(HNM) - Sau hơn 4 tháng bùng phát, đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người trên toàn cầu mà còn gây ra một cuộc khủng hoảng xã hội khiến 200 triệu người mất việc làm. Cùng với đó, nền kinh tế thế giới còn rơi vào suy thoái với tỷ lệ thất nghiệp cao chưa từng có trong lịch sử.
Mới đây, Bộ Lao động Mỹ cho biết, từ giữa tháng 3 tới nay đã có hơn 30 triệu người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp. Con số kỷ lục này đã "cuốn trôi" tất cả việc làm được tạo ra trong gần một thập kỷ qua. Theo con số thống kê, từ tháng 9-2010 đến tháng 2-2020, nền kinh tế Mỹ đã tạo thêm 22 triệu việc làm. Đây được cho là giai đoạn bùng nổ việc làm của xứ Cờ hoa.
Tại châu Âu, cơ quan Việc làm Áo (AMS) cho biết, trong tháng 4-2020, số người thất nghiệp ở nước này là 571.477 người, tăng 58% so với mức 361.202 người thất nghiệp cùng thời điểm năm 2019. Theo đánh giá của AMS, đây là tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong lịch sử. Do đại dịch Covid-19, mọi ngành nghề, khu vực và mọi đối tượng lao động đều bị ảnh hưởng. Ngành kinh doanh khách sạn và nhà hàng chịu tác động lớn nhất với số người mất việc làm tăng tới 130%, trong khi đó số người mất việc làm trong ngành Xây dựng tăng 98%.
Các chuyên gia tại Viện Chính sách xã hội thuộc Đại học HSE (Nga) cho biết, số người thất nghiệp đã đăng ký ở Nga có khả năng tăng gần 6 lần - lên tới 5,3 triệu người. Trợ lý của Tổng thống Nga gọi đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai và cho rằng, tình trạng thất nghiệp ngày càng tăng ở các quốc gia trên thế giới.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, dịch Covid-19 đang đẩy thế giới vào cuộc khủng hoảng chưa từng có và tác động sâu rộng đến thị trường lao động toàn cầu. Dưới hình thức này hay hình thức khác, dịch bệnh đã gây ảnh hưởng đến 80% người trong độ tuổi lao động trên toàn cầu. Nghiêm trọng hơn nữa, 1,25 tỷ người lao động trên thế giới đang bị đe dọa mất việc hoặc giảm lương. Tập đoàn Dịch vụ tài chính JPMorgan Chase & Co (có trụ sở tại Mỹ) ước tính, tỷ lệ thất nghiệp tại các nền kinh tế phát triển sẽ tăng thêm 2,7% cho tới giữa năm nay. Ngay cả khi nền kinh tế bắt đầu hồi phục, dự báo tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ sẽ ở mức 4,6% và tại châu Âu là 8,3% cho tới cuối năm 2021.
Giảm số lượng việc làm đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu nhập lớn cho người lao động. Nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ước tính, con số này tương đương từ 860 tỷ USD đến 3,4 nghìn tỷ USD trong năm 2020. Đây là yếu tố gây tác động dây chuyền dẫn tới giảm tiêu thụ hàng hóa và dịch vụ, ảnh hưởng tới triển vọng của doanh nghiệp. ILO cũng dự đoán sẽ có thêm 8,8-35 triệu người lao động rơi vào đói nghèo trên khắp thế giới.
Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng sẽ tạo thêm áp lực với chính phủ các nước trong việc hỗ trợ hoạt động của doanh nghiệp, thuyết phục các công ty không sa thải nhân viên cho tới khi dịch bệnh được kiểm soát, bảo đảm an sinh xã hội…
Theo Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder, có hai công cụ chính có thể giúp giảm bớt những tác động tiêu cực. Thứ nhất là đối thoại xã hội - đối thoại giữa người lao động, người sử dụng lao động và các tổ chức đại diện của họ. Thứ hai là các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Nếu tình hình tiếp tục nghiêm trọng hơn, các quốc gia sẽ phải công bố thêm những chương trình hỗ trợ, bên cạnh các gói nới lỏng đã thực hiện trong thời gian vừa qua.
Cuộc chiến chống dịch Covid-19 nhiều khả năng sẽ còn kéo dài và tác động tiêu cực tới hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, việc làm và thu nhập của người lao động. Phản ứng nhanh chóng và đồng bộ là biện pháp hữu hiệu đối với mỗi quốc gia trong việc ngăn chặn, giảm thiểu cú sốc đối với thị trường lao động toàn cầu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.