(HNM) - Với tinh thần hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (DN ĐTNN) ở mức cao nhất, Hà Nội sẽ tổ chức giao ban định kỳ để đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, đối thoại với nhà đầu tư; đẩy mạnh cải cách hành chính; chủ động tạo điều kiện cho DN về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan...
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), tính đến hết năm 2014, Hà Nội đã thu hút được 3.169 dự án ĐTNN, với tổng vốn đăng ký 26,3 tỷ USD. Vốn thực hiện đạt 11,3 tỷ USD, chiếm khoảng 52% tổng vốn đầu tư đăng ký. Riêng quý I-2015, thành phố đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn cho 80 dự án, với tổng vốn đầu tư đạt 160,2 triệu USD, tăng 2,6 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả tích cực, cho thấy bức tranh đầu tư trên địa bàn ngày càng sáng hơn. Kết quả này cũng cao hơn so với kết quả thu hút vốn ĐTNN của cả nước. Đến nay, vốn đầu tư của khối DN ĐTNN đã đóng góp 15% tổng vốn đầu tư xã hội, chiếm khoảng 16,5% cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn, có đóng góp lớn vào xuất khẩu cũng như trực tiếp giải quyết nhu cầu việc làm cho người dân. Một số dự án còn góp phần quan trọng trong việc cải tạo, tạo điểm nhấn cho cảnh quan đô thị Thủ đô, hiện đại hóa hệ thống phân phối thương mại và dịch vụ xã hội.
Sản xuất linh kiện xe máy tại Công ty TS Interseats Việt Nam, vốn đầu tư của Thái Lan. Ảnh: Huy Hùng |
Tuy nhiên, các dự án ĐTNN cũng đang đối diện với một số vướng mắc do nhiều nguyên nhân, chủ yếu liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng (GPMB) và quy hoạch. Hiện có 37 dự án cần được quan tâm, hỗ trợ, với tổng giá trị đầu tư 8 tỷ USD. Cụ thể, 5 dự án đang trong quá trình chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ để xin cấp phép đầu tư nhưng đang vướng về GPMB và phải chờ Sở QH-KT nghiên cứu, thẩm định và phê duyệt quy hoạch 1/500. Về vấn đề này, đại diện Sở KH-ĐT cho biết, tiến độ triển khai của chủ đầu tư còn chậm, chưa quyết liệt và khuyến nghị chủ dự án cần nỗ lực hơn. 32 dự án còn lại đang trong quá trình giao đất và đầu tư xây dựng công trình, nhưng rơi vào cảnh chậm tiến độ. Bên cạnh lý do hoạt động đầu tư suy giảm vì khủng hoảng kinh tế chung, thị trường bất động sản trầm lắng còn có nguyên nhân đến từ việc điều chỉnh quy hoạch hoặc chờ quy hoạch phân khu chung của ngành chức năng. Lãnh đạo UBND thành phố xác nhận, đó là những vấn đề phức tạp cần có sự vào cuộc, quyết tâm từ các cấp, ngành và sự hợp tác của nhà ĐTNN.
Bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Phó Tổng giám đốc Dự án Bệnh viện quốc tế Hoa Kỳ cho biết: Chúng tôi xây dựng bệnh viện quy mô 500 giường trên địa bàn quận Cầu Giấy (đang trong giai đoạn hoàn thiện và chuẩn bị lắp đặt thiết bị). Tuy nhiên, dự án vẫn chưa GPMB xong phần diện tích mở rộng vì 6 hộ dân không chịu hợp tác. Việc này kéo dài 5 năm nay và tổng số thời gian thực hiện GPMB cả dự án lên tới 10 năm. Thực tế này khiến cho bệnh viện chậm đi vào hoạt động, đẩy DN vào tình thế có thể phải xin gia tăng thời hạn hoạt động của dự án thêm 10 năm nữa để bảo đảm mục đích ban đầu… "Chúng tôi mong muốn được chính quyền địa phương, ngành chức năng sớm vào cuộc, giải quyết dứt điểm", bà Nguyễn Thị Giáng Hương bày tỏ mong muốn.
Tại hội nghị, chủ đầu tư một số dự án cũng đề nghị thành phố chủ động hơn nữa trong hoạt động quản lý, đồng hành cùng DN bằng việc giải quyết vướng mắc cho nhà đầu tư. Mong muốn của các nhà đầu tư là được các ngành chức năng theo dõi sát sao, kịp thời nắm bắt tình hình để xử lý những vướng mắc. Cũng có ý kiến gợi ý thành phố nên thành lập một bộ phận chuyên trách tiếp nhận, xử lý thông tin, đáp ứng yêu cầu hỗ trợ của DN ĐTNN, cũng như nên tổ chức các cuộc đối thoại với DN theo chuyên đề cụ thể, từ đó tập trung giải quyết rốt ráo những vấn đề nảy sinh. Trước những đề xuất này, đại diện Sở KH-ĐT khẳng định, trong trường hợp gặp vướng mắc, DN liên lạc ngay với ngành chức năng để tìm cách giải quyết.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Tuấn khẳng định, UBND thành phố sẽ kiên trì thực hiện một số giải pháp để tăng cường thu hút đầu tư cũng như hỗ trợ nhà đầu tư một cách thiết thực. Đó là, tổ chức giao ban định kỳ để đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, đối thoại với nhà đầu tư; tập trung vào từng nhóm chuyên đề; hoàn thiện các quy hoạch phân khu; xây dựng cơ chế chính sách theo hướng đồng bộ. Thành phố cũng sẽ nỗ lực tăng tốc độ cải cách hành chính và nâng cao chất lượng dịch vụ công theo mô hình "một cửa liên thông", giảm chi phí và thời gian cho DN; cung cấp và hướng dẫn thực hiện quy định của Nhà nước; chủ động tạo điều kiện cho DN về đất đai, xây dựng, thuế, hải quan bên cạnh việc ứng dụng đại trà công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính. Thành phố sẽ tạo điều kiện cho DN về mặt bằng sản xuất, phát triển các khu công nghiệp và ban hành khung giá đất sát với giá thị trường; rà soát nguồn quỹ đất, kế hoạch sử dụng đất... Những giải pháp này sẽ tăng niềm tin đối với nhà đầu tư và tạo tâm lý gắn kết giữa chính quyền với giới đầu tư.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn: Trả lời doanh nghiệp ngay trong tháng 5 Hà Nội được công nhận là có sự cải thiện đáng kể về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và thành phố luôn giữ quan điểm kiên trì mục tiêu hỗ trợ DN, đồng hành cùng DN bằng việc làm cụ thể để xứng đáng với kỳ vọng của cộng đồng DN. Thành phố yêu cầu các sở, ngành tập trung rà soát, tìm hiểu rõ các vướng mắc của nhà đầu tư để đáp ứng một cách hiệu quả trên tinh thần trách nhiệm cao nhất. Mỗi đơn vị quản lý nhà nước cần tự đặt câu hỏi đã làm được gì, chưa làm được gì cho DN. Thành phố yêu cầu Sở QH-KT; Sở TN-MT cần quan tâm, tiếp thu ý kiến và trả lời những thông tin mà DN ĐTNN cần biết trước khi kết thúc tháng 5-2015. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.