Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10 tăng 0,36% so với tháng 9. Đây là mức tăng thấp nhất trong 14 tháng qua.
Ảnh minh họa |
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống là nhóm có tác động mạnh nhất tới chỉ số CPI chỉ tăng nhẹ ở mức 0,06%, trong đó, mặt hàng thực phẩm còn giảm 0,49%.
Nhìn vào cơ cấu CPI, đáng chú ý là có 3/11 nhóm hàng giảm giá là nhóm nhà ở vật liệu xây dựng giảm 0,03%, nhóm giao thông giảm 0,13%, nhóm bưu chính viễn thông giảm 0,17%.
Nhóm hàng tăng cao nhất là giáo dục tăng 3,2% khi một số tỉnh thành tiếp tục tăng học phí theo lộ trình. Điều này đã được các chuyên gia cảnh báo từ trước tuy nhiên, nhóm này có quyền số không lớn trong rổ hàng hóa tính CPI.
Chỉ số giá vàng giảm 4,22%, trong khi giá USD tăng 0,39%.
Theo các chuyên gia, đợt giảm giá các loại thực phẩm, trong đó có thịt hồi đầu tháng góp phần tác động tích cực tới việc kìm hãm tốc độ tăng CPI. Việc điều chỉnh giảm giá dầu vừa được tiến hành và điều chỉnh giảm giá xăng trong kỳ tính giá trước vẫn còn tác động đến việc giảm CPI tháng này.
Chỉ số giá CPI đã tiếp tục hạ nhiệt sau khi các giải pháp đồng bộ về kiềm chế lạm phát được thực thi kiên trì, quyết liệt trong thời gian qua. Tuy nhiên, cần hết sức đề phòng xu hướng tăng giá thường diễn ra vào những tháng cuối năm.
Tính chung CPI tháng 10 tăng 17,05% so với tháng 12/2010. Nếu tính theo năm (tức tháng 10/2011 so với tháng 10/2010) CPI đã tăng 21,59% và nếu tính bình quân 10 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước đã tăng 18,5%.
Nếu chỉ số CPI tiếp tục giữ ở mức thấp như hiện tại thì mặc dù dư địa không còn nhiều nhưng vẫn có thể đạt mức như dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là CPI cả năm 2011 tăng khoảng 18% so với tháng 12/2010.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.