Theo dõi Báo Hànộimới trên

CPI tăng thấp: Người dân vẫn tiết giảm chi tiêu

Hồng Sơn| 29/02/2016 06:56

(HNM) - Diễn biến giá cả thị trường chưa được


CPI cả nước tháng 2-2016 tuy tăng 0,42% so với tháng trước, nhưng nhìn chung vẫn là khá trầm lắng với đời sống thị trường. Trong đó, CPI tại các đô thị là nguyên nhân chủ yếu kìm giữ đà tăng trưởng CPI. Đơn cử, CPI của Hà Nội tháng 2 tăng 0,47% so với tháng trước và được đánh giá là mức tăng thấp. Đặc biệt, có 3 nhóm hàng là giáo dục, thuốc và dịch vụ và bưu chính viễn thông không tăng. Hai nhóm giảm, gồm giao thông dưới tác động trực tiếp của việc giảm giá xăng dầu liên tục và nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt. Trong khi đó, diễn biến CPI tại TP Hồ Chí Minh ảm đạm hơn khi chỉ tăng 0,05%, chủ yếu là do nguồn cung hàng hóa phong phú, nhưng thu nhập của đa số dân chúng không có sự cải thiện đáng kể để từ đó tạo ra sức bật trong hoạt động mua sắm.

Sức mua thị trường dịp tết Nguyên đán tăng cao nhưng CPI tháng 2 tăng không đáng kể. Ảnh: Anh Tuấn


Theo Bộ Công thương, việc giá xăng dầu giảm liên tục đã gây ra hiệu ứng tất nhiên là giảm giá cước đối với các hoạt động vận tải nói chung; từ đó, chỉ số giá của nhóm giao thông (là nhóm chính trong rổ hàng hóa tính CPI hằng tháng) giảm khá sâu. Sau đó, giá một số mặt hàng khác cũng không có cơ hội tăng, hoặc chỉ tăng thấp, thậm chí còn giảm do "ăn theo" giảm giá xăng.

Về phía cầu, phần lớn các hộ gia đình hiện có tâm lý "thờ ơ" với hoạt động mua sắm, trừ việc đi chợ và đáp ứng những nhu cầu thiết yếu do yếu tố tâm lý tiết giảm chi tiêu. "Đây là cách ứng xử đã xuất hiện từ mấy năm trước và ngày càng phổ biến khi cơ hội việc làm trở nên eo hẹp bên cạnh thu nhập của đa số người lao động không có sự cải thiện. Tiết kiệm đang là mục tiêu hàng đầu của nhiều gia đình" - chị Đào Thị Thảo (Khu đô thị Văn Quán) cho biết.

Dự báo về diễn biến và khả năng tăng CPI trong thời gian tới, các cơ quan liên quan đều cho rằng tăng ở mức nào chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến giá xăng dầu. Tuy nhiên, đến nay giá nhiên liệu trên thị trường thế giới tiếp đà ổn định ở mức thấp và cũng chưa có dấu hiệu nào cho thấy giá loại hàng chiến lược này có thể tăng đột ngột. Vì vậy, gần như đã triệt tiêu yếu tố động lực có thể khiến CPI tăng đáng kể trong những tháng tới. Mức tăng hay giảm CPI cũng phụ thuộc một phần không nhỏ vào nhóm lương thực, thực phẩm - vốn là nhu yếu phẩm đương nhiên phải tiêu dùng đối với toàn xã hội. Nhưng, chính các mặt hàng phục vụ ăn uống lại phụ thuộc phần lớn vào diễn biến thiên nhiên, nhất là tình hình thời tiết và không thể đoán định trước. Vì vậy, đây là một ẩn số không dễ dự đoán.

Thực tế cho thấy, nhìn chung hoạt động chăn nuôi, sản xuất các loại rau xanh, củ quả và tình hình cung ứng lúa gạo vẫn bảo đảm quan hệ cung - cầu, duy trì sự ổn định về lượng và giá cả. Tuy nhiên, gần đây có tình trạng nước biển xâm thực, vào sâu trong đất liền đang đe dọa sản xuất nông nghiệp nói chung và hoạt động nuôi trồng thủy sản cũng như sản lượng lúa tại một số tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng. Đây cũng là diễn biến khó lường và nếu xảy ra thiệt hại sẽ dẫn đến tình trạng khan hàng cục bộ cũng là một tác nhân làm gia tăng chỉ số nhóm hàng lương thực, thực phẩm trong một vài tháng tới. Song, đó chỉ là yếu tố khu vực và ảnh hưởng không quá rộng.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long nhận định, thông thường giá cả thường ổn định vào tháng 3 (tức thời gian ngay sau Tết), với nhu cầu mua sắm trở về mức trung bình. Vấn đề CPI tăng hay giảm sẽ phụ thuộc rất nhiều vào diễn biến giá dầu thế giới. Tiếp theo, nguồn cung rau xanh và thực phẩm nói chung sẽ là yếu tố quan trọng góp phần định hình CPI. Dự báo, CPI tháng 3 vẫn tăng, nhưng khó tăng bằng mức tăng của tháng 2.

"Dư địa" để thúc đẩy CPI tăng vẫn có nhưng khó có thể có đột biến. Đối tượng hưởng lợi nhiều nhất từ việc CPI tăng thấp chính là người tiêu dùng, các hộ gia đình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
CPI tăng thấp: Người dân vẫn tiết giảm chi tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.