(HNM) - Vi phạm hợp đồng, buộc phải đưa người lao động (NLĐ) về nước trước thời hạn, nhưng Chi nhánh Bắc Giang thuộc Công ty CP XKLĐ Thương mại và Du lịch TTLC (trụ sở chính tại phố Nguyễn Ngọc Nại, Khương Mai, Thanh Xuân, HN) vẫn không thanh lý hợp đồng, trả lại tiền đặt cọc cho NLĐ.
Theo trình bày của chị Nguyễn Thị Hiền, ở Thuận Thành, Bắc Ninh, tháng 3-2010, chồng chị là anh Vương Đức Lán và em chồng là anh Vương Đức Tuyển cùng nhiều lao động (LĐ) trong xã được Chi nhánh Bắc Giang trực thuộc Công ty TTLC tư vấn đi Thụy Điển làm nghề hái dâu. Công ty đã đưa ra mức lương hấp dẫn là 2.300 USD/tháng, mặc dù chi phí xuất cảnh là 2.200 USD/người cho các khoản: vé máy bay, bảo hiểm, lệ phí làm visa, tiền môi giới, dịch vụ... Ngoài chi phí xuất cảnh theo quy định, mỗi LĐ phải nộp thêm từ 57 đến 60 triệu đồng tiền đặt cọc. Như vậy, tổng số tiền mà mỗi lao động phải nộp vào công ty khoảng 100 triệu đồng.
Để được đi làm việc tại Thụy Điển, người LĐ phải ký hợp đồng 3 năm (từ năm 2010 - 2012) với Công ty TTLC do ông Trương Bá Thu là giám đốc. Nhưng điểm oái oăm trong hợp đồng là mỗi năm, họ chỉ được làm việc theo hợp đồng là 3 tháng, từ tháng 7 đến tháng 10. Đến tháng 4-2010, anh Lán cùng các LĐ khác lên HN học tiếng và tay nghề, chuẩn bị cho chuyến đi. Ngày 18-7-2010, anh được xuất cảnh cùng gần 120 LĐ khác.
Đến Thụy Điển ngày 2-8-2010, các LĐ được đưa vào rừng hái dâu theo đúng hợp đồng. Thế nhưng mới làm việc được hơn một tháng, họ nhận được lệnh không đi làm và được động viên về nước. Theo thông báo, do thiếu việc nên phía công ty buộc phải đưa người lao động về nước trước thời hạn. Ai đăng ký về nước sẽ được công ty hỗ trợ 40 triệu đồng.
Về nước ngày 28-9-2010, anh Lán, anh Tuyển và các LĐ khác tìm đến Chi nhánh Bắc Giang để thanh lý hợp đồng, lấy lại tiền đặt cọc theo đúng nội dung của thông báo do giám đốc chi nhánh, ông Trương Bá Thu ký. Thế nhưng, tuy đã nhiều lần có mặt tại nhà 35M2, Khu đô thị mới Yên Hòa, phường Yên Hòa, quận Cậu Giấy, Hà Nội (trụ sở của chi nhánh) theo yêu cầu của công ty để thanh lý hợp đồng LĐ và hợp đồng bảo lãnh nhưng lần nào phía công ty cũng đưa ra lý do khó khăn, chưa thanh lý hợp đồng được cho NLĐ.
Để hiểu rõ sự việc, chúng tôi đã liên hệ với lãnh đạo Công ty TTLC. Đại diện công ty cho rằng, Chi nhánh Bắc Giang phải tự chịu trách nhiệm về mặt pháp lý cũng như chịu trách nhiệm giải quyết quyền, lợi ích hợp pháp cho NLĐ và họ từ chối cung cấp thông tin.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trương Bá Thu, Giám đốc Chi nhánh Bắc Giang cho biết, chi nhánh đã đứng ra thu tiền đặt cọc của NLĐ theo quy định. Với số tiền đặt cọc trên, chi nhánh chỉ được giữ lại một phần để gửi vào ngân hàng làm tiền bảo lãnh, phần lớn còn lại phải chuyển về công ty. Đến nay, NLĐ phải về nước trước thời hạn, công ty lại phong tỏa tài khoản, không cho rút tiền ra thì không thể thanh toán đầy đủ cho NLĐ. Để giải quyết việc này, Chi nhánh Bắc Giang đã nhiều lần gửi công văn lên công ty xin được giải quyết nhưng vẫn chưa được chấp thuận. Tính đến tháng 11-2010, Chi nhánh đã hai lần gửi tờ trình, 10 lần xin mở tài khoản nhưng công ty vẫn chưa mở. Thậm chí trong công văn số 573, ngày 8-11-2010, Chi nhánh Bắc Giang đã nêu rõ "Chi nhánh Bắc Giang mong muốn và rất cần giải quyết thanh lý hợp đồng nhanh và gấp, dứt điểm cho tất cả số lao động về nước chưa được thanh lý theo công văn của Cục Quản lý lao động ngoài nước". "Kể từ ngày 5-11-2010, nếu công ty không mở tài khoản cho chi nhánh, Chi nhánh Bắc Giang sẽ chuyển số hợp đồng đối với những lao động còn lại để công ty trực tiếp thanh lý".
Công văn đi lại đã nhiều lần, NLĐ vẫn phải chờ được thanh lý hợp đồng để lấy lại tiền đặt cọc. Trước đó, ngày 29-10-2010, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có công văn số 1999, yêu cầu TTLC thực hiện ngay việc thanh lý hợp đồng với đầy đủ các khoản tiền theo hợp đồng và những thỏa thuận giữa công ty với NLĐ cũng như các quyền lợi khác của họ trước ngày 3-11-2010. Thế nhưng, đến nay đã bước sang năm 2011, nhiều NLĐ vẫn chưa được thanh lý hợp đồng, chưa nhận được số tiền đặt cọc do Công ty TTLC vẫn im lặng. Chẳng lẽ công văn chỉ đạo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH (cơ quan quản lý nhà nước ở lĩnh vực xuất khẩu lao động) lại không có hiệu lực đối với Công ty TTLC - một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.