Theo dõi Báo Hànộimới trên

Củng cố nội lực, gia tăng vị thế

Quỳnh Chi| 15/08/2012 07:01

(HNM) - Hôm nay (15-8) là dấu mốc 100 ngày đầu tiên Tổng thống Vladimir Putin trở lại chiếc ghế quyền lực cao nhất của xứ sở Bạch dương.


Tổng thống V.Putin chào mừng đội bay biểu diễn tại Lễ kỷ niệm 100 năm Ngày thành lập lực lượng không quân Nga vừa diễn ra ở ngoại ô Mátxcơva.

Không thể phủ nhận, hơn một thập kỷ ổn định chính trị đã mang lại cho nước Nga nhiều thành quả: một nền kinh tế tăng trưởng nhanh và gần như miễn dịch trước các cuộc khủng hoảng của thế giới, nhờ đó các lĩnh vực xã hội cũng đã được cải thiện, cuộc sống của người dân được nâng cao. Nhưng cùng với đó là những thay đổi căn bản không khó nhận ra trong xã hội Nga. Đáng chú ý là một nền chính trị phức tạp hơn, một xã hội phân hóa rõ nét hơn và khoảng cách giàu nghèo được nới rộng. Nước Nga giờ đây có nhiều triệu phú, tỷ phú, nhưng cũng có rất nhiều người lĩnh mức lương khoảng 20.000 - 30.000 rúp mỗi tháng, chỉ đủ nuôi sống gia đình. Lẽ dĩ nhiên, những nhóm xã hội khác nhau tất yếu sẽ có những sự kỳ vọng khác nhau, thậm chí là đối lập với chính quyền. Thực trạng này đang tạo nên những đợt sóng ngầm gây chia rẽ trong nội bộ xã hội Nga. Đây là nguyên nhân khiến một bộ phận người dân Nga từng phân vân khi lựa chọn nhà lãnh đạo cho đất nước trong giai đoạn mới. Vì thế, dù người chiến thắng trong cuộc bầu cử vừa qua vẫn là V.Putin - người đã khôi phục niềm tự hào cho nước Nga, nhưng lần này các cử tri mong chờ nhiều hơn vào sự thay đổi từ những sách lược của Tổng thống để nước Nga tiếp tục tiến lên.

Tuy nhiên, những gì mà Tổng thống V.Putin đã thể hiện trong vòng 3 tháng qua, đã khiến nhiều nhà phân tích thời sự đi đến quan điểm chung khi cho rằng, khó có yếu tố nào có thể khiến nước Nga đi chệch hướng. Những gì ông chủ mới của Điện Kremlin đã làm thời gian qua đều chứng tỏ một mục đích duy nhất là sẽ bảo vệ lợi ích của xứ sở Bạch dương "trên tất cả các mặt trận". Thông qua hàng loạt văn bản, chỉ thị, ban hành ngay sau ngày nhậm chức (7-5), của nhà lãnh đạo 59 tuổi không khó để xác định đường hướng ưu tiên trong chính sách đối nội của Nga như: tiếp tục tăng dân số, tạo ra những việc làm mới có chất lượng cao, phát triển một nền kinh tế có sức cạnh tranh và có chất lượng cao trong thành phần Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Tất cả đều nhằm củng cố toàn diện nội lực của Nga trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế đến quốc phòng và an sinh xã hội. 100 ngày qua cũng đã phác rõ các ưu tiên của ông chủ Điện Kremlin trong chính sách đối ngoại không nằm ngoài mục tiêu củng cố vị thế nước Nga trên thế giới. Điểm mấu chốt của tham vọng này là phát triển sự hợp tác đa phương trong không gian Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG), thúc đẩy quá trình liên kết mới trong không gian Âu - Á thông qua nòng cốt chính là Liên minh thuế quan với Belarus và Kazakhstan. Còn với Liên minh Châu Âu (EU) và Mỹ, Mátxcơva vẫn duy trì chính sách đối ngoại độc lập và thực tế. Bên cạnh đó, sự đồng thuận của Tổng thống V.Putin và Thủ tướng D.Medvedev sau khi tiến hành cuộc hoán đổi vị trí một cách ngoạn mục cũng là một yếu tố khiến người ta tin tưởng vào tương lai ổn định của nước Nga dưới sự lãnh đạo của "bộ đôi hoàn hảo".

Dù để lại không ít dấu ấn trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ, nhưng đây mới chỉ là một quãng đường rất ngắn trong 6 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo được mến mộ nhất nước Nga. Để đạt được mục đích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 6-7%/năm và đưa Nga vào nhóm 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới, ông chủ Điện Kremlin còn rất nhiều việc phải làm. Thế nhưng, Tổng thống V.Putin không chỉ có một mình mà còn có cả sự ủng hộ của đại đa số dân chúng Nga, những người đã tin tưởng ông suốt hơn một thập kỷ qua và nay vẫn gửi niềm tin vào nhà lãnh đạo của họ với hy vọng tương lai của xứ sở Bạch dương sẽ tốt đẹp hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Củng cố nội lực, gia tăng vị thế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.