Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cục diện không mong đợi của châu Âu

Quỳnh Dương| 22/04/2011 07:00

(HNM) - Dù không giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử diễn ra ngày 17-4, nhưng vị trí thứ 3 của đảng Người Phần Lan đích thực - chính đảng cực hữu theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cũng đủ làm thay đổi một cách cơ bản cục diện sân khấu chính trị của quốc gia Bắc Âu này.

Timo Soni - Chủ tịch đảng Người Phần Lan đích thực đã tạo ra bước tiến ngoạn mục trong cuộc tổng tuyển cử.

Theo kết quả kiểm phiếu được công bố ngày 18-4, đảng Liên minh dân tộc giành 20,4% số phiếu bầu, tương đương với 44 ghế và trở thành đảng lớn nhất trong Quốc hội Phần Lan gồm 200 ghế. Đảng Dân chủ xã hội đối lập đứng thứ hai với 19,1% số phiếu, tương đương với 42 ghế. Tiếp theo là đảng Người Phần Lan đích thực với 19% số phiếu, trở thành một lực lượng chính trị chủ chốt tại Phần Lan với 39 ghế - tăng đột biến so với chỉ có 6 ghế từ cuộc tuyển cử lần trước vào năm 2007. Trong khi đó, đảng Trung tâm cầm quyền của đương kim Thủ tướng Mari Kiviniemi lại thất bại thảm hại khi chỉ giành được 15,8% số phiếu, khiến cho số ghế trong Quốc hội mà đảng này nắm giữ giảm từ 51 xuống còn 35. Số ghế còn lại được phân chia cho đảng cánh tả, đảng Xanh 10 ghế, đảng Nhân dân Thụy Điển và Liên đoàn Dân chủ Thiên chúa giáo.

Với kết quả bầu cử trên, Liên minh dân tộc của Bộ trưởng Tài chính Kyrki Katainen gần như chắc chắn sẽ đứng ra thành lập chính phủ mới. Tuy nhiên do không giành được số phiếu quá bán nên chính đảng theo đường lối trung hữu này buộc phải "bắt tay" với các đảng phái khác để thành lập chính phủ liên minh. Giới quan sát cho rằng, nhiều khả năng Liên minh dân tộc sẽ dành ưu tiên số một cho "đối tác" truyền thống là đảng Trung tâm của Thủ tướng M.Kiviniemi. Nhưng sự kết hợp này vẫn chưa hội đủ số phiếu cần thiết để hai đảng có thể điều hành đất nước. Liên minh cầm quyền lần này cần thêm một đối tác thứ 3 đủ mạnh như Dân chủ xã hội hoặc đảng Người Phần Lan đích thực.

Vấn đề ở chỗ, lâu nay các nhà lãnh đạo của Liên minh Dân tộc và Trung tâm đều theo đuổi đường lối ôn hòa, chủ trương xây dựng một mối quan hệ hữu hảo với Liên minh châu Âu (EU), tăng cường liên kết nội khối và ủng hộ Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF). Trong khi đó, đảng Dân chủ xã hội, dù vẫn ủng hộ quan điểm của hai đảng trên về EFSF nhưng yêu cầu phải áp đặt thêm các điều kiện mà dư luận cho là khó chấp nhận đối với các nước cần vay nợ. Trong khi đó, đảng Người Phần Lan đích thực cực lực phản đối mọi sự cứu trợ, thậm chí còn muốn nước này rút khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Vì thế, sự "bứt phá" ngoạn mục của hai đảng Người Phần Lan đích thực và Dân chủ xã hội trong cuộc bầu cử lần này không chỉ báo hiệu những khó khăn sắp tới trong việc hoạch định đường lối phát triển đất nước và chính sách đối ngoại của Helsinki mà khiến cả châu Âu lo lắng.

Hiện tại, Phần Lan đã cam kết đóng góp 8 tỷ euro trong Quỹ Ổn định tài chính trị giá 440 tỷ euro của châu Âu. Không như các nước khác trong Eurozone, Quốc hội Phần Lan có quyền bỏ phiếu đối với các đề nghị của EU về quỹ cứu trợ. Vì vậy, việc Người Phần Lan đích thực gia tăng số phiếu trong Quốc hội sẽ đe dọa những quyết sách của Chính phủ liên quan tới vấn đề khủng hoảng nợ châu Âu. Trong khi đó, bất kỳ quyết định nào liên quan tới EFSF cần phải có sự nhất trí của toàn bộ 17 nước thành viên Eurozone. Cái lắc đầu của Helsinki có thể làm trệch hướng phác đồ "điều trị cơn trọng bệnh" về tài chính trong khu vực.

Theo nhà phân tích chính trị Ilkka Ruostetsaari của Đại học Tampere, kết quả nghiêng về cánh hữu tại Quốc hội Phần Lan là một cú nổ lớn thay đổi "chân dung" của quốc gia lâu nay vẫn theo đường lối ôn hòa này. Sự ủng hộ của cử tri đối với đảng Người Phần Lan đích thực rõ ràng phản ảnh những bất mãn của người dân khi tiền thuế của họ được chi để cứu trợ các quốc gia vỡ nợ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cục diện không mong đợi của châu Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.