Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cú đột phá của làng giải trí Hàn Quốc

Quỳnh Chi| 17/04/2011 07:19

(HNM) - Hơn 10 năm trở lại đây, Hàn Quốc đã trở thành "Hollywood của phương Đông", sản sinh ra hàng loạt ngôi sao ca nhạc, điện ảnh, truyền hình có lượng fan khổng lồ ở khắp Nhật Bản, Trung Quốc, Đông Nam Á... Các ngôi sao ở xứ sở Kim chi còn muốn "làn sóng" Hàn Quốc chinh phục thế giới.

UAM quy tụ dàn sao đình đám nhất Hàn Quốc.

Mới đây, 6 "đại gia" của làng giải trí Hàn Quốc bao gồm: KeyEast, AM, Star J, SM, YG và JYP đã cùng hợp tác thành lập công ty giải trí có quy mô lớn nhất châu Á United Asia Management (UAM). Quy tụ một "rừng sao" đình đám như Jang Dong Gun, Hyeon Bin, Sin Min Ah, Bae Yong Joon, Kim Hyun Joong, Choi Kang Hee, Lee Yeon Hee, nhóm Wonder Girls... những người khởi xướng UAM đang tràn đầy hy vọng tạo bước đột phá lớn cho công nghiệp giải trí Hàn Quốc. Với chính sách phát triển thị trường toàn cầu với trọng tâm là châu Á, UAM sẽ "bao sân" ở hầu hết lĩnh vực kinh doanh giải trí như phim truyền hình, âm nhạc, quản lý và xây dựng hệ thống dữ liệu cơ bản thông qua các phương tiện truyền thông trực tuyến về các nghệ sĩ. Ngoài ra, UAM sẽ quản lý quyền sở hữu trí tuệ cũng như hình ảnh và vai trò mang tính toàn cầu của các nghệ sĩ trực thuộc 6 công ty giải trí lớn kể trên.

Cái bắt tay hợp tác trong làng giải trí Hàn Quốc khiến các "đại gia" cùng lĩnh vực tại châu Á và trên thế giới phải dè chừng, nhất là sau "cơn chấn động" được tạo ra từ phim truyền hình Hàn Quốc thời kỳ bắt đầu mở rộng ảnh hưởng sang Nhật Bản, Trung Quốc và Đông Nam Á vào thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Sức hút từ những sản phẩm điện ảnh với dàn diễn viên đẹp, chất lượng hình ảnh và nội dung hấp dẫn đã khiến giới trẻ trong khu vực như lên "cơn sốt". Vì thế nên, những cái tên như Bae Yong Jun, Kim Nam Joo… nghiễm nhiên trở thành thần tượng mới, cùng với đó là trào lưu "ăn" Hàn Quốc, "ngủ" Hàn Quốc và sử dụng vô số thứ gắn mác Hàn Quốc lan rộng với tốc độ chóng mặt.

Một phần lý do ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc thành công tại nước ngoài, là xuất phát từ chất lượng, tính đa dạng, đặc biệt là giá thành hợp lý hơn rất nhiều so với các sản phẩm giải trí được mua từ Mỹ hay phương Tây. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng xây dựng một nền showbiz đúng nghĩa, không lập lờ giữa giải trí và hàn lâm nghệ thuật, cho phép người làm nghệ thuật đề cao giải trí vì đáp ứng nhu cầu giải trí là một trong những mục tiêu quan trọng của người làm nghệ thuật. Ngoài ra, chính phủ Hàn Quốc, từ rất lâu, đã coi các loại hình giải trí chính là một con át chủ bài mang tính quyết định cao trong việc phát triển kinh tế - xã hội cũng như truyền bá hình ảnh ra thế giới.

Vì thế, năm 2010, chỉ riêng phim của KBS đã được xuất khẩu đi 38 quốc gia, vùng lãnh thổ, đạt mức doanh thu gần 65 triệu USD. Số liệu từ nhật báo MK, công nghiệp giải trí Hàn Quốc sinh lời 3 tỷ USD trên thị trường quốc tế trong năm qua. Đến nay, có hơn 400 công ty điện ảnh độc lập của tư nhân Hàn Quốc hoạt động trong nước và tại thị trường nước ngoài. Vì lẽ đó, tham vọng của những người sáng lập ra UAM là hoàn toàn có cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cú đột phá của làng giải trí Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.