(HNM) - Nhiều năm qua, công tác quản lý nợ thuế luôn được Cục Thuế TP Hà Nội xác định là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ.
Hướng dẫn người dân thủ tục nộp thuế tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Theo ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội, việc xây dựng phương án xử lý, thu hồi nợ đã giúp bảo đảm công tác quản lý, cưỡng chế, thu hồi nợ đọng được thực hiện đồng bộ, nhất quán, đáp ứng mục tiêu công bằng xã hội giữa các đối tượng nộp thuế trong việc chấp hành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước.
Để công tác thu hồi nợ hiệu quả, việc đầu tiên cần làm là phải phân loại được các loại nợ thuế cũng như phân loại, phân tích, nắm bắt, giám sát chặt chẽ tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, Cục Thuế TP Hà Nội cũng xây dựng cơ sở dữ liệu của cơ quan Thuế và liên tục rà soát, chuẩn hóa dữ liệu nợ. Từ đó, đơn vị sẽ phân tích, đánh giá, nhận định theo từng nhóm nợ, từng người nộp thuế để có giải pháp đôn đốc phù hợp. Tiếp đó, cơ quan Thuế sẽ thực hiện đôn đốc và áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định như ban hành thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp, cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, cưỡng chế hóa đơn… trên tinh thần lắng nghe, chia sẻ, động viên, nhưng cũng kiên quyết đối với các đối tượng chây ỳ nợ thuế.
Từ đầu năm 2018 đến nay, Cục Thuế TP Hà Nội đã đăng công khai trên website của Cục Thuế 1.627 đơn vị nợ tiền thuế, phí, các khoản thu liên quan đến đất, với tổng số tiền nợ là hơn 6.350 tỷ đồng. Kết quả sau khi đăng công khai, đã có 660 doanh nghiệp và dự án nộp hơn 516,9 tỷ đồng.
Bên cạnh việc đôn đốc quyết liệt, thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định đối với các đơn vị chây ỳ, Cục Thuế TP Hà Nội cũng luôn lắng nghe, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh và tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế. Cụ thể, Cục Thuế TP Hà Nội đưa ra các giải pháp như: Giải quyết xuất lẻ hóa đơn, hướng dẫn người nộp thuế gửi hồ sơ không tính tiền chậm nộp theo quy định, tổ chức đối thoại, trả lời công văn hướng dẫn vướng mắc cho người nộp thuế...
Ông Mai Sơn cho biết, năm 2018 dưới sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Cục Thuế TP Hà Nội đã tiếp tục triển khai hoạt động hiệu quả vai trò là thành viên ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế. “Thời gian tới, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, đề xuất các cấp có thẩm quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế quyết liệt hơn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp, các chủ đầu tư có nguồn tiền nhưng cố tình chây ỳ, không hoàn thành nghĩa vụ với ngân sách nhà nước. Cục Thuế TP Hà Nội hy vọng các chủ dự án, doanh nghiệp sớm thu xếp được nguồn tài chính và chủ động nộp các khoản tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước trước khi cơ quan thuế có các biện pháp mạnh hơn theo quy định.
Ngoài ra, Cục Thuế TP Hà Nội cũng cảnh báo về tình trạng thời gian qua, có những cuộc điện thoại gọi đến doanh nghiệp tự xưng danh (mạo danh, giả danh) là cán bộ, công chức của Cục Thuế TP Hà Nội để mời chào, ép buộc doanh nghiệp mua sách, tài liệu, ký hợp đồng tài trợ cho các hoạt động in, xuất bản sách, hoặc các ấn phẩm vinh danh doanh nghiệp, cẩm nang về thuế, lập quỹ hỗ trợ của ngành Thuế…
Cục Thuế TP Hà Nội khẳng định, cơ quan Thuế không có chủ trương cũng như không cử cán bộ gọi điện thoại, fax, hay mang sách đến bán cho người nộp thuế. Người nộp thuế cần cảnh giác và thông tin, phản ánh kịp thời về hành vi lừa đảo tới cơ quan công an các cấp, hoặc Cục Thuế TP Hà Nội theo địa chỉ email: duongdaynong.han@gdt.gov.vn để có biện pháp phối hợp, xử lý kịp thời.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.