(HNM) - Việc Dự án phủ sóng internet bằng vệ tinh Starlink của Công ty Space X của tỷ phú Elon Musk (Hoa Kỳ) thông báo trên website rằng, người dùng tại Việt Nam có thể đăng ký, đặt cọc 99 USD (khoảng 2,3 triệu đồng) giữ chỗ… đang được dư luận quan tâm. Tuy nhiên, để cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tại Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài phải hợp tác với nhà cung cấp trong nước và tuân thủ các quy định khác theo pháp luật Việt Nam.
Trước thông tin này, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã khuyến cáo người dân, doanh nghiệp cần tự đánh giá rủi ro có thể gặp phải và thận trọng trước khi quyết định việc đăng ký, đặt cọc dịch vụ mới này.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Trưởng phòng Cấp phép và Thị trường (Cục Viễn thông) Lương Phạm Nam Hoàng phân tích, những thông tin trên website Starlink chỉ mang tính chất tham khảo, không có ý nghĩa pháp lý.
Theo quy định, việc cung cấp dịch vụ truy nhập internet qua vệ tinh của Starlink hay bất kỳ doanh nghiệp nước ngoài nào tới người dùng trên lãnh thổ Việt Nam sẽ chịu sự điều chỉnh của Luật Viễn thông và cam kết quốc tế… Đó là, các doanh nghiệp nước ngoài phải có thỏa thuận thương mại với doanh nghiệp của Việt Nam đã được cấp phép cung cấp dịch vụ viễn thông với phương thức truyền dẫn qua vệ tinh, hoặc thành lập liên doanh với doanh nghiệp Việt Nam. Được biết, để cung cấp dịch vụ internet vệ tinh tới người dùng, phải có hệ thống hạ tầng thiết bị tiếp sóng đến thiết bị đầu cuối, do vậy Starlink sẽ phải hợp tác với doanh nghiệp có hạ tầng viễn thông.
“Nếu triển khai tại Việt Nam, Starlink sẽ phải thực hiện các thủ tục theo quy định, như bảo đảm an toàn an ninh thông tin, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn về sử dụng tần số, kiểm soát chất lượng thiết bị đầu cuối truy nhập, chất lượng dịch vụ...”, ông Lương Phạm Nam Hoàng cho biết.
Vậy, thông tin dự án Starlink “chào hàng” dịch vụ internet vệ tinh có ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước? Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông MobiFone Bùi Sơn Nam cho hay, trường hợp dịch vụ này được cung cấp tại Việt Nam cũng chưa ảnh hưởng nhiều tới nhà mạng trong nước. Vì với người dùng, để sử dụng dịch vụ phải có máy điện thoại thu sóng vệ tinh, trong khi dòng máy này tại Việt Nam rất ít và đắt.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) Tô Dũng Thái cho rằng, hiện chưa rõ việc cung cấp dịch vụ internet vệ tinh của dự án Starlink như thế nào nên chưa thể có đánh giá cụ thể. Nếu có thêm dịch vụ mới, nhà cung cấp mới lại do một tập đoàn toàn cầu cung cấp, sẽ tác động đến thị trường viễn thông nói chung và doanh nghiệp trong nước…
Trao đổi với báo chí, Cục trưởng Cục Viễn thông Hoàng Minh Cường cho biết, Cục Viễn thông đã nhận được thông tin liên hệ từ đại diện của dự án Starlink đề nghị giới thiệu về dự án phủ sóng internet bằng vệ tinh Starlink, cũng như tìm hiểu về các quy định pháp lý cần thực hiện. Song đến nay, Starlink chưa có kiến nghị cụ thể nào về việc xin cấp phép chính thức cung cấp dịch vụ ở Việt Nam.
“Kinh doanh dịch vụ truy nhập internet - một loại hình dịch vụ viễn thông, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật Việt Nam. Cục Viễn thông sẵn sàng lắng nghe nhu cầu từ phía các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm bảo đảm môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh của Việt Nam, cũng như nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo đảm quyền lợi của người dùng”, ông Hoàng Minh Cường nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.