1. Vừa rồi có chuyện công nhân ở một khu công nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trải chiếu ngồi thâu đêm trước trụ sở công ty, như người ta nói là gây áp lực với giới chủ để "đòi thưởng Tết". Trước đó là tin khác, rằng có gần 300 công nhân của hai doanh nghiệp thủy sản trên địa bàn TP Cần Thơ ngừng việc tập thể nhằm yêu cầu lãnh đạo công ty giải quyết tiền thưởng Tết…
Chuyện thưởng Tết năm nay không phải là nỗi lo chỉ của một vài công ty. Sát Tết Giáp Ngọ, tin không vui liên quan đến thưởng Tết tới tấp nhiều nơi. Người ta dùng từ "thắc thỏm", "bồn chồn", "phấp phỏng" để nói về tâm lý chờ đợi khoản tiền thưởng phổ biến trong giới lao động. Nhiều người không được thưởng Tết. Nhiều người nhận phần quà Tết mà như không có gì, đơn giản là bởi quà Tết là những vật dụng "cây nhà lá vườn", nơi là gạch lát sàn, nơi quần áo, nơi phiếu mua hàng. Chuyện thật mà nghe như đùa. Khó khăn đến mức mà trong giới chủ có người phải tính chuyện sa thải công nhân hay tuyên bố giải thể để trốn cơn đau đầu liên quan đến tiền thưởng.
Đã rõ là tết nhất bây giờ không thể không nói đến yếu tố kinh tế, loại yếu tố "đầu bảng", quyết định xuân vui hay xuân buồn trong không ít gia đình. Năm nay có nhiều lao động xa quê không dám hồi hương, lý do là bởi thiếu tiền. Không có tiền quà cáp cho gia đình ở quê đã đành, ngay cả lo khoản tiền tàu xe cũng là bất khả. Chính phủ, bộ, ngành, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp để chăm lo cho người lao động, nhưng rõ ràng là không thể với hết tới mọi nhà, không thể lo đủ cho mọi nhà như khi nền kinh tế còn sung sức.
Túi tiền của người lao động hẹp lại, nhìn chung thì sức mua cũng giảm, thị trường tiêu dùng trước Tết Giáp Ngọ ì ạch hơn mọi năm, nơi có nguồn "cầu" vững như Hà Nội cũng giảm nhiều so với nhiều năm trước. Tiểu thương ngồi chợ than vãn vì thực phẩm bán chậm, hàng thời trang ngoài phố giảm giá thê thảm, cốt xả hàng mà vẫn không có nhiều người mua. Tối 25 tháng Chạp, qua mấy siêu thị trên đường Lê Đức Thọ, Hoàng Quốc Việt, thấy không khí kinh doanh buồn hẳn. Siêu thị càng nhỏ thì càng đìu hiu, có nơi người mua còn ít hơn số nhân viên phục vụ. Mấy hôm trước, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội đưa ra nhận định rằng, Tết năm nay doanh số của hệ thống siêu thị giảm từ 5 đến 10% so với dịp Tết Quý Tỵ dù thị trường tiêu dùng trong dịp Tết năm ngoái đã "lao dốc" rồi.
Tết Giáp Ngọ, khó khăn là vậy nhưng người giàu có vẫn có nơi để thỏa thú tiêu tiền, thỏa mãn niềm đam mê riêng chính đáng của người có điều kiện. Người ta bày bán những chiếc bình, tượng có giá từ vài trăm triệu đến gần tỷ đồng. Đào thường còn ế đầy đường, vẫn có nơi rao giá "đào đá" lên đến trăm triệu. Siêu thị "sống chậm" nhưng nhiều "trung tâm rượu ngoại", như có người "nhái" thành "trung tâm quà biếu", thì không. Qua những "trung tâm" loại này trên phố Hai Bà Trưng - Cửa Nam, Hàng Da, Giang Văn Minh, Hàng Buồm… thấy người bán kẻ mua tấp nập. Mà toàn là hàng ngoại, bất kể là loại hàng gì. Rượu xếp đống từ ngoài vào trong, từ loại bình dân đến cao cấp. Chỉ nhìn rượu vang, thứ đồ uống nay đã được nhiều người chọn dùng - biếu trong dịp Tết, đã thấy hoa mắt rồi. Vang Pháp, vang Chile, vang Italia, vang Tây Ban Nha, từ loại bình dân có giá hơn trăm nghìn đồng/chai đến loại ba - bốn triệu đồng/chai, không dễ thấy bóng dáng vang Đà Lạt của người Việt làm ra. Trên phố, ở vài nơi, xe của người đến mua quà Tết tràn xuống lòng đường, có nơi khách vào mua giỏ quà Tết, rượu, kẹo, bánh phải xếp hàng chờ đến lượt thanh toán tiền. Mà nào có phải mua ít, nhiều người cầm cả xấp tiền mệnh giá 500.000 đồng trên tay, cứ thế xỉa xuống bàn thu ngân, "ra" vài triệu đến hàng chục triệu đồng một lần thanh toán là điều dễ thấy.
Những điều kể trên kể như hai mặt của một vấn đề - sắm Tết, "ăn" Tết mà quanh đó có đủ buồn vui, đủ cung bậc cảm xúc từ người trong cuộc cũng như người chứng kiến. Rõ là khoảng cách giàu nghèo vẫn là vấn đề đau đầu của toàn xã hội. Tuy nhiên, sự đủ đầy về vật chất hay sự thiếu hụt, rốt cuộc thì đó có phải là nguyên nhân duy nhất khiến người ta có một cái Tết hạnh phúc, hoặc "mất Tết" hay không?
2. Ngày trước, đọc "Hà Nội văn hóa và phong tục" của Lý Khắc Cung, nhớ ông viết về Tết Hà Nội, có đoạn về đời sống tinh thần của người Hà thành trong dịp Tết, đại ý rằng vào những ngày năm mới thì sự sống gắn với bốn từ, chỉ là "thiện", "khiết", "hòa", "vọng" - nghĩa là trong mấy ngày ngắn ngủi ấy ai ai cũng (muốn) tỏ rõ sự trong sạch, nét đẹp, hòa hợp với cộng đồng và tràn đầy hy vọng. Hai nét sau thì chưa biết thế nào, nhưng sự thánh thiện, trong sạch và sự đẹp thì ai cũng thấy được một cách dễ dàng. Những điều ấy, so với những gì mà Hoàng Đạo Thúy, Thạch Lam, Vũ Bằng mô tả trong "Hà Nội thanh lịch", "Hà Nội ba sáu phố phường", "Thương nhớ mười hai" hay "Việt Nam phong tục" của Phan Kế Bính cũng vậy, quả thật không xa lạ chút nào.
Tết bây giờ có sự khác xưa, sự khác ấy khởi nguồn từ những ngày thường trong năm, vì nhiều nguyên nhân - cả tích cực và tiêu cực mà Tết chỉ là dịp để sự khác thể hiện rõ hơn mà thôi. Cách nay nhiều năm, nhà văn - nhà báo Trần Chiến viết "Nhịp đập phố cũ", về sau tác phẩm báo chí này được tuyển vào tập "Hà Nội 36 góc nhìn", đã tái bản khi Thủ đô chuẩn bị kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Trong cả bài viết dài hơn chục trang khổ 13,5 - 20,5cm ấy Trần Chiến tịnh không có dòng nào về Tết cổ truyền, nhưng lời lẽ đủ cắt nghĩa cho sự đổi thay ở đất Hà thành, từ kiến trúc đến dân cư, lề thói, nhất là đoạn ông "nhờ" người khác nói hộ mình: "Một phóng viên Pháp ghi nhận, cái nghèo và chiến tranh giữ lại cho Hà Nội hình thái cổ kính". Ngữ nghĩa có gì đó như là "tự động viên", nhưng có vẻ như sống trong cảnh thiếu thốn một tý thì người ta biết coi trọng và giữ gìn giá trị cuộc sống nhiều hơn khi đủ đầy chăng? Trong sự khác mà ta vẫn thấy giữa đời thường, hiện nay, trong mối liên hệ mật thiết với sự phân hóa giàu nghèo, phải chăng vẫn tồn tại những giá trị bất biến qua thời gian?
Cách nay ít ngày, khi đọc dòng tin trên báo mạng về một ca sĩ "thường thường" đổi xe sang để đón Tết, có người hiểu chuyện nói rằng chưa hẳn Tết này ca sĩ ấy đã hạnh phúc hơn nhiều ca sĩ khác - những người được chọn xuất hiện trước công chúng trong những chương trình nhạc hội chào năm mới Giáp Ngọ được tổ chức ở khu vực hồ Hoàn Kiếm trong đêm Giao thừa năm nay. Chuyện ấy cũng như cảm nhận của người xem "Gặp nhau cuối năm - Táo quân 2014" trong tối 30 Tết này, có niềm vui thuần khiết mà cũng sẽ có những nụ cười gượng, thậm chí có người sẽ tắt ti vi bởi những điều diễn ra trên sân khấu gợi chuyện không hay liên quan tới trách nhiệm của mình - thể hiện trong cả một năm chứ không chỉ trong ba ngày Tết.
"Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy". "Mồng một chơi cửa chơi nhà/mồng hai chơi xóm, mồng ba chơi đình". Muôn xưa là thế, nay không thể không theo một nếp sống đẹp được xã hội nâng niu. Tết cổ truyền là dịp người người, nhà nhà khép lại một năm bộn bề việc, khép lại lo toan để hướng về một năm mới an lành, "hơn năm cũ", là lúc hướng về tổ tiên, gia đình, bạn bè, hưởng niềm vui có từ truyền thống văn hóa tốt đẹp của toàn dân tộc. Trong thời khắc ấy, nâng li rượu ngoại đắt tiền trên tay hay còn phải tần ngần nhường miếng ngon cho con cháu, tư cách cá nhân phỏng khác gì nhau! Sự khác nhau nằm ở hành vi có trong năm mới, là phấn đấu để có cuộc sống tốt đẹp hơn, theo đuổi điều tốt, sự đẹp hay an phận tiêu cực, reo rắc sự xấu cho đời sống xã hội.
Tết cổ truyền của dân tộc, bởi vậy, bao giờ cũng có ý nghĩa củng cố niềm tin, cho con người niềm hy vọng vào năm mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.