(HNM) - “Chúng tôi đang triển khai nhiều hoạt động nhằm xây dựng và hoàn thiện quy trình chuyên môn, quy chế quản lý học viên tại cơ sở, phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy; đồng thời, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện, góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội trên địa bàn Thủ đô”. Đó là khẳng định của Giám đốc Cơ sở cai nghiện ma túy số 7 (xã Xuân Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) Nguyễn Văn Hải khi trao đổi cùng phóng viên Báo Hànộimới.
- Ông có thể chia sẻ đôi nét đặc thù trong hoạt động của Cơ sở cai nghiện ma túy số 7?
- Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, cơ sở không chỉ tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện mà còn chịu trách nhiệm giáo dục, dạy nghề, lao động sản xuất, tái hòa nhập cộng đồng cho người nghiện ma túy (cả diện bắt buộc và tự nguyện). Đồng thời, quản lý, tư vấn, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy ổn định tâm lý, sức khỏe, phòng, chống tái nghiện, nghiên cứu thực nghiệm mô hình cai nghiện, chữa trị, phục hồi…
Hiện nay, thực hiện Kế hoạch số 110/KH-UBND do UBND thành phố Hà Nội ban hành ngày 18-3-2023 về triển khai công tác cai nghiện và quản lý sau cai nghiện ma túy năm 2023, chúng tôi tiếp tục xây dựng và hoàn thiện các quy trình chuyên môn, quy chế quản lý học viên phù hợp với Luật Phòng, chống ma túy và các văn bản hướng dẫn thi hành.
- Thời gian qua, việc “chuẩn hóa” quy trình điều trị cai nghiện ma túy tại cơ sở được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Việc “chuẩn hóa” đã được triển khai từ nhiều năm qua, hiện nay, đơn vị chúng tôi tiếp tục có các giải pháp để công tác quan trọng này ngày càng được thực hiện đúng quy chuẩn hơn. Các học viên đến với cơ sở đều được tiếp nhận, phân loại, tổ chức chữa bệnh, cai nghiện để phục hồi sức khỏe. Đơn vị còn tăng cường tư vấn, khám và điều trị người nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, đồng thời, tổ chức lao động trị liệu cho học viên. Công tác giáo dục phục hồi hành vi, nhân cách, hỗ trợ học viên mở rộng hiểu biết, nâng cao trình độ học vấn được chú trọng.
Đặc biệt, chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao và các hoạt động văn hóa, xã hội giúp học viên được sinh hoạt, vui chơi tập thể, góp phần thay đổi nhận thức, hành vi, bảo đảm điều kiện tái hòa nhập cộng đồng…
Cùng với đó, việc nâng cao chất lượng hỗ trợ, điều trị, cai nghiện ma túy được tăng cường, hướng tới mục tiêu là người điều trị nghiện được can thiệp đồng bộ. Đơn vị cũng kết nối chặt chẽ với địa phương, bảo đảm 100% học viên hết thời gian cai nghiện ma túy về nơi cư trú được quản lý sau cai nghiện ma túy; đồng thời, hỗ trợ học viên không chỉ về tâm lý, pháp lý, mà còn giúp họ kết nối họ với các cơ sở y tế khám, điều trị bệnh, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng...
- Đơn vị sẽ làm gì để công tác quản lý, điều trị cho người nghiện ma túy ngày càng hiệu quả hơn trong thời gian tới, thưa ông?
- Theo Kế hoạch số 110/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội, thành phố phân bổ chỉ tiêu cho 30 quận, huyện, thị xã trên địa bàn lập hồ sơ và đưa người đi cai nghiện ma túy bắt buộc là 1.200 người, hỗ trợ vay vốn, dạy nghề, tạo việc làm cho người sau cai nghiện ma túy 250 người. Thành phố cũng phân bổ chỉ tiêu tiếp nhận cai nghiện ma túy bắt buộc cho đơn vị chúng tôi là 200 người, vận động cai nghiện ma túy tự nguyện 200 người, chỉ tiêu dạy nghề là 100 người.
Thực ra, với tiềm lực hiện tại, đơn vị chúng tôi đủ khả năng tiếp nhận và tổ chức cai nghiện bắt buộc ở mức cao hơn nhiều lần. Vì vậy, tôi mong việc lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc đối với người nghiện ma túy được thực hiện sát sao hơn, bảo đảm an ninh trật tự cho cộng đồng.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác điều trị, cai nghiện ma túy, phối hợp tốt công tác tiếp nhận, điều trị, cắt cơn, chăm sóc sức khỏe cho người cai nghiện. Đồng thời, duy trì nghiêm túc chế độ, quy trình điều trị, bảo đảm công khai, minh bạch trong quản lý, chính sách cho người cai nghiện.
- Trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.