(HNMO) - Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khói thuốc lá có các chất gây ra 11 loại ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau. Ước tính, cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.
Sáng 27-5, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá 31-5 và Tuần lễ quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31-5.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hút thuốc lá gây ra nhiều bệnh mạn tính và nan y. Đây cũng là nguyên nhân gây bệnh tật, tử vong hàng đầu. Trong khói thuốc lá có khoảng 7.000 chất hóa học, bao gồm 69 chất gây ung thư và là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, như: 11 loại ung thư, các bệnh về tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ.
Ước tính, cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó, 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.
Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế, bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút hoặc mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm, tổn thất do cháy nổ vì hút thuốc lá…
Ước tính mỗi năm, tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra là 1.400 tỷ USD.
Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết, dù công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, những năm gần đây, xuất hiện các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên, việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.
“Các tổn thất về sức khỏe và kinh tế do việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới gây ra cũng nghiêm trọng không kém các sản phẩm thuốc lá điếu thông thường. Do đó, nếu không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nước ta sẽ gia tăng trở lại”, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh.
Tiến sĩ Angela Pratt, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam cũng cho rằng, ở Việt Nam, ít nhất 40.000 người đã bị thuốc lá lấy đi sinh mạng mỗi năm. Để giảm số người tử vong sớm này và để đạt được mục tiêu giảm 30% tỷ lệ hút thuốc vào năm 2030, vẫn còn rất nhiều việc phải làm. Đầu tiên là cần tăng thuế và giá thuốc lá, đồng thời, ngăn chặn, kiểm soát việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá mới.
Năm 2023, WHO chọn thông điệp “Chúng ta cần lương thực, không cần thuốc lá” làm chủ đề cho Ngày Thế giới không thuốc lá (31-5). Kêu gọi các quốc gia thúc đẩy hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng, WHO cũng khuyến khích nông dân chuyển đổi, thay thế cây thuốc lá bằng cây trồng phù hợp, đồng thời kêu gọi người hút bỏ thuốc lá để dành chi phí cho thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.