(HNM) - Sau làng cổ Đường Lâm thì làng Cự Đà, xã Cự Khê (Thanh Oai) là một trong số hiếm hoi các làng của vùng Đồng bằng Bắc bộ còn giữ lại được nhiều ngôi nhà và các công trình văn hóa cổ, có giá trị.
Tuy nhiên, những di sản quý giá này hiện vẫn do người dân tự ý thức giữ gìn. Nếu không được cơ quan chức năng quan tâm thì những tinh hoa trong vốn cổ quý của Thủ đô liệu có được bảo tồn?
Tài sản vô giá…
Làng Cự Đà có cách đây hơn 2.000 năm, thời kỳ phát triển cực thịnh nhất là những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Theo sử sách ghi lại ông Vũ Văn Bằng, Trưởng ban Văn hóa xã Cự Khê cho biết, sông Nhuệ ngày nay chính từ một con sông nhỏ chảy qua địa bàn, nên từ xưa bến Cự Đà đã trở thành nơi giao thương sầm uất. Người trong làng đi làm ăn, buôn bán ở khắp nơi, nhiều người giàu có đã trở về kiến thiết nhà cửa, xây dựng quê hương. Hiện, Cự Đà còn nhiều ngôi nhà cổ trên 100 tuổi mang đặc trưng kiến trúc vùng Đồng bằng Bắc bộ, ngói mũi hài, cột gỗ lim, các hoa văn trên gỗ được chạm trổ cầu kỳ, tinh xảo.
Cổng vào một ngõ xóm của làng cổ Cự Đà. Ảnh: Bá Hoạt |
Một trong những ngôi nhà còn lưu giữ lại những nét cổ kính nhất của làng là nhà ông Trịnh Thế Sủng. Đây là ngôi nhà ngói 5 gian với 35 cột gỗ. Theo niên đại ghi ở trên nóc (năm 1864) thì ngôi nhà này đến nay là 146 tuổi. Nhà được dựng bằng gỗ xoan theo kiểu "7 tiền, 7 hậu, cửa võng bức bàn" với nét chạm trổ rất cầu kỳ và điêu luyện trên từng thân cột, xà, vách gỗ. Chủ nhân của ngôi nhà cho hay: Trước đây, mỗi gian trong ngôi nhà có một chức năng khác nhau, nơi dành tiếp khách, nơi gia chủ nghỉ ngơi, chỗ dành cho kẻ ăn người ở, phòng dùng để ăn cơm, uống trà... Nhà trên và nhà dưới được nối với nhau bằng sân gạch Bát Tràng đến nay đã nhuốm màu thời gian. Cùng với 50 ngôi nhà cổ thuần Việt, trong làng còn có 25 nhà biệt thự cổ theo kiến trúc pha trộn giữa Pháp và Việt rất độc đáo.
Ngoài "kho tàng" về nhà cổ, Cự Đà còn có chùa, miếu đã được xếp hạng di tích quốc gia đều là các công trình kiến trúc cổ. Đáng chú ý, trong làng hiện vẫn còn đàn Xã Tắc bằng đá xanh được xây vào đầu thế kỷ XX để hằng năm tế lễ, cầu mưa thuận gió hòa. Năm 1929, Cự Đà là thôn đầu tiên ở tỉnh Hà Tây (cũ) có điện phục vụ sinh hoạt. Thời gian này, các ngõ, xóm và nhà dân cũng đã được đánh số chẳng khác gì nhà phố. Ngày nay, ở đây còn lưu giữ nguyên được chiếc cổng làng có gắn chiếc đồng hồ được xây dựng từ đầu thế kỷ XX, dọc 12 xóm của thôn đều có cổng vòm và điếm tuần là nơi trước đây giữ an ninh trật tự trong làng. Bên bờ sông, hiện còn cột cờ được dựng năm 1929 và nhiều di tích khác như nhà Hội đồng, nhà Thọ từ... có giá trị.
… Đang mất dần
Đó là những tài sản vô giá mà làng Cự Đà vẫn còn lưu giữ khá nguyên vẹn cho đến ngày nay. Song đáng tiếc là thời gian trôi đi, nhiều ngôi nhà do quá cổ đã có nguy cơ xuống cấp, nhiều gia đình có điều kiện rất muốn tu sửa hiện đại, tuy nhiên các cụ trong làng, chính quyền thôn thì đau đáu muốn bảo tồn làng cổ. Tuy rất nhiều đề nghị, rất nhiều các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến về bảo tồn làng cổ đã được người dân và chính quyền địa phương kiến nghị lên cấp trên, nhưng Cự Đà vẫn chưa được công nhận là làng cổ và chưa nhận được sự quan tâm của ngành chức năng trong bảo tồn di sản. Ông Vũ Văn Bằng, Trưởng ban Văn hóa xã cho hay: Nếu như năm 1970 trở về trước làng Cự Đà có hơn 100 ngôi nhà cổ thuần Việt và nhiều biệt thự theo kiến trúc Pháp thì đến nay nhà cổ còn lại chừng 50 ngôi, số nhà biệt thự cũng giảm nhiều. Cách đây không lâu, một ngôi nhà được xem là cổ nhất ở Cự Đà có 300 năm tuổi đã bị phá dỡ để lấy chỗ làm nhà mới. Đó là ngôi nhà của cụ Hai Chiếu được xây dựng từ thế kỷ XVIII. Phải phá bỏ ngôi nhà cổ là điều xót xa đối với gia đình cụ, song không còn cách nào khác bởi ngôi nhà đã quá "già nua" xuống cấp trầm trọng không bảo đảm cho cuộc sống của gia đình. Ngay ngôi biệt thự của ông Đinh Văn Tường vốn là một biệt thự kết hợp theo lối kiến trúc Á - Âu độc đáo và cổ nhất ở Cự Đà cũng đã được sửa sang nhiều. Ông Tường cho biết, ông mua lại ngôi nhà này cách đây 25 năm, chủ nhân cũ ngôi nhà là cụ Tư Bảng, một trong những điền chủ giàu có nhất, nhì ở Cự Đà. Cụ đã chọn một vị trí khá đẹp để xây dựng ngôi nhà của mình, đứng đầu ngõ An Lạc, hai mặt giáp đường làng và ngõ xóm, quay mặt ra sông Nhuệ.
Chứng kiến tận mắt, chúng tôi nhận thấy hầu hết các ngôi nhà cổ ở Cự Đà đều đã xuống cấp nghiêm trọng, để bảo đảm cuộc sống, người dân đã tự ý sửa chữa nhiều hạng mục công trình trong các ngôi nhà. Cự Đà lại vốn là một làng nghề, do chưa quy hoạch được điểm sản xuất xa khu dân cư nên người dân vẫn sản xuất ngay trong chính những ngôi nhà cổ. Vì nhu cầu mưu sinh, một số hộ đã buộc phải phá nhà để làm chỗ phơi miến, làm tương. Nhiều người hoài cổ trong làng đã không khỏi xót xa bởi những đoạn đường lát gạch xếp nghiêng, nhưng giờ đây đã bị thay thế bằng đường bê tông, cây cột điện đầu tiên của làng được xây dựng từ năm 1929 cũng đã không còn nữa. Cứ đà này, chỉ vài năm nữa những ngôi nhà cổ này sẽ dần mai một.
Không giấu nổi những băn khoăn, Chủ tịch UBND xã Cự Khê Đặng Xuân Tỵ nói: Chỉ từ nay đến cuối năm 2010, đầu năm 2011, toàn bộ hơn 330ha diện tích đất nông nghiệp của xã sẽ phải thu hồi nhường cho khu đô thị mới. Trung bình mỗi hộ sẽ nhận được khoảng 3-4 tỷ đồng tiền đền bù đất nông nghiệp, hộ nhiều ruộng tiền đền bù GPMB có thể lên tới 5-6 tỷ đồng. Có tiền, người dân rất có thể sẽ lại phá nhà cũ, xây nhà mới, bởi chưa có bất cứ một cơ quan chức năng nào "ra tay" bảo tồn quỹ nhà cổ ở đây.
Trong lúc nhiều cơ quan văn hóa đi xây dựng lại mô hình làng Việt mới toanh ở đâu đó, thì trớ trêu thay, làng Việt cổ Cự Đà còn nguyên đặc trưng thì lại chưa được chú ý đúng mức; các di sản kiến trúc trong làng có nguy cơ đang dần bị xóa sổ bởi trào lưu đô thị hóa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.