(HNMO) - Trao đổi giữa PV Hànộimới với Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Chí Dũng xung quanh nguyên nhân sự cố công trình 107 Trần Hưng Đạo và việc quản lý, bảo tồn, cải tạo quỹ biệt thự trên địa bàn Thành phố Hà Nội.
-Xin ông cho biết, đến thời điểm này, việc cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố sập đổ công trình số 107 Trần Hưng Đạo đã được Thành phố triển khai như thế nào?
- Nhà 107 Trần Hưng Đạo do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, khi xảy ra sự cố sập đổ, với trách nhiệm quản lý trên địa bàn, UBND Thành phố Hà Nội đã huy động tất cả các lực lượng như Công an Thành phố, Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy, Bộ Tư lệnh Thủ đô, lực lượng tại chỗ của quận Hoàn Kiếm, Thanh tra Xây dựng, Trung tâm Vận chuyển Cấp cứu, Sở Y tế… tập trung cứu hộ, cứu nạn, phong tỏa hiện trường, bảo vệ tài sản cho nhân dân. Đến cuối ngày 22-9, nạn nhân cuối cùng đã được tìm thấy và đưa đến bệnh viện. Ngay trong đêm, Thành phố đã bố trí nhà tạm cư cho các hộ dân trong số nhà tại CT1- Khu đô thị Định Công, quận Hoàng Mai.
- Những công việc tiếp theo là gì, thưa ông?
- Ngày 23-9, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tiếp tục thu dọn hiện trường; tổ chức thăm hỏi gia đình bị nạn và hỗ trợ các hộ dân tạm cư ổn định cuộc sống. Thành phố cũng đã chỉ đạo giao cho cơ quan chuyên môn kiểm định chất lượng, nhanh chóng tìm nguyên nhân sự cố.
Nhà 107 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm bị sập ngày 22-9. |
- Có ý kiến cho rằng, nhà 107 Trần Hưng Đạo sập đổ là do xuống cấp, cùng với mưa to những ngày qua khiến mái bị nặng.
- Theo hồ sơ quản lý, công trình 107 Trần Hưng Đạo được xây dựng từ năm 1900, có tuổi đời hơn 100 năm, nên chắc chắn có sự xuống cấp. Tuy nhiên, để xác định rõ nguyên nhân sập đổ, Sở Xây dựng với chức năng nhiệm vụ của mình đã đề xuất UBND TP, giao Viện Kinh tế Kỹ thuật xây dựng thực hiện việc giám định chất lượng công trình, tìm nguyên nhân. Khi có kết luận giám định mới có thể khẳng định nguyên nhân sự cố là gì.
- Đơn vị quản lý, sử dụng có báo cáo về chất lượng của tòa nhà 107 Trần Hưng Đạo, hay có đề nghị cải tạo, sửa chữa gửi cơ quan quản lý của Thành phố?
- Đến nay, chúng tôi chưa nhận được văn bản nào như thế.
- Sự cố công trình 107 Trần Hưng Đạo đặt ra vấn đề về việc quản lý, bảo tồn và cải tạo quỹ nhà biệt thự cũ. Hiện quỹ nhà này đan xen nhiều chủ sử dụng khác nhau, ông có thể cho biết trách nhiệm của Thành phố và trách nhiệm của đơn vị sử dụng công trình như thế nào?
- Hiện trên địa bàn Thành phố có nhiều nhà biệt thự cũ, do nhiều chủ sử dụng, sở hữu quản lý. Trách nhiệm của chủ quản lý, sử dụng đã được quy định rất rõ tại Luật Nhà ở, Nghị định 34 của Chính phủ, đó là hàng năm chủ quản lý, sử dụng phải lập kế hoạch duy trì, cải tạo. Nếu nhà có nguy cơ không bảo đảm an toàn, chủ sử dụng phải có trách nhiệm thuê tư vấn kiểm định chất lượng. Nếu kết quả kiểm định nhà ở cấp độ D, tức nhà nguy hiểm có nguy cơ sụp đổ, chủ sử dụng phải thực hiện ngay việc di dời khẩn cấp, lập dự án cải tạo, xây dựng lại. Nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước do Thành phố quản lý thì Thành phố phải duy trì, cải tạo và kiểm định chất lượng nếu có nguy cơ không bảo đảm an toàn. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân Thành phố, UBND TP Hà Nội đã rà soát toàn bộ quỹ nhà biệt thự trên địa bàn. Từ đó, phân loại, sắp xếp theo từng nhóm I, II, III. Từng nhóm nhà lại có quy định cụ thể để thực hiện việc bảo tồn.
- Hiện nay, tổng quỹ nhà biệt thự trong danh mục bảo tồn trên địa bàn TP là bao nhiêu? Liệu có mâu thuẫn giữa bảo tồn và bảo đảm an toàn khi hầu hết công trình có tuổi đời lớn?
- Số lượng biệt thự sau khi rà soát tổng thể là khoảng 1.500 nhà. Cơ bản phải giữ nguyên hiện trạng.Việc tôn tạo, bảo tồn là do Nhà nước và tổ chức, cá nhân cùng thực hiện. Quỹ nhà thuộc sở hữu nhà nước thì nhà nước phải làm, nhưng nhà thuộc sơ hữu của tổ chức, cá nhân thì tổ chức, cá nhân phải cùng tham gia với nhà nước. Tất nhiên, tổ chức, cá nhân thực hiện bảo tồn sẽ phải tuân thủ theo các quy định của Nhà nước.
Tuy nhiên, với nhà nguy hiểm cấp độ D, chủ đầu tư phải di dời, lập dự án phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại. Trường hợp buộc phải xây dựng lại do không bảo đảm chất lượng, nếu là nhà nhóm I và II, công trình xây dựng lại phải đúng nguyên trạng biệt thự cũ. Cụ thể nhà 107 Trần Hưng Đạo thuộc nhóm II.
- Sau sự cố, có ý kiến lo ngại về chất lượng của các công trình cũ, nhà cổ khác trên địa bàn Thành phố.
- Về quỹ nhà thuộc sở hữu Nhà nước nói chung, biệt thự nói riêng, hàng năm, UBND TP chỉ đạo Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Quản lý phát triển nhà Hà Nội lập kế hoach khảo sát, lên danh mục cải tạo, sửa chữa định kỳ. Trong quá trình khảo sát, nếu công trình nào phát hiện nguy hiểm, chúng tôi đều báo cáo Thành phố cho kiểm định, đánh giá chất lượng, xem ở cấp độ nào để ứng xử phù hợp, theo đúng quy định pháp luật. Nếu nguy hiểm cấp D, buộc phải di dời, xây dựng lại.
Sau sự cố này, Sở Xây dựng đã có công văn yêu cầu các đơn vị quản lý rà soát lại tổng thể một lần nữa, trong đó có quỹ nhà biệt thự. Sắp tới, Sở tham mưu UBND Thành phố giao cho chính quyền các địa phương rà soát toàn bộ quỹ nhà, không chỉ nhà thuộc sở hữu nhà nước, mà kể cả nhà ở riêng lẻ thuộc sở hữu của người dân, tránh những sự cố như vừa xảy ra.
-Xin cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.