Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Cú hích" từ nguồn lực đất đai

Đỗ Minh| 30/07/2018 06:51

(HNM) - Bằng việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong việc giao đất, sử dụng đất, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, thu hút đầu tư thông qua các dự án, Hà Nội đã có bước chuyển mình rõ nét sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính.

Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai đã giúp huyện Thường Tín làm tốt công tác thu hút đầu tư. Ảnh: Linh Ngọc


Những điểm sáng

Hà Đông là một trong những quận có nhiều dự án trọng điểm của Thủ đô. Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng chia sẻ, trong 10 năm qua, tiến trình đô thị hóa trên địa bàn quận diễn ra mạnh mẽ với các khu chung cư, cụm, điểm công nghiệp, dịch vụ... ngày càng phát triển. Việc xây dựng Hà Đông cơ bản tuân theo quy hoạch đã được phê duyệt và quy hoạch điều chỉnh chung với tốc độ nhanh, chất lượng cao.

Với định hướng phát triển của quận, đặc biệt là những chính sách tháo gỡ khó khăn về đất đai, thu hút đầu tư, từ năm 2008 đến hết năm 2017, đã có 156 dự án được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) và UBND TP Hà Nội cấp phép đầu tư trên địa bàn quận với tổng vốn đầu tư gần 56.500 tỷ đồng. Việc triển khai các dự án đã đóng góp rất lớn vào sự đổi thay của quận Hà Đông.

Là một huyện thuần nông còn nhiều khó khăn, Sóc Sơn đã từng bước khẳng định bước đi vững chắc thông qua những chính sách thu hút đầu tư, phát huy nguồn lực đất đai, hạ tầng giao thông. Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vương Văn Bút cho biết: Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, trên địa bàn huyện Sóc Sơn có 3 tuyến đường cao tốc chạy qua. Đó là quốc lộ 3 mới Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, đường Võ Nguyên Giáp.

Bên cạnh đó, nhiều dự án trọng điểm được triển khai, thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển mạnh cả về quy mô và giá trị. Nhiều dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực được xúc tiến, triển khai như: Dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, đường Nội Bài - Nhật Tân, dự án mở rộng đường ga T2 Sân bay Nội Bài, đường 16... với tổng số vốn hàng chục nghìn tỷ đồng.

Không chỉ Sóc Sơn và quận Hà Đông mà đa số các quận, huyện, thị xã đã biết phát huy những lợi thế về đất đai để thu hút đầu tư, triển khai nhiều dự án trọng điểm. Nguồn thu từ công tác đấu giá đất, giải phóng mặt bằng tại các địa phương đã góp phần rất lớn thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của các địa phương một cách toàn diện.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, trong những năm qua, công tác đấu giá quyền sử dụng đất của thành phố là một giải pháp quan trọng để tăng thu ngân sách phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Từ năm 2008 đến hết năm 2017, công tác đấu giá quyền sử dụng đất đã thu được hơn 30 nghìn tỷ đồng, góp phần ổn định thị trường bất động sản và giải quyết nhu cầu về đất ở cho nhân dân trên địa bàn thành phố.

Bên cạnh đó, công tác thu hồi đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được triển khai chặt chẽ, phát huy được nguồn lực kinh tế. Tính từ năm 2008 đến hết năm 2017, Sở Tài nguyên và Môi trường đã trình UBND thành phố giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được 26.135,23ha, nguồn thu từ đất hằng năm đạt khoảng 10-15% thu ngân sách thành phố, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng của Thủ đô.

Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư

Để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đầu tư trong lĩnh vực đất đai, thành phố đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính. Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, Sở đã tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về lĩnh vực tài nguyên và môi trường theo hướng cải cách quy trình, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính.

Cụ thể, đến nay, công tác thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất còn 12 ngày, giảm 3 ngày; thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ 30 ngày xuống còn 14 ngày; thời gian thẩm định bản đồ giảm từ 15 ngày xuống 7 ngày; bàn giao mốc giới ngoài thực địa giảm từ 7 ngày xuống 5 ngày...

Ngoài ra là tập trung rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường, trong đó thực hiện rà soát từng thành phần hồ sơ, từng khâu thực hiện liên thông hồ sơ, cắt giảm thực hiện từ 30-35%; tăng tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, phấn đấu hết năm 2018 thực hiện cung cấp từ 40 đến 50% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Nhờ những cải cách đột phá kể trên, đến nay toàn thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đất đai lần đầu đạt 100% kế hoạch; cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà tại các dự án phát triển nhà ở đạt 89,73%...

Đánh giá về công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy khẳng định, bằng việc đơn giản hóa các thủ tục, số lượng doanh nghiệp, tổ chức tham gia đầu tư trong lĩnh vực đất đai tăng đáng kể. Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh chia sẻ: "Cải cách thủ tục hành chính trong quản lý đất đai không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thu hút đầu tư từ doanh nghiệp mà còn giúp các thành phần kinh tế nhỏ, các hộ cá nhân phát triển kinh bền vững".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Cú hích" từ nguồn lực đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.