(HNM) - Sau 9 năm thực hiện, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều doanh nghiệp...
Coi trọng thị trường nội
Xác định tầm quan trọng của thị trường nội địa, những năm gần đây, các doanh nghiệp dệt may đã không ngừng đầu tư, đẩy mạnh phát triển thị trường với hàng loạt sản phẩm có chất lượng, phong phú về chủng loại nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Sự kiện Trung tâm Thời trang Vinatex (thuộc Tập đoàn Dệt may Việt Nam) sau thời gian cải tạo, nâng cấp, mở bán trở lại đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh, thành phố lân cận.
Dây chuyền hàng xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Nhật Nam |
Nằm trong guồng quay mở rộng hệ thống phân phối, hai năm qua Tổng công ty May 10 đã cho ra đời hàng loạt trung tâm thời trang riêng tại Linh Đàm (quận Hoàng Mai), Centurion Group (quận Long Biên)… Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, các trung tâm của tổng công ty được xây dựng theo các tiêu chí: “Thời trang châu Âu, công nghệ Nhật Bản, tiện dụng Mỹ, nhưng giá Việt Nam và mang đậm phong cách Việt”. Dịch vụ may đo sơ mi và veston tiếp tục hoàn thiện hơn để phục vụ khách hàng. Chia sẻ về kế hoạch phát triển thị trường trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Huyền cho biết, việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp và mở rộng các cửa hàng, trung tâm thời trang có quy mô từ 200m2 đến 300m2, cung cấp hàng trăm mẫu sản phẩm sẽ tạo những lợi thế quan trọng để tổng công ty đạt được doanh thu theo kế hoạch.
Nhận định về thái độ của doanh nghiệp Việt đối với thị trường trong nước, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam Tô Hoài Nam chia sẻ, cuộc vận động đã làm thay đổi cách nghĩ, cách làm của nhiều doanh nghiệp khi biết "trân trọng" hơn thị trường nội địa cũng như người tiêu dùng thông qua việc chú trọng nâng cao chất lượng, thương hiệu hàng hóa.
Đánh giá của Ban Chỉ đạo trung ương cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cũng cho thấy, cuộc vận động đã tác động tích cực đến trách nhiệm của các doanh nghiệp Việt Nam trong việc áp dụng quy trình, công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, hạ chi phí sản xuất, phần nào đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng trong nước.
Tạo sức hút cho thương hiệu Việt
Đánh giá về những kết quả đã đạt được trong năm qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cuộc vận động đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhận thức của người tiêu dùng về hàng Việt, đồng thời khẳng định vị thế hàng Việt tại thị trường trong nước và nước ngoài. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 là minh chứng về chất lượng và vị thế của hàng Việt trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng, các cam kết hội nhập sâu, rộng đã và đang tạo cơ hội cho hàng hóa nước ngoài tràn vào Việt Nam. Vì vậy, ở giai đoạn mới triển khai cuộc vận động, phải hướng đến mục tiêu hàng Việt Nam chinh phục tốt người tiêu dùng Việt Nam. Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp phân phối sẽ ưu tiên hơn cho hàng hóa trong nước với những lợi thế lớn về khoảng cách địa lý, giá thành, phù hợp với văn hóa tiêu dùng của địa phương…, nhưng nếu những yếu tố đó hàng nước ngoài làm tốt hơn thì hàng Việt Nam sẽ bị “đánh bật”. Do đó, không phải là doanh nghiệp phân phối ưu tiên cho sản phẩm nào, mà liệu doanh nghiệp Việt có dám đầu tư công nghệ để sản xuất ra hàng hóa chất lượng cao đưa vào hệ thống phân phối hay không!
Để trợ sức cho doanh nghiệp, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các giải pháp như hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia chuỗi phân phối sản phẩm; ưu tiên doanh nghiệp Việt Nam tham gia các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia và địa phương; dành nguồn vốn khuyến công hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp, làng nghề…
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nêu rõ, kinh nghiệm từ các quốc gia đi trước như Nhật Bản, Hàn Quốc cho thấy, phong trào vận động người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa đã tạo ra những thương hiệu vang danh thế giới như Toyota, Samsung… Nhưng, để người tiêu dùng chọn mua, hàng hóa đó phải có chất lượng. Giai đoạn tới, doanh nghiệp phải chủ động sản xuất sản phẩm có chất lượng, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Nhà nước sẽ quan tâm, hỗ trợ bằng cách đẩy mạnh chống hàng nhái, hàng giả, xây dựng cơ chế thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động chứ không làm thay, hoặc mãi vận động người tiêu dùng ưu tiên. Cốt lõi của cuộc vận động trong giai đoạn tới chính là doanh nghiệp và sản phẩm chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.