Chiếm tỷ trọng gần 40% trong rổ hàng hóa chung và có tốc độ tăng giá đột biến lên tới 3,45% - dẫn đầu về mức tăng giá, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó lương thực tăng 6,02%, thực phẩm tăng 3,27%) là “thủ phạm” chính đẩy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 cả nước tăng cao nhất trong vòng 10 năm qua.
Các mặt hàng thực phẩm có mức tăng giá cao. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN). |
Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố ngày 24/11, CPI tháng 11 đã tăng 1,86% so với tháng 10, tăng 11,9% so với tháng 11/2009; đưa CPI 11 tháng qua tăng 9,58% so với tháng 12/2009 và tăng 8,96% so với bình quân cùng kỳ 2009.
Với CPI 11 tháng qua đã lên mức 9,58%, khả năng giữ lạm phát năm 2010 ở mức một con số là khá “mong manh.”
CPI tháng 11 tăng ở 10/11 nhóm trong rổ hàng hóa chung với mức tăng từ 0,23-3,45%. Riêng nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,03%. Tiếp theo hàng ăn và dịch vụ ăn uống - nhóm dẫn dầu về mức tăng giá, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng cũng tăng mạnh mẽ với 1,74%, nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,99%.
Các nhóm hàng hóa tiếp theo có các mức tăng lần lượt là đồ uống và thuốc lá tăng 0,94%; may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,9%; thiết bị, đồ dùng gia đình tăng 0,74%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,59%; giao thông tăng 0,29%.
Sau 2 tháng liên tiếp giữ vị trí tăng cao nhất trong rổ hàng hóa chung, nhóm giáo dục đã đột ngột “tụt hạng” xuống vị trí tăng thấp nhất là 0,23%.
Theo Vụ trưởng Vụ Giá cả Nguyễn Đức Thắng, trong tháng 11, giá cả nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (trong đó có lương thực và thực phẩm) tăng “chóng mặt” là do thiệt hại nặng nề của thiên tai khiến nguồn cung thực phẩm như thịt lợn, thịt bò, thủy sản trở nên khan hiếm hơn.
Bên cạnh đó, thiên tai liên tiếp xảy ra tại miền Trung đã làm giao thông bị chia cắt, việc đánh bắt thủy sản bị giảm sút khiến nguồn cung thực phẩm đã khan hiếm càng trở nên thiếu hụt và không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân.
Mặc dù Bộ Công Thương đã có những kiến nghị tạm dừng xuất khẩu gạo đến hết tháng 12/2010 nhưng do giá gạo thế giới liên tục tăng đã khiến giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11 tăng thêm 5-10 USD/tấn ở tất cả các chủng loại.
Trong khi đó, các doanh nghiệp trong nước vẫn đẩy mạnh thu mua để chuẩn bị sẵn cho các hợp đồng xuất khẩu đã ký, làm cho giá bán lẻ ở hai vựa lúa lớn nhất cả nước là đồng bằng sông Hồng và sông Cửu Long tăng rõ rệt; gây áp lực tăng giá gạo từ 500-1000 đồng/kg ở hầu hết các tỉnh, thành cả nước.
Thêm vào đó, nhu cầu cứu trợ lương thực cho miền Trung bị lũ lụt tăng lên cũng là một lý do khiến giá lương thực trong tháng tăng.
Cùng với gạo, thịt, giá cả một loạt các mặt hàng thiết yếu khác như dầu ăn, bơ sữa, đường, khí hóa lỏng LPG (gas), thép, phân bón... cũng tăng mạnh mẽ góp phần đẩy giá tiêu dùng cả nước tăng cao.
Từ 1/11, giá gas đồng loạt thêm gần 30.000 đồng/bình 12kg của các hãng Saigon Petro, Gia Đình Gas, Petrolimex...
Từ 6/11, giá phân urê Phú Mỹ cũng tăng từ mức 6.800 đồng/kg lên 7.400 đồng/kg.
Ông Thắng cũng cho biết mặc dù một số thành phố lớn; trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội đã triển khai nhiều điểm bình ổn giá cả nhưng với nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong khi nguồn cung hạn chế, áp lực tăng giá tại các chợ truyền thống bên ngoài điểm bình ổn vẫn tăng “chóng mặt” khiến CPI ở 2 đầu tàu kinh tế lớn nhất cả nước đạt mức tăng rất lớn (CPI Hà Nội tăng 1,93% và CPI Thành phố Hồ Chí Minh tăng 1,73%) kéo CPI cả nước tăng mạnh mẽ.
Trong tháng 11, giá vàng và giá USD trên thị trường tự do đã có sự biến động “điên đảo.” Giá vàng tháng 11 đã tăng 8,67% so với tháng 10 và tăng 36,24% so với tháng 11/2009; đưa giá vàng 11 tháng qua tăng 23,31% so với tháng 12/2009 và 37,34% so với bình quân cùng kỳ 2009.
Giá USD tháng 11 tăng 3% so với tháng 10 và tăng 10,03% so với cùng kỳ 2009; đưa giá USD 11 tháng qua tăng 6,63% so với tháng 12/2009 và 7,47% so với bình quân cùng kỳ 2009.
Cụ thể, tính đến 12 giờ trưa ngày 24/11, trước những thông tin "báo động đỏ" khủng hoảng nợ ngân hàng tại Mỹ, giá vàng Rồng Thăng Long, SJC trong nước tiếp tục nhích lên mức 35,97 triệu đồng/lượng, tăng hơn ngày hôm qua 250.000 đồng/lượng.
Giá USD bán ra cũng dao động xung quanh mức 2,12 triệu đồng/100 USD.
Theo dự báo của nhiều chuyên gia, trong khi ngành sản xuất rau xanh, chăn nuôi lợn và gia súc, nuôi trồng thủy sản tại nhiều địa phương (nhất là các tỉnh duyên hải miền Trung và Bắc Trung Bộ) chưa thể phục hồi kịp để đảm bảo nguồn cung dồi dào đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân nên giá lương thực, thực phẩm sẽ tiếp tục có xu hướng tăng giá, tạo áp lực kéo CPI cả nước tiếp tục đà tăng.
Vì vậy, nhiều khả năng CPI cả năm 2010 sẽ có thể “vọt” lên 2 con số./.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.