Theo dõi Báo Hànộimới trên

CPTPP - Cơ hội lớn cần nỗ lực lớn

Hồng Sơn thực hiện| 18/03/2018 07:24

(HNM) - Việt Nam và 10 quốc gia khác vừa ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Đây là cơ hội để mỗi nước thành viên nâng cao kim ngạch xuất khẩu kết hợp với kêu gọi dòng vốn đầu tư.

Tiến sĩ Lê Huy Khôi.


Dấu ấn Việt Nam

- Xin ông cho biết quá trình hình thành CPTPP, nhất là chặng cuối với vai trò nổi lên của Việt Nam và Nhật Bản?

- Như đã biết, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ban đầu dự kiến có 12 nước tham gia. Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút khỏi Hiệp định này. Tháng 11-2017, Bộ trưởng Thương mại 11 nền kinh tế còn lại đã gặp nhau trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng (Việt Nam) và ký kết văn kiện nền tảng về hợp tác, nhất trí với tên gọi mới là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Ngày 23-1, 11 quốc gia thành viên đã đạt được nhất trí về nội dung sửa đổi của CPTPP và ấn định thời điểm ký kết vào tháng 3-2018. Nhật Bản là quốc gia đã nỗ lực thúc đẩy thành công thỏa thuận đa phương CPTPP.

Riêng Việt Nam đã hoàn thành một nhiệm vụ tuyệt vời trong năm chủ nhà APEC vừa qua và thực tế CPTPP đã đạt nhiều bước tiến tại Hội nghị Cấp cao APEC năm 2017 tại Việt Nam. Việt Nam là một tiếng nói mạnh mẽ đóng góp vào CPTPP, tham gia Hiệp định thể hiện niềm tin của Việt Nam vào tự do thương mại, vai trò của các thỏa thuận tự do thương mại đối với mục tiêu hội nhập, đa dạng hóa và phát triển bền vững của Việt Nam.

- Sự khác biệt của CPTPP với TPP như thế nào? Ông có thể cho biết về sức mạnh và tầm quan trọng của CPTPP trong tương quan so với kinh tế toàn cầu?

- Về bản chất, CPTPP hiện nay vẫn mang “luồng tư tưởng” xuyên suốt và nội dung cơ bản của Hiệp định TPP “gốc” có Mỹ đã được đàm phán suốt 5 năm qua giữa các nước. CPTPP cơ bản giữ nguyên nội dung đã đàm phán của TPP nhưng bổ sung thêm 2 phụ lục và bổ sung quy định về tính hiệu lực, quy trình rút lui, gia nhập, rà soát lại CPTPP trong tương lai. TPP chiếm khoảng 40% GDP, 30% tổng thương mại toàn cầu và có 800 triệu dân; còn CPTPP chiếm khoảng 15% GDP, 15% tổng thương mại toàn cầu và 500 triệu dân... Về nội dung, CPTPP không chỉ bao gồm thương mại mà còn gồm cả đầu tư, sở hữu trí tuệ và nhiều bộ nguyên tắc khác. Do đó, hiệp định này rất toàn diện đúng như tên gọi, tiến bộ hơn hẳn những hiệp định trước đó.

GDP của Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 1,32%

- Theo ông, CPTPP có thể mang lại những tác động, lợi ích gì đối với xuất khẩu và GDP của Việt Nam, nhất là sự tác động đối với một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực? Bên cạnh đó, có thể xuất hiện một số bất lợi gì?

- Theo đánh giá của các chuyên gia, các tổ chức kinh tế trong nước và quốc tế, với CPTPP thì GDP dự báo tăng thêm 1,32%; xuất khẩu tăng thêm 4%. Riêng về tác động đối với phân bổ thu nhập thì: Đến năm 2030, CPTPP dự kiến sẽ giúp giảm 0,6 triệu người nghèo ở mức chuẩn nghèo 5,5 USD/ngày so với kịch bản cơ sở. Tất cả các nhóm thu nhập dự kiến đều sẽ được hưởng lợi... Xuất khẩu dự báo sẽ tăng thêm 4,2%; nhập khẩu tăng thêm 5,3% và sẽ tăng lần lượt ở các mức 6,9% và 7,6% với kịch bản có năng suất tăng. Xuất khẩu dự kiến sẽ tăng cao nhất ở các ngành thực phẩm, đồ uống, thuốc lá; may mặc, hàng da; hóa chất, sản phẩm da và nhựa; thiết bị, phương tiện vận tải; máy móc, thiết bị khác. Đáng lưu ý là, trong dài hạn, lợi ích đạt được từ CPTPP không chỉ là tăng xuất khẩu mà còn bao gồm tăng hàm lượng công nghệ của hàng xuất khẩu...

Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng đối diện với nhiều thách thức mới. Cụ thể, khó khăn lớn nhất là gia tăng sức ép về cạnh tranh. Ưu đãi thuế quan chỉ dành cho các sản phẩm xuất khẩu có xuất xứ nội khối phù hợp, trong khi đó công nghiệp hỗ trợ của chúng ta chưa phát triển, phần lớn nguyên liệu sản xuất đang được nhập khẩu. Tiếp theo, sẽ có áp lực cạnh tranh với hàng hóa giá rẻ, dịch vụ chất lượng tốt từ các đối thủ trên chính thị trường nội địa. Cuối cùng là xu hướng bảo hộ mậu dịch sẽ tinh vi và khó lường hơn, nhất là đối với lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm và một số sản phẩm công nghiệp nhẹ.

- Ông lý giải thế nào trước một thực tế là Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển, sức cạnh tranh hạn chế nhưng lại rất “chịu khó” tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) - với sự góp mặt của nhiều đối tác hơn hẳn về trình độ phát triển?

- Đây là biểu hiện của việc thực hiện chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng về tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Đảng ta xác định: Hội nhập kinh tế quốc tế là do yêu cầu nội sinh, do yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Hội nhập kinh tế quốc tế là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị; khẳng định mở cửa, hội nhập để khai thác các mặt có lợi cho sự phát triển kinh tế của ta từ nền kinh tế thế giới; Xây dựng nền kinh tế mở, hội nhập với khu vực và thế giới, hướng mạnh về xuất khẩu đồng thời thay thế nhập khẩu bằng những sản phẩm trong nước sản xuất có hiệu quả; chủ động tham gia cộng đồng thương mại thế giới, tích cực tham gia đàm phán thương mại, các tổ chức, hiệp định... một cách chọn lọc với những bước đi tỉnh táo và thích hợp.

Doanh nghiệp phải tự “làm mới” mình

- Là một chuyên gia, ông khuyến cáo doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì, làm tốt những yêu cầu nào để tận dụng cơ hội, giành được lợi ích tối đa khi tham gia CPTPP?


- Theo kết quả một khảo sát toàn diện về doanh nghiệp trên toàn cầu của ngân hàng HSBC, khoảng hai phần ba (63%) doanh nghiệp tại Việt Nam tin rằng, CPTPP sẽ có ảnh hưởng tích cực lên hoạt động kinh doanh của họ. Chỉ có khoảng 2% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, CPTPP sẽ tác động tiêu cực và 35% cho rằng hiệp định này không ảnh hưởng gì đến hoạt động kinh doanh của họ. CPTPP sẽ tạo ra sự chuyển hướng dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh hơn sang các ngành công nghiệp thượng nguồn của các ngành được hưởng lợi nhiều nhất như dệt, may mặc và da để tận dụng CPTPP.

Do vậy, doanh nghiệp cần chủ động, tích cực tận dụng các cơ hội và muốn được hưởng nhiều lợi ích CPTPP thì phải đáp ứng những yêu cầu hết sức khắt khe về các điều kiện, cam kết có liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiếp theo là nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp và sản phẩm xuất khẩu. Đáng chú ý, các chuyên gia kinh tế cho rằng vẫn còn dư địa cho tăng trưởng xét từ nỗ lực nội tại của doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta sẽ có nhiều tiềm năng thúc đẩy xuất khẩu nếu biết tập trung cải thiện tình hình.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần tăng cường năng lực tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vì CPTPP sẽ đưa Việt Nam trở thành điểm đến của chuỗi cung ứng sản phẩm, hàng hóa thế giới. Các doanh nghiệp cần gắn kết, phối hợp với nhau để tranh thủ lợi thế của từng đơn vị; tạo ra chuỗi cung ứng trong nước một cách chủ động, hiệu quả hơn. Một trong những thách thức của doanh nghiệp là khi bán sản phẩm ra thị trường các bên liên quan phải đáp ứng quy định pháp lý của quốc gia nhập khẩu như yêu cầu về chất lượng sản phẩm, quản lý hóa chất, quản lý môi trường, trách nhiệm xã hội...

Vì vậy, cần phải thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của mình, hướng tới việc đạt được một chứng chỉ quốc tế hoặc áp dụng những bộ quy tắc ứng xử. Cuối cùng là chuẩn bị sẵn sàng để vượt qua các hàng rào kỹ thuật, tăng khả năng phòng vệ thương mại. Đặc biệt là hiện còn ít doanh nghiệp hiểu biết về phòng vệ thương mại trong hội nhập.

- Ông có thể dự báo về sự thay đổi trong xuất khẩu của Việt Nam dưới tác động của CPTPP từ nay đến năm 2020 và 2030?

- Việt Nam sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn các thị trường Canada, Mexico và Peru. Ngoài ra, xuất khẩu hàng hóa sang Nhật Bản và Australia cũng thuận lợi hơn nhờ hàng rào thuế quan giảm trong thời gian tới năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Bên cạnh đó, Việt Nam có vai trò và vị trí quan trọng trong khu vực ASEAN và Châu Á cũng như với những điều kiện thuận lợi về lợi thế tương đối đang có, chắc chắn Việt Nam sẽ là nước được hưởng nhiều lợi ích thông qua việc tham gia hiệp định này.

- Ngoài ý nghĩa về lợi ích kinh tế thuần túy thì CPTPP sẽ có tác động gì về mặt hoàn thiện thể chế, phương thức quản lý và nâng cấp môi trường đầu tư - kinh doanh của Việt Nam?


- Xét về mục tiêu hoàn thiện thể chế thì sự chủ động của Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới, đặc biệt là CPTPP cho thấy, tinh thần sẵn sàng chấp nhận cạnh tranh trong giao thương quốc tế. Bên cạnh thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, CPTPP còn mang đến những lợi ích mà chúng ta vẫn “chưa tính toán được”, trong đó quan trọng nhất là tác động đến cải cách thể chế. Vì thực hiện CPTPP sẽ thúc ép về cạnh tranh, cải cách cho cả doanh nghiệp lẫn nền kinh tế để chúng ta có tăng trưởng bền vững hơn, theo xu thế bắt buộc chúng ta phải hoàn thiện khi tham gia hiệp định này.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
CPTPP - Cơ hội lớn cần nỗ lực lớn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.