Ngày 25-4 là ngày thứ tư liên tiếp Ấn Độ lập kỷ lục thế giới ca nhiễm mới, với xấp xỉ 350.000 ca/ngày. Các lò hỏa táng, bãi thiêu và khu chôn cất đều quá tải trước cơn “sóng thần Covid-19” kinh hoàng càn quét đất nước này.
Trong ngày thứ tư liên tiếp, ngày 25-4, Ấn Độ đã lập kỷ lục toàn cầu về số lượng ca nhiễm mới, bắt nguồn từ một biến thể vi rút mới đang càn quét, lấn át mọi nỗ lực của quốc gia đông dân số 2 thế giới.
Theo AP, báo cáo của Bộ Y tế Ấn Độ ngày 25-4 ghi nhận 349.691 ca nhiễm mới, nâng tổng ca bệnh tại nước này lên trên 16,9 triệu ca, nhiều thứ hai thế giới chỉ sau Mỹ. Ngoài ra, có 2.767 trường hợp tử vong trong 24 giờ qua, đẩy số ca tử vong do Covid-19 tại Ấn Độ lên 192.311 người.
Các chuyên gia cho rằng, con số người chết trên thực tế có thể lớn hơn rất nhiều, do không bao gồm các trường hợp nghi ngờ và nhiều ca tử vong do Covid-19 lại được cho là do các tình trạng bệnh lý nền.
Cuộc khủng hoảng ở Ấn Độ hiện ra rõ ràng nhất là ở các nghĩa địa, bãi thiêu và lò hỏa táng, hay trong những hình ảnh đau lòng về hàng loạt bệnh nhân chết ngạt trên đường đến bệnh viện vì thiếu ô xy.
Các bãi địa táng ở Thủ đô New Delhi của Ấn Độ đang hết chỗ và những giàn hỏa táng lửa đỏ rừng rực thắp sáng suốt đêm ở các thành phố bị ảnh hưởng nặng nề khác.
Ở trung tâm thành phố Bhopal, một số lò hỏa táng đã tăng công suất lên trên 50 thi thể/ngày. Tuy nhiên, các thi thể chờ hỏa táng vẫn phải đợi.
Tại lò hỏa táng Bhadbhada Vishram Ghat của thành phố, các công nhân cho biết, họ đã hỏa táng hơn 110 người hôm 24-4, mặc dù số liệu từ chính quyền thành phố 1,8 triệu dân này chỉ thông báo tổng số người chết vì Covid-19 hôm đó là 10 người.
Mamtesh Sharma, một quan chức địa phương, cho biết: “Vi rút đang nuốt chửng người dân thành phố của chúng tôi như một con quái vật”.
Số lượng thi thể dồn dập đổ tới đã buộc các nhà hỏa táng phải bỏ qua tất cả các nghi lễ cá nhân và nghi lễ mà người theo đạo Hindu tin rằng sẽ giúp linh hồn được giải thoát. Ông Sharma nói: “Chúng tôi thiêu ngay các thi thể khi được đưa tới. Cứ như thể chúng tôi đang ở giữa chiến tranh”.
Một nhân viên đào mộ tại nghĩa trang Hồi giáo lớn nhất ở New Delhi, nơi 1.000 người đã được chôn cất trong đại dịch cho biết, hiện tại có nhiều thi thể được đưa tới hơn năm ngoái và nơi này sẽ sớm hết chỗ.
Tình hình cũng không kém phần nghiệt ngã tại các bệnh viện đã chật cứng bệnh nhân. Người bệnh tuyệt vọng xếp hàng chờ chết, đôi khi họ tắt thở ngay ở những con đường bên ngoài trong lúc chờ gặp bác sĩ.
Các quan chức y tế Ấn Độ đang tìm cách mở rộng các khu vực chăm sóc đặc biệt và tăng cường nguồn cung cấp ô xy.
Các bệnh viện và bản thân gia đình bệnh nhân phải vật lộn để mua sắm các thiết bị y tế khan hiếm đang được bán với mức giá tăng theo cấp số nhân.
Cuộc khủng hoảng trái ngược với tuyên bố của chính phủ rằng “không ai trong đất nước bị bỏ lại không có ô xy”, trong một tuyên bố hôm 24-4 của Tổng luật sư Ấn Độ Tushar Mehta trước Tòa án Tối cao Delhi.
Cuộc khủng hoảng làn sóng Covid-19 mới là một thất bại nặng nề với một quốc gia mà chỉ mới hồi tháng 1, Thủ tướng Modi đã tuyên bố chiến thắng trước đại dịch và tự hào là “nhà thuốc của thế giới” - nhà sản xuất vắc xin toàn cầu, là hình mẫu cho các quốc gia đang phát triển khác.
Mất cảnh giác trước làn sóng lây nhiễm tăng cao đột biến, chính phủ liên bang đã yêu cầu các nhà công nghiệp tăng cường sản xuất ô xy và các loại thuốc khác đang bị thiếu hụt. Tuy vậy, các chuyên gia y tế nói rằng, Ấn Độ có cả năm để chuẩn bị, nhưng họ đã không làm vậy.
Tiến sĩ Krutika Kuppalli, Phó Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y South Carolina (Mỹ) cho biết, Chính phủ Ấn Độ đã “phản ứng rất thụ động với tình huống này thay vì chủ động”.
Bà Kuppalli nói rằng, chính phủ lẽ ra nên sử dụng năm 2020, khi vi rút được kiểm soát tốt hơn, để chuẩn bị các kế hoạch giải quyết trong trường hợp làn sóng dịch bùng phát, đồng thời “dự trữ thuốc và phát triển quan hệ đối tác công tư để hỗ trợ sản xuất các nguồn lực thiết yếu trong trường hợp xảy ra tình huống như thế này”.
Theo bà Kuppalli: “Quan trọng nhất, họ nên nhìn vào những gì đang diễn ra ở những nơi khác trên thế giới và hiểu rằng, khả năng Ấn Độ rơi vào tình huống tương tự chỉ là vấn đề thời gian”.
Phó Giáo sư Kuppalli gọi những tuyên bố sớm của Chính phủ Ấn Độ về chiến thắng đại dịch là một “sai lầm”, khi nó khuyến khích mọi người nới lỏng các biện pháp phòng dịch trong khi lẽ ra họ phải tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt việc giãn cách, đeo khẩu trang và tránh đám đông.
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì cho phép tổ chức các lễ hội của người Hindu và những cuộc mít tinh tranh cử khổng lồ, mà giới chuyên gia nghi ngờ đã góp phần làm tăng tốc độ lây lan của vi rút.
Trong một cuộc mít tinh bầu cử như vậy mới cách đây hai tuần, ông Modi hầu như không giấu được sự vui mừng khi tuyên bố với những người ủng hộ ở bang Tây Bengal: “Tôi chưa bao giờ thấy đám đông lớn như vậy”. Vào thời điểm đó, SARS-CoV-2 đã bắt đầu tấn công trở lại và các chuyên gia cảnh báo rằng một sự gia tăng chết chóc là không thể tránh khỏi.
Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan ngày 25-4 cho biết, Mỹ “quan ngại sâu sắc” về đợt bùng phát Covid-19 nghiêm trọng ở Ấn Độ. “Chúng tôi đang làm việc suốt ngày đêm để triển khai thêm nguồn cung cấp và hỗ trợ cho bạn bè và đối tác của chúng tôi ở Ấn Độ khi họ dũng cảm chiến đấu với đại dịch này”, ông Sullivan đăng trên Twitter.
Nước láng giềng Pakistan cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với người dân ở Ấn Độ. Bộ Ngoại giao Pakistan cho biết, họ đề nghị cung cấp hỗ trợ cứu trợ bao gồm máy thở, bộ cung cấp ô xy, máy X-quang kỹ thuật số, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và các vật dụng liên quan.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.