Sức khỏe

Củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho người di cư

Thu Trang 24/09/2024 - 15:00

Đó là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Di cư và sức khỏe người di cư nội địa” do Cục Dân số (Bộ Y tế) phối hợp với Tổ chức Di cư quốc tế tại Việt Nam tổ chức ngày 24-9, tại Hà Nội.

Theo Cục Dân số, hiện dân số Việt Nam đang là 100,3 triệu người, trong đó dân số đô thị chiếm 38,13%. Việt Nam đang ở thời kỳ cơ cấu dân số vàng với 67,7 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 67,4% tổng dân số.

quang-canh-hoi-thao-ngay-24-9.jpg
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: Nguyễn Mai

Kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình từ 1-4-2022 của Tổng cục Thống kê cho thấy, dòng di cư lớn nhất ở nước ta là từ thành thị đến thành thị, chiếm tới 44,6% tổng số các dòng di cư trong cả nước.

Khu vực có tỷ suất xuất cư cao nhất là Đồng bằng sông Cửu Long và Trung du, miền núi phía Bắc. Khu vực thu hút người di cư nhất là Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng. Các tỉnh có tỷ suất xuất cư cao như: Lạng Sơn, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Bạc Liêu. Các tỉnh, thành phố có tỷ suất nhập cư cao như: Bắc Ninh, Bình Dương, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Thừa Thiên - Huế, Long An.

Tại hội thảo, ông Lê Thanh Dũng, Cục trưởng Cục Dân số (Bộ Y tế), Thành viên Ban Chỉ đạo quốc gia dân số và phát triển cho rằng, di cư là sự tất yếu và là động lực của quá trình phát triển. Di cư mang đến các cơ hội về giáo dục, việc làm, thu nhập, chuyển giao công nghệ, giao lưu văn hóa, thúc đẩy hợp tác giữa nơi đi và nơi đến.

“Tuy nhiên, di cư cũng tạo ra những khó khăn, thách thức cho cả nơi đi và nơi đến. Người di cư thuộc nhóm dân số dễ bị tổn thương và gặp khó khăn, thách thức trong việc tiếp cận dịch vụ xã hội”, ông Lê Thanh Dũng phân tích.

Các nghiên cứu trong và ngoài nước cũng cho thấy, người di cư thuộc nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhất là trong những tình huống y tế công cộng khẩn cấp như đại dịch Covid-19 vừa qua. Người di cư phải đối mặt với nhiều vấn đề như hạn chế di chuyển, giảm lương, mất việc làm, các nguy cơ, sự chậm trễ và gián đoạn trong việc chăm sóc sức khỏe...

Theo ông Vũ Đình Huy, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, hiện người di cư nội địa gặp nhiều vấn đề về sức khỏe. Với nhóm di cư không chính thức, thường khó khăn hơn do điều kiện sống, điều kiện làm việc, giờ làm việc, công việc thường không được kiểm soát. Mặt khác, xu hướng lối sống của nhóm di cư này thường không lành mạnh như: Uống rượu bia, hút thuốc lá, ăn đồ ăn không bảo đảm vệ sinh; có khả năng cao bị mắc các bệnh truyền nhiễm và cả bệnh không lây nhiễm.

“Khả năng sử dụng dịch vụ y tế của nhóm di cư này bị hạn chế do không có thẻ bảo hiểm y tế, hoặc do các yếu tố xã hội khác như giờ làm việc nhiều không đi khám bệnh được, thiếu sự hỗ trợ của gia đình, thu nhập thấp…”, ông Vũ Đình Huy nói.

Đề cập đến giải pháp để hỗ trợ về mặt sức khỏe cho người di cư nội địa, ông Vũ Đình Huy cho rằng, cần có các biện pháp cung cấp kiến thức về sức khỏe như sách hướng dẫn, tăng cường truyền thông giáo dục; củng cố mạng lưới chăm sóc y tế - xã hội, như tạo điều kiện về nhà ở, giáo dục, vệ sinh, chế độ bảo hiểm y tế... Đồng thời, xây dựng các chính sách, quy định về an toàn lao động, điều kiện làm việc, cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu tại công ty, thực hiện khám sức khỏe định kỳ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Củng cố mạng lưới chăm sóc sức khỏe cho người di cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.