(HNM) - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang thực hiện chuyến thăm tới các quốc gia châu Phi với trạm dừng chân tại Senegal, Rwanda, Nam Phi và Mauritius. Chuyến đi kéo dài hơn một tuần của nhà lãnh đạo Trung Quốc được giới quan sát đánh giá là bước chuẩn bị quan trọng cho Hội nghị Thượng đỉnh Trung Quốc - châu Phi dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng 9 tới đây, đồng thời gửi đi thông điệp chiến lược tại khu vực mà nước này coi là thị trường tiềm năng và là nguồn cung cấp năng lượng chủ chốt.
Tổng thống Senegal Macky Sall (trái) đón Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở thủ đô Dakar (Senegal). |
Việc thực hiện các chuyến thăm châu Phi luôn được các nhà lãnh đạo Trung Quốc coi trọng. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình sau khi nhậm chức vào năm 2013 cũng đã tới Nam Phi ngay trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên và trở lại Lục địa đen 2 lần trong nhiệm kỳ đầu. Trong thời gian dài, Trung Quốc đã dựa vào châu Phi với nguồn tài nguyên thiên nhiên ổn định như: Dầu, đồng, kẽm và quặng sắt nhằm duy trì sản xuất cho nền công nghiệp trong nước đang bùng nổ. Châu lục này cũng là một trong những nhánh chính của Sáng kiến Vành đai và Con đường mà Chủ tịch Tập Cận Bình đang theo đuổi. Trong bối cảnh những căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ngày một leo thang, chuyến công du của nhà lãnh đạo Trung Quốc càng có ý nghĩa trong việc tranh thủ sự ủng hộ của châu lục đông dân thứ hai thế giới.
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện và mở rộng ảnh hưởng cả về kinh tế, văn hóa, quân sự tại châu Phi. Chỉ trong vài năm, nước này đã vượt Mỹ để trở thành đối tác thương mại hàng đầu ở châu lục này với kim ngạch thương mại lên tới 220 tỷ USD vào năm 2017. Báo cáo năm 2017 của Công ty Kiểm toán Ernst & Young cho thấy, Trung Quốc là nước góp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất vào Lục địa đen với tổng giá trị lên đến 66,4 tỷ USD cho 293 dự án kể từ năm 2005. Cũng trong năm 2017, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết, Bắc Kinh đã tài trợ cho hơn 6.200km đường sắt và hơn 5.000km đường bộ ở châu Phi. Trong số đó, nổi bật là tuyến đường sắt Addis Ababa-Djibouti trị giá 4 tỷ USD.
Không chỉ nổi lên là một trong những nhà tài trợ, viện trợ lớn nhất tại châu Phi, chính sách coi trọng vai trò chiến lược của Lục địa đen càng được thể hiện rõ khi Trung Quốc chọn một quốc gia châu Phi là Djibouti là nơi lập căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài. Bắc Kinh cũng đã củng cố sự tham gia của mình trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và các nỗ lực tái thiết tại Nam Sudan, Mali, Congo và Liberia, với hơn 2.000 sĩ quan của lực lượng gìn giữ hòa bình Trung Quốc đang hiện diện tại đây.
Nhằm hiện thực hóa mong muốn hợp tác và tăng cường vai trò tại khu vực, nhiều văn kiện hợp tác trên nhiều lĩnh vực với các quốc gia châu Phi tiếp tục được ký kết trong chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình. Trong chuyến đi đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc tới Senegal trong gần 1 thập kỷ qua, hai bên đã đạt được hàng loạt thỏa thuận thương mại, xây dựng cơ sở hạ tầng, thủy lợi, công nghiệp hóa, chế biến nông sản, du lịch, văn hóa, thể thao. Tại một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất châu Phi là Rwanda, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã ký kết 15 thỏa thuận hợp tác quan trọng, trong đó có thỏa thuận cho vay vốn để nâng cấp đường sá, sửa chữa bệnh viện và phát triển Sân bay Bugesera mới của Rwanda...
Các nhà phân tích cho rằng, tầm quan trọng của châu Phi trong chính sách của Trung Quốc luôn nhất quán và chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình càng củng cố luận điểm đó. Các hoạt động như vậy mang lại cho Bắc Kinh những lợi thế không nhỏ để thực hiện những mục tiêu phát triển và nâng tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.