Công viên ấy được hình thành từ bàn tay của cộng đồng. Cộng đồng tiếp tục tự quản, tự chăm sóc, tự bảo vệ. Không gian ấy cũng khác lạ bởi sự kết hợp giữa trồng hoa, cây mới với tận dụng hệ thống cây xanh đã có để tạo thành một công viên đa tầng tán. Đó là công viên - rừng rộng tới 9.000m2 nằm bên sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), nơi vốn là bãi rác kinh niên.
Công viên của những điều khác lạ
Sáng sớm, khi mọi người ra công viên bờ vở sông Hồng trên địa bàn phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tập thể dục và hít thở không khí trong lành cũng là lúc có người cầm theo cuốc, xẻng để tranh thủ vun xới cây cối, dọn cỏ. Cảnh tượng ấy cũng lặp lại khi chiều đến. Từ 4h chiều trở ra, công viên bắt đầu tấp nập. Trẻ em đi học về cũng vội theo ông bà, bố mẹ ùa đến công viên chơi bóng rổ, cầu lông, hay nô đùa ở khu vực cầu trượt, xích đu, bập bênh, thiết bị leo trèo... Cũng lúc ấy, nhiều người dân ở “Tổ tự quản” mang dụng cụ chăm cây, tưới nước. Có những hôm xảy ra “sự cố”, hoặc phải tập trung giải quyết những “đầu việc” quan trọng thì mọi người sẽ hẹn nhau trên nhóm Zalo. Còn không, chẳng ai bảo ai, mọi người ngày nào cũng thay nhau chăm sóc, tưới tắm những hàng cây, dọn dẹp khu vui chơi cho sạch sẽ.
Anh Hoàng Minh Tâm ở phố Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) là một trong những thành viên tích cực nhất, hiếm khi vắng mặt ở công viên. Anh chia sẻ: “Chỗ này trước đây là bãi rác, cây dại mọc ngập đầu, người dân vứt đủ phế thải ra đây. Từ ngày cải tạo, trồng cây, mọi người có chỗ vui chơi, nghỉ ngơi, luyện tập. Cải tạo đã tốn công, duy trì, giữ gìn cũng tốn công không kém. Chúng tôi có một nhóm Zalo lên tới gần 90 người, gồm các bạn ở những tổ chức xã hội đã gây dựng lên công viên và những cư dân sống quanh đây. Mọi người cùng nhau phân công công việc, đề xuất, thảo luận cách làm để duy trì, cải tạo công viên. Thường thì buổi chiều, mọi người tập hợp nhau lại để tiếp tục công việc dọn dẹp, tu bổ. Ai ai cũng đều có trách nhiệm, cùng bảo ban nhau”.
Công viên - rừng ở phường Chương Dương là một công viên “khác lạ”. Khác lạ là bởi nếu những công trình công cộng thường một thời gian sau khánh thành sẽ xuống cấp, xập xệ thì ở đây, mỗi lần đến, lại một lần thấy công viên đẹp hơn. Đường dạo gọn gàng, cây trồng bổ sung xanh tươi hơn. Khác lạ là bởi nhà nước không mất tiền đầu tư. Ngân sách cũng không mất tiền cho doanh nghiệp nào đó để thực hiện công tác duy tu. Nguồn lực chính là từ bàn tay của cộng đồng. Khác lạ là nếu nhiều công viên khác, người ta giải phóng mặt bằng triệt để, rồi trồng cây, xây mới, thì ở đây, người ta tôn trọng những cây xanh đã sống ở đó mấy chục năm, dù là cây sấu, cây sung, hay cây dướng...
Dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia, người dân cải tạo, trồng mới những loài cây, hoa khác. Kết quả là công viên có sự đa dạng sinh cảnh. Khu vực bờ vở sông Hồng - theo cách gọi của người dân nơi đây trước là một bãi rác thải khổng lồ tồn tại nhiều năm. Vậy mà bây giờ lại có một không gian xanh, sạch rộng đến non 1 ha, với nhiều phân khu sinh động, hữu ích cho cộng đồng.
Tiếng cười nói rộn rã suốt buổi chiều chỉ lắng xuống khi người dân về nhà bên mâm cơm đầm ấm. Và rồi, khoảng 20h trở ra, công viên lại nhộn nhịp các cụ cao niên tập luyện...
Kiến tạo không gian xanh
Công viên - rừng ở phường Chương Dương được khởi đầu bởi ý tưởng của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống - tập hợp của một nhóm kiến trúc sư, nhà hoạt động xã hội hướng đến xây dựng một Hà Nội tốt đẹp hơn. Giai đoạn 1 của dự án đưa vào hoạt động từ năm 2021, với một khu “vườn rừng” và một sân chơi rộng khoảng 3.000m2. Giai đoạn 2 triển khai từ tháng 7-2022, bàn giao đầu năm 2023, đưa tổng diện tích khu vực lên đến 9.000m2, với ba phân khu: Khu vườn rừng trồng các loại rau, các loại thuốc nam của phụ nữ; khu “vườn giác quan” trồng các loại cây, loại hoa để mọi người khám phá; khu tập luyện thể dục, thể thao và vui chơi.
Đúng những ngày cuối năm 2023, người dân lại chung tay làm một con đường bê tông dài hơn 200m dọc theo công viên, giúp không gian này càng thêm "nét". “Kiến trúc sư” của công viên là anh Lê Quang Bình, điều phối viên của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống. Những chuyến đạp xe len lỏi khắp Hà Nội giúp anh nhận ra, nhiều khu vực ở ngoài đê sông Hồng, cộng đồng dân cư bị thiệt thòi do thiếu không gian công cộng. Nhưng đây lại là khu vực có tiềm năng kiến tạo những không gian xanh do có đất công cộng ven sông.
Từ ý tưởng trở thành hiện thực là khoảng thời gian dài. Với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các chuyên gia của Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống và một số tổ chức xã hội khác đã tiếp cận người dân, kiên trì giải thích cho mọi người hiểu rõ ý định, hiểu rõ tác dụng của công viên. Anh Bình chia sẻ: “Ngay từ đầu chúng tôi xác định, mình chỉ nhen lên một ngọn lửa. Tất cả những gì chúng tôi kêu gọi các đại sứ quán, các tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm đóng góp để xây dựng công viên đều được giao lại cho cộng đồng.
Do đó, cộng đồng có vai trò quyết định. Cũng không tránh được những ánh mắt nghi ngại ban đầu từ những người dân địa phương khi bỗng dưng có những “người ở đâu” (các tình nguyện viên) đến dọn rác rồi xây dựng công viên. Nhưng mỗi ngày thấy không gian đẹp hơn, thấy nỗ lực thực sự của các tình nguyện viên và lợi ích thiết thực của công viên thì mọi người đều chung tay kiến tạo và gìn giữ”.
Còn nhớ ngày đầu ra quân cách đây mấy năm, có đến 200 tấn rác được bốc dỡ đi. Chỉ có hai từ để mô tả về điều đó: Khủng khiếp! Thế rồi, cứ mỗi lúc một chút, công viên hiện diện hình hài. Đơn vị lập quy hoạch là doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds. Anh Nguyễn Tiêu Quốc Đạt, Giám đốc Think Playgrounds chia sẻ: “Công viên - rừng là khái niệm còn mới ở Việt Nam, nhưng trên thế giới đã phổ biến với nhiều mô hình. Trong đó có mô hình dựa trên những tàn tích còn sót lại của vùng hoang dã hoặc bán hoang dã. Bờ vở sông Hồng rất phù hợp mô hình này, ở đây có những cây cối mọc hoang kết hợp với cây ăn quả người dân trồng.
Chúng tôi đã khảo sát các loài thực vật, lên danh mục cây nào nên giữ lại, cây nào nên trồng thêm. Ngoài trồng thêm cây bóng mát, chúng tôi vừa giữ lại, vừa bổ sung các cây bò dưới mặt đất như tàu bay, rau muối, rau dền, tầm bóp, cam thảo... Cây bụi thì giữ lại những cây chim thích ăn như cây phèn đen, phèn trắng, ráy... vừa tạo hệ sinh thái đa dạng cho các loài sinh vật, vừa tạo màu xanh cho môi trường sống của con người”.
Quá trình kiến tạo công viên rừng không phải không gặp trắc trở. Nơi đây có nhiều hộ dân “nhảy dù”, dân trí không cao, thậm chí có thời gian, khu vực bãi rác còn là chỗ ẩn náu của một số đối tượng nghiện hút. Nhà kho chứa đồ, để dụng cụ của công viên từng bị đập phá. Xây dựng - bảo vệ công viên là quá trình đấu tranh giữa cái đẹp và cái xấu. Nhưng thế mới biết, khi có sự đồng thuận, sức mạnh của cộng đồng lớn thế nào, người dân kiên trì thế nào để bảo vệ thành quả do bàn tay họ tạo ra.
Sông Hồng sẽ là trục trung tâm của thành phố. Sẽ có những tòa nhà, khu vui chơi mọc lên, nhưng cũng sẽ có thêm nhiều mảng xanh trong không gian sống. Trong điều kiện ngân sách hạn chế, mô hình công viên - rừng từ bàn tay cộng đồng là hướng đi phù hợp. Điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống Lê Quang Bình chia sẻ: “Chúng tôi biết sức mình có hạn, nhưng chúng tôi muốn tạo ra một hướng tiếp cận mới, muốn chứng minh rằng những không gian hoang vu, tồi tàn, hoàn toàn có thể cải tạo thành những không gian hữu ích với chi phí thấp nhất thông qua tập hợp cộng đồng. Hà Nội sẽ cải tạo hai bên bờ sông. Mô hình này là một đóng góp thiết thực để giảm thiểu chi phí ngân sách, còn người dân sẽ nâng cao ý thức, trách nhiệm trong cải tạo, bảo vệ cảnh quan, môi trường”.
Cách công viên - rừng Chương Dương chừng 1km, công viên - rừng Phúc Tân cũng đã đi vào hoạt động với mô hình tương tự, dù diện tích nhỏ hơn. Và đơn vị tích cực tham gia kiến tạo công viên, một lần nữa là Think Playgrounds. Dự kiến, công viên này sẽ mở rộng thêm 6.000m2 trong thời gian tới. Một lần nữa, chúng ta có thêm hy vọng một hệ sinh thái các công viên - rừng ven sông sẽ hình thành với sự chung tay của nhiều bên, là minh chứng sống động cho sức mạnh của cộng đồng, vì cộng đồng trong kiến tạo những không gian xanh, không gian hữu ích ở đô thị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.