Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú sốc với kinh tế Trung Quốc?

Đình Hiệp| 30/07/2015 06:30

(HNM) - Bỏ qua các nỗ lực của Chính phủ nhằm giữ vững thị trường, sàn chứng khoán Thượng Hải - sàn giao dịch lớn nhất của Trung Quốc - ngay trong phiên giao dịch đầu tuần vẫn giảm điểm mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây.

Sự kiện thị trường chứng khoán Trung Quốc liên tục lao dốc trong làn sóng giảm điểm của thị trường chứng khoán Châu Á những ngày qua không chỉ làm lung lay niềm tin của các nhà đầu tư mà còn dấy lên lo ngại về một "cú sốc" có thể với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 8 năm trở lại đây.



Chốt phiên giao dịch đầu tuần, chỉ số tổng hợp Thượng Hải giảm 8,48% xuống còn 3.725,26 điểm. Đây là mức giảm mạnh nhất trong một ngày của chỉ số này kể từ tháng 2-2007 đến nay. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán sàn giao dịch lớn thứ hai Thâm Quyến cũng bay mất 2,24%, tức giảm 48,39 điểm xuống còn 2.111,7 điểm. Sự sụt giảm này khác thường ở chỗ thị trường chứng khoán Trung Quốc ít khi giảm vào phiên giao dịch đầu tuần. Điều khiến giới đầu tư quan tâm là cuộc "bán tháo" cổ phiếu không thể ngăn cản diễn ra chỉ hai tuần sau khi Chính phủ Trung Quốc đổ vào thị trường chứng khoán 800 tỷ USD. Cùng với lượng tiền lớn, một loạt quy định cũng được được đưa ra như: Cấm các cổ đông lớn nhất của các công ty đại chúng được bán cổ phiếu; đồng thời, hạn chế bán khống và cho phép 1.400 công ty ngừng hoạt động giao dịch, tạm dừng việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng của các công ty và khuyến khích các ngân hàng mua lại cổ phiếu.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến chỉ số trên sàn Thượng Hải giảm mạnh là do những số liệu kinh tế của Chính phủ Trung Quốc mới công bố cho thấy, nền kinh tế đầu tàu khu vực Châu Á đang đối mặt với nhiều khó khăn. Lợi nhuận của các công ty lớn trong tháng 6 đã giảm 0,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, một khảo sát mới nhất cho thấy, các chỉ số của khu vực sản xuất thế mạnh của Trung Quốc hiện ở mức thấp nhất kể từ tháng 4-2014. Các nhà đầu tư cũng tỏ ra không mấy tin tưởng các biện pháp Chính phủ Trung Quốc vừa tung ra sẽ giúp thị trường chứng khoán sớm phục hồi. Ngoài ra, thị trường Mỹ có 4 phiên giảm liên tiếp trong cuối tuần trước cũng tạo ra những tác động tiêu cực. Bên cạnh đó, tác động "tâm lý đám đông" khi cho rằng Mỹ sắp có thể tăng lãi suất cơ bản đã khiến xuất hiện "phản ứng" tháo vốn khỏi Trung Quốc để tìm đường vào Mỹ và các thị trường khác.

Nhận định không mấy lạc quan về nền kinh tế đất nước hơn 1,3 tỷ dân càng có cơ sở khi Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết, nước này đang phải đối mặt với sức ép suy giảm và thiếu đà tăng trưởng. Theo Thư ký trưởng NDRC Lý Phác Dân, dòng vốn thực đổ vào nền kinh tế Trung Quốc hiện không ổn định, trong khi Vụ phó Vụ Sáp nhập thuộc NDRC Cao Cảo thừa nhận không mấy lạc quan về triển vọng xuất khẩu... Trong 6 tháng đầu năm 2015, Trung Quốc đạt tốc độ tăng trưởng 7%. Tuy nhiên, sự lao dốc của thị trường chứng khoán kể từ tháng 6 vừa qua đã làm dấy lên lo ngại về "sức khỏe" của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Vì thế, Ngân hàng trung ương Trung Quốc đã cắt giảm lãi suất 3 lần kể từ đầu năm đến nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế đang rơi vào tình cảnh đáng lo ngại nhất trong vòng hơn 2 thập kỷ qua.

Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2015 ở mức 7%, thấp nhất trong 11 năm qua. Thế nhưng, đà suy giảm như đang diễn ra được cho sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của Trung Quốc. Cùng với đà tăng trưởng chững lại, thị trường bất động sản yếu đi, nhu cầu tiêu thụ toàn cầu sụt giảm và lo sợ sự xuống dốc hơn nữa của thị trường chứng khoán đang đẩy nền kinh tế mới nổi lớn nhất Châu Á vào tình thế nan giải. Đã dấy lên lo ngại "cú sốc" chứng khoán có thể khiến tăng trưởng của Trung Quốc giảm sâu hơn. Nghiêm trọng hơn, nền kinh tế Trung Quốc giảm tốc có khả năng sẽ tác động mạnh đến những nước có liên hệ về chuỗi cung ứng và xuất - nhập khẩu với cường quốc này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cú sốc với kinh tế Trung Quốc?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.