực 3 bước theo đúng quy định. Việc làm này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc thực phẩm khi cần. Ngoài ra, bất cứ sản phẩm nào mà ban phụ huynh hay nhà trường nghi ngờ về chất lượng đều có thể lưu lại, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội sẽ hỗ trợ xét nghiệm kiểm tra.

Còn theo ông Trần Văn Châu, Trưởng phòng Công tác thanh tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), đường dây nóng: 0243.2321556 hoặc 0911.811.556 tiếp nhận thông tin liên quan đến vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm hoạt động 24/24 giờ hằng ngày. Chính vì vậy, phụ huynh khi nghi ngờ chất lượng thực phẩm cung cấp cho trường học không bảo đảm an toàn hay có thông tin về đơn vị cung cấp thực phẩm không tuân thủ các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm hãy gọi tới đường dây nóng. Cục An toàn thực phẩm sẽ tiến hành thanh tra đột xuất và có thể trực tiếp đến trường để kiểm tra, mà không thông qua địa phương.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cùng giám sát an toàn thực phẩm bếp ăn trường học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.