(HNMCT) - Mặc dù được đánh giá rất cao về kỹ thuật và độ tinh xảo nhưng lâu nay, nhiều làng nghề truyền thống vẫn loay hoay, thậm chí bế tắc trong việc sáng tạo mẫu mã sản phẩm. Trong khi đó, rất nhiều họa sĩ mỹ thuật ứng dụng lại đang mất dần hào hứng với nghề bởi không tìm được “đất” cho sáng tạo... Giữa hai bên cần lắm những cái “bắt tay” để tạo ra cú hích mới cho sự phát triển của các làng nghề.
“Cái bắt tay” bạc tỷ
Tháng 10 vừa qua, Hanoia - thương hiệu thủ công mỹ nghệ thuộc tập đoàn Openasia đã giới thiệu đến công chúng dòng trang sức sơn mài mới mang tên Hanoia by Couli Jobert. Đây là dòng sản phẩm do nhà thiết kế nổi tiếng người Pháp Couli Jobert thiết kế, nghệ nhân sơn mài của Hanoia thực hiện thủ công.
Với kinh nghiệm 11 năm làm việc ở cương vị Giám đốc Nghệ thuật cho dòng sản phẩm da của Hermès, Couli Jobert chính là người từng tạo nên bước đột phá lớn với mẫu thiết kế Mini Birkin được giới mộ điệu trên toàn thế giới yêu thích. Và ở bộ sưu tập này, Couli Jobert đem đến một sáng tạo bất ngờ: Một bộ trang sức lấy cảm hứng từ sự chuyển động không ngừng, phát triển trên những kỹ thuật khó nhất của sơn mài truyền thống Việt Nam. Mỗi mặt của món đồ trang sức mang một màu khác nhau để dễ dàng phù hợp với những trang phục khác nhau. Ngoài ra, thương hiệu Hanoia còn kết hợp với nhà thiết kế Couli Jobert thực hiện dòng sản phẩm đèn trang trí bằng sơn mài rất tinh xảo. Điều đáng nói, dòng sản phẩm Hanoia by Couli Jobert chỉ được sản xuất với số lượng hạn chế, vì vậy mà chúng có giá khá cao. Các món trang sức như hoa tai, vòng tay... có giá từ 4,6 triệu đồng đến hơn 5 triệu đồng, một bộ đèn có giá từ 13,5 triệu đồng - 23,5 triệu đồng. Đây là những cái giá mà giới nghệ nhân sơn mài truyền thống ở các làng nghề mơ ước.
Không chỉ với thiết kế của các nhà tạo mẫu nổi tiếng thế giới, mà ngay cả các sản phẩm thủ công thiết kế riêng của Hanoia cũng có giá thành rất cao. So sánh với các sản phẩm cùng chất liệu, cùng kích cỡ, có thể thấy giá sản phẩm sơn mài của Hanoia thường cao hơn khoảng 10 lần. Điều này cũng đúng với xu hướng của thế giới: Các sản phẩm thủ công truyền thống có thiết kế riêng thường có giá thành cao hơn nhiều sản phẩm cùng loại mang mẫu mã phổ thông. Tiến sĩ Nguyễn Kim Hương, giảng viên Khoa Thiết kế thời trang, Đại học Mỹ thuật công nghiệp chia sẻ: “Khi ra nước ngoài tôi mua một chiếc mũ cói có thương hiệu với giá 70 euro, nhưng nếu là sản phẩm trong nước, chất lượng ngang ngửa cũng chỉ có giá vài chục đến vài trăm nghìn đồng. Một sản phẩm thủ công có thiết kế trung bình sẽ có giá cao hơn 20 lần sản phẩm cùng loại. Những sản phẩm có thương hiệu, của những nhà thiết kế nổi tiếng thì có khi gấp hàng trăm lần. Khi có hàm lượng của thiết kế sáng tạo, giá trị của sản phẩm sẽ tăng lên rất nhiều. Tuy nhiên, hầu hết làng nghề của chúng ta hiện nay đều không có thiết kế, sản phẩm bán ra quá rẻ, không có sức cạnh tranh. Rất nhiều thương hiệu may mặc, thủ công mỹ nghệ của chúng ta đã có tuổi đời cả nửa thế kỷ, thậm chí hơn nhưng chỉ gia công cho nước ngoài”.
Làng nghề và nhà thiết kế: Chưa tìm thấy nhau
Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần cho biết: Hiện cả nước có hơn 5.400 làng nghề, trong đó có khoảng 2.000 làng nghề truyền thống. Riêng tại Hà Nội cũng có khoảng 1.350 làng có nghề với số lượng lao động rất lớn. Số hội viên đang sinh hoạt tại Hiệp hội khoảng 13.000 người. Con số này phản ánh thực tế sôi động của các làng nghề trên cả nước hiện nay. Tuy nhiên, lực lượng thiết kế trong các làng nghề hiện nay lại quá ít ỏi do vị trí của thiết kế chưa thực sự được coi trọng.
Trong khi đó, theo ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, lực lượng họa sĩ được đào tạo trong lĩnh vực mỹ thuật ứng dụng (hiện nay thường được gọi là nhà thiết kế) của cả nước khá lớn, tuy nhiên số họa sĩ còn hoạt động đúng với lĩnh vực được đào tạo lại không nhiều. Có nhiều họa sĩ đã thành danh ở mỹ thuật ứng dụng sau đó lại chuyển sang nghệ thuật tạo hình, sáng tác tranh tượng bởi quan điểm xã hội vẫn cho rằng "ứng dụng" là bình thường, không phải là đẳng cấp cao trong sáng tạo. Còn một lực lượng đông đảo nhà thiết kế khác lại thiếu sự kết nối với doanh nghiệp sản xuất nên không có đầu ra cho sản phẩm. Họa sĩ Ngô Anh Cơ chia sẻ thêm: "Với việc sáng tác tranh, tượng, người họa sĩ hoàn toàn có thể làm độc lập từ khâu đầu đến khâu cuối, nhưng với ngành thiết kế thì lại phụ thuộc vào người đặt hàng, việc một tác phẩm chỉ tồn tại trên giấy là điều bình thường". Đây chính là điều khiến cho nhiều họa sĩ không mặn mà với ngành mỹ thuật ứng dụng.
“Mỹ thuật ứng dụng là lĩnh vực hoạt động cần có sự liên kết, phối hợp giữa người thiết kế và đơn vị sản xuất; giữa vùng nguyên liệu và nhà sản xuất, giữa sản xuất và tiêu thụ. Có thể nói liên kết, phối hợp để cùng phát triển là điều kiện cực kỳ quan trọng của mỹ thuật ứng dụng”, ông Vi Kiến Thành bày tỏ. Và tăng hàm lượng thiết kế cũng là cách hữu hiệu nhất để tăng giá trị của các sản phẩm thủ công truyền thống mà câu chuyện của Hanoia kể trên chính là một minh chứng. Hanoia là thương hiệu thành công dựa trên nền tảng sự kết hợp giữa niềm đam mê của các nghệ nhân với nghề truyền thống và sự sáng tạo mới của các nhà thiết kế để xây dựng thương hiệu sơn mài cao cấp. Như vậy, rõ ràng mối quan hệ giữa nghề truyền thống và nhà thiết kế là mối quan hệ sống còn trong thời điểm hiện tại, thế nhưng ở Việt Nam, mối quan hệ này vẫn còn hết sức lỏng lẻo, chưa thực sự phát huy được hiệu quả. Mặc dù đã xuất hiện một số thương hiệu nghề truyền thống cao cấp với hàm lượng thiết kế cao nhưng tỷ lệ này so với sự phát triển của các làng nghề hiện nay vẫn quá ít ỏi.
Tạo ra liên kết bằng sân chơi chung
Hiện nay nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các biện pháp thúc đẩy phát triển nghề truyền thống thông qua sự hỗ trợ về mẫu mã của các nhà thiết kế. Theo họa sĩ Văn Quân Dũng, có một kinh nghiệm rất hay của Hàn Quốc chúng ta có thể học hỏi, đó là việc thành lập Hiệp hội Các nhà thiết kế. Hiệp hội này có tiếng nói rất mạnh mẽ, không chỉ là nơi kết nối giữa doanh nghiệp, thợ thủ công với nhà thiết kế, mà còn hỗ trợ quảng bá mẫu mã, cũng như thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ...
Tuy nhiên, theo ông Vi Kiến Thành, có rất nhiều kinh nghiệm hay mà chúng ta chưa thể áp dụng được ngay bởi hiện nay còn tồn tại tình trạng chồng chéo trong quản lý các làng nghề, một ngành nhưng nhiều bộ cùng quản lý. Chẳng hạn, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) trong phạm vi và quyền hạn của mình chỉ có thể tác động được một phần nhỏ, đó là vấn đề về thẩm mỹ, yếu tố văn hóa của các sản phẩm, trong khi các vấn đề về nguyên liệu lại thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy trình sản xuất, đầu ra cho sản phẩm lại thuộc sự quản lý của Bộ Công thương...
Do vậy, một trong những giải pháp trước mắt mà lãnh đạo Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm có thể đề xuất là kêu gọi các doanh nghiệp, các làng nghề, các nhà thiết kế, các nghệ nhân, các thợ thủ công cùng nhau thiết lập một website mỹ thuật ứng dụng với hệ thống quản trị đáng tin cậy, trở thành chợ điện tử mỹ thuật ứng dụng - nơi giới thiệu, chào bán các thiết kế, mẫu mã sản phẩm; trao đổi các thông tin, các hoạt động mỹ thuật ứng dụng; kết nối các doanh nghiệp, làng nghề, người thiết kế, người sản xuất; kết nối thị trường tiêu thụ ở trong nước và quốc tế. Đây là việc có thể làm ngay và có thể giải quyết được tình trạng thiếu thiết kế ở các hộ gia đình, cơ sở sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ cũng như tạo ra "đất sống" cho các nhà thiết kế.
Cùng với đó, ông Vi Kiến Thành cũng kêu gọi sự quan tâm của xã hội, sự hỗ trợ, đầu tư của doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế để phát triển hai chất liệu truyền thống là sơn mài và trúc chỉ. Theo ông, việc quan tâm đầu tư mạnh mẽ cho một số chất liệu độc đáo của dân tộc sẽ tạo ra những hiệu quả hứa hẹn trong tương lai gần, từ đó tạo ra cú hích cho các ngành nghề còn lại.
Tăng hàm lượng sáng tạo, đa dạng mẫu mã chính là thử thách có ý nghĩa sống còn với nghề thủ công truyền thống trong thời hiện đại. Và thực tế cho thấy, chúng ta cần có nhiều biện pháp hiệu quả hơn nữa để tăng cường liên kết giữa hàng nghìn làng nghề với hàng trăm nghìn họa sĩ thiết kế trên quy mô lớn, từ đó tạo ra bước phát triển mới cho nghề thủ công truyền thống.
Họa sĩ Văn Quân Dũng:
Nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến sáng tạo
Trong thiết kế của các sản phẩm mang tính truyền thống hiện nay, chúng ta thường đặt ra câu hỏi: Tính dân tộc ở đâu? Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp chạy theo lợi nhuận, không chú trọng đến sáng tạo. Họ không cần đến những nhà thiết kế được đào tạo bài bản mà lấy mẫu mã nhái chỗ này, chỗ kia, nhào nặn thành của mình. Chẳng hạn cũng là họa tiết con rồng nhưng cái mà họ lấy đưa vào sản phẩm lại không phải là rồng của Việt Nam... Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới các sản phẩm của chúng ta, sản phẩm na ná nhau, không mang bản sắc dân tộc.
Tôi cho rằng chúng ta cần gấp rút xây dựng một hệ dữ liệu đầy đủ, thuận tiện, cung cấp các chi tiết thuộc về truyền thống để cung cấp cho các nhà thiết kế, doanh nghiệp. Ví dụ linh vật Việt Nam gồm những gì, họa tiết hoa văn nào thuộc thời đại nào?... Cái này nhiều nước đã làm và họ bán cho các nhà thiết kế với chi phí rất rẻ, rất thuận tiện.
Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh - Làng nghề mây tre đan Phú Vinh, Hà Nội:
Cần mở ra những cơ hội hợp tác
Sau khi tác phẩm Bộ đèn đan vảy rồng của tôi đoạt giải nhất Sản phẩm ứng dụng tại Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc lần thứ 4 (2014 - 2019), đã có rất nhiều doanh nghiệp trong nước tìm đến đặt vấn đề mua lại bản quyền kỹ thuật đan vảy rồng, hoặc hợp tác để làm những sản phẩm theo thiết kế riêng của họ. Tôi cho rằng sức lan tỏa của những sân chơi như Triển lãm Mỹ thuật ứng dụng toàn quốc không hề nhỏ, các anh em nghệ nhân vô cùng ủng hộ, nó đã giúp các nghệ nhân, nhà thiết kế và các doanh nghiệp tìm thấy nhau và tôi hy vọng sẽ có nhiều hơn nữa những sân chơi như vậy để mở ra những cơ hội hợp tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.