Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 cả nước tăng 2,21% so với tháng 4, đưa CPI 5 tháng qua tăng 12,07% so với tháng 12/2010 và tăng 15,09% so với bình quân cả năm 2010.
Như vậy, so với mức tăng 3,32% của tháng 4, tốc độ tăng CPI trong tháng 5 này đã bắt đầu chậm lại trước các nỗ lực kiềm chế lạm phát của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương.
CPI tháng 5 tăng ở cả 10/11 nhóm trong Rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,25-3,19%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 1,68%. Tăng cao nhất là nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng với mức tăng 3,19%. Tiếp đến là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 3,01%; trong đó, thực phẩm tăng 3,53%, ăn uống ngoài gia đình tăng 2,67% và lương thực tăng 1,77%.
Nhóm giao thông có mức tăng 2,67% và nhóm hàng hóa, dịch vụ khác cũng có mức tăng ấn tượng là 2,06%. Tăng thấp nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 0,25%.
Theo Tổng cục Thống kê, mặc dù CPI tháng 5 đã có sự giảm tốc đáng kể so với tháng 4 nhưng đây vẫn là mức tăng khá cao. Theo dõi dãy số liệu thống kê các tháng 5 của 15 năm gần đây, mức tăng CPI tháng 5/2011 chỉ thua kém mỗi mức tăng đột biến của tháng 5/2008 là 3,9%.
CPI tháng 5 vẫn ở mức cao là do các nhóm hàng hóa thiết yếu vẫn tiếp tục tăng giá mạnh. Với giá gas, giá xi măng và giá dầu hỏa tiếp tục tăng trên 5% trong tháng 5 đã đóng góp đáng kể vào mức tăng của Rổ hàng hóa chung. Thêm vào đó, các tác động trễ của hai đợt tăng giá xăng dầu liên tiếp trong tháng 2, tháng 3 và tăng giá điện trong tháng 3 đã khiến giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường tăng mạnh.
Đặc biệt, chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 40% trong Rổ hàng hóa chung), nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống với mức tăng 3,01% chính là nguyên nhân quan trọng khiến CPI tháng 5 vẫn ở mức rất cao. Nhóm thực phẩm, trong đó thịt lợn, cá, thịt gà - những thực phẩm quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày của người Việt Nam đều có mức tăng rất cao (thịt lợn tăng trên 10%, nhất là ở các tỉnh phía Nam) chính là nguyên nhân “kéo” CPI tháng 5 tăng mạnh.
Ở một khía cạnh khác, lãi suất cho vay tiền đồng là nguyên nhân khiến nhiều loại hàng hóa và dịch vụ điều chỉnh tăng giá. Tỷ giá USD/VND đã “hạ nhiệt” nhưng vẫn ở mức cao đã khiến nhiều hàng hóa thiết yếu, cũng như nguyên nhiên liệu đầu vào mà Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tiếp tục chịu sức ép tăng giá. Việc nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 1,2%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 2,06% chính là minh chứng rõ nét về tác động này.
Theo các chuyên gia kinh tế, với việc triển khai quyết liệt và nhất quán Nghị quyết 11 của Chính phủ, dự báo mức tăng CPI tháng 6 sẽ không còn căng thẳng, chỉ tăng khoảng 0,7-0,8% so với tháng 5. Nguyên nhân là do các yếu tố làm giảm sức ép tăng giá như: sản xuất công nghiệp, nông nghiệp vẫn đạt khá; nhu cầu và giá cả một số hàng hóa thiết yếu trong nước đang có xu hướng giảm hoặc ổn định; các giải pháp thắt chặt tiền tệ, giảm đầu tư công, giảm chi thường xuyên bắt đầu phát huy tác dụng.
Trong tháng 5, giá vàng trên thị trường tự do đã tăng 1,43% so với tháng 4, đưa giá vàng 5 tháng qua tăng 4,8% so với tháng 12/2010, tăng 38,38% so với bình quân 5 tháng năm 2010.
Ngược chiều với vàng, giá USD trên thị trường tự do đã giảm mạnh do sự phát huy hiệu quả của chính sách quản lý mua bán ngoại tệ. Vì vậy, giá ngoại tệ này trong tháng 5 đã giảm 0,98% so với tháng 4, khiến giá USD tự do chỉ tăng 1,03% so với tháng 12/2010 và tăng 10,46% so với bình quân 5 tháng năm 2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.