(HNM) - 11 tháng qua, Việt Nam đã đón hơn 9 triệu lượt khách quốc tế, vượt mục tiêu đề ra cho cả năm 2016. Thành công này có đóng góp không nhỏ của công tác xúc tiến, quảng bá du lịch.
Đổi mới công tác xúc tiến du lịch
Ông Đinh Ngọc Đức, Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch) cho biết, năm 2016, Tổng cục Du lịch đã đổi mới mạnh mẽ hoạt động xúc tiến. Trong đó, thông tin về kế hoạch xúc tiến, quảng bá ở trong, ngoài nước đã được đưa tới các địa phương và doanh nghiệp từ tháng 12-2015 để các đơn vị này căn cứ vào nhu cầu và thị trường cùng tham gia với Tổng cục. Ba nhóm thị trường chính đã được xác định, gồm: Đông Bắc Á; khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ; thị trường gần ASEAN. Bên cạnh đó là các thị trường mới như Ấn Độ, Australia, New Zealand, khu vực Trung Đông.
Du khách quốc tế tham quan phố cổ Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
“Một số địa phương giữ vai trò chủ trì tại một số hội chợ như Hà Nội đảm nhận xúc tiến tại 4 hội chợ du lịch ở Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Pháp, Mỹ. Mỗi hội chợ, Sở Du lịch Hà Nội đầu tư cho gian hàng từ 2,5 đến 4 tỷ đồng. Còn TP Hồ Chí Minh đảm nhận 3 hội chợ tại Thái Lan, Nga, Đài Loan (Trung Quốc) theo phương thức Tổng cục Du lịch chi trả mặt bằng còn địa phương xây dựng gian hàng, huy động doanh nghiệp tham gia. Nguồn kinh phí cho hoạt động xúc tiến quảng bá của Tổng cục Du lịch chỉ tập trung cho một số hội chợ lớn tại Đức, Anh...”, ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết.
Một trong những giải pháp tạo bước đột phá trong xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch là tận dụng phương thức e-marketing (marketing điện tử). Để tạo nguồn lực cho hoạt động marketing, được sự hỗ trợ của Dự án du lịch EU, các doanh nghiệp du lịch lớn đã thành lập Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB) và Công ty cổ phần Tư vấn du lịch. “Thông qua công ty này, các doanh nghiệp du lịch đã huy động được hơn 10 tỷ đồng, tập trung triển khai hoạt động marketing sản phẩm du lịch Việt Nam tại một số thị trường gần như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Malaysia… Dựa trên thành công bước đầu trong năm 2015, từ năm 2016, các hoạt động e-marketing tập trung vào thị trường mục tiêu của Việt Nam, trong đó chú trọng tới hình ảnh của các điểm đến”, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết thêm.
Giải pháp mà TAB tập trung là e-marketing thông qua giải pháp công nghệ mới và các trang mạng xã hội. Trên thực tế, các doanh nghiệp du lịch và các địa phương đã triển khai hoạt động e-marketing từ gần 10 năm nay, tập trung vào khâu quảng bá sản phẩm, đặt tour, thanh toán qua mạng. Thậm chí, có doanh nghiệp hoàn toàn bán sản phẩm qua mạng. Tuy nhiên, việc ứng dụng e-marketing đối với các điểm đến còn hạn chế do chưa được nhiều địa phương quan tâm đúng mức. Chiến lược e-marketing điểm đến trong năm 2016 đã được đầu tư bài bản hơn, từ việc xây dựng nội dung đến phương thức tiếp cận nên đã đạt được hiệu quả cao hơn nhiều.
Vẫn cần tiếp tục cải thiện
Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch của Việt Nam vẫn cần phải cải thiện rất nhiều. Điển hình là vấn đề thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài. Trong Luật Du lịch 2005 có hẳn 1 chương (Chương VIII ), 4 điều (Điều 79, 80, 81, 82) về thành lập văn phòng đại diện du lịch Việt Nam ở nước ngoài tại các thị trường du lịch trọng điểm nhưng đã 11 năm trôi qua, đến nay, Việt Nam mới có 1 văn phòng tại Nhật Bản, nhưng là do Hiệp hội Lữ hành Việt Nam thành lập. Văn phòng này hoạt động trong điều kiện thiếu thốn nên chưa phát huy được hiệu quả.
"Thái Lan đã có 27 văn phòng, Singapore có 23 văn phòng và Malaysia có 35 văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài. Kinh phí xúc tiến du lịch hằng năm của họ lên tới hàng trăm triệu USD, trong khi Việt Nam đầu tư cho quỹ xúc tiến du lịch chỉ vào khoảng 2 triệu USD/năm", ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Lữ hành Hanoitourist cho biết.
Cho tới thời điểm hiện tại, Tổng cục Du lịch đang quản lý các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch và được Nhà nước cấp kinh phí cho hoạt động này. Theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam, để Tổng cục Du lịch làm công việc này là không phù hợp bởi cơ quan này là đơn vị quản lý hành chính. Vì thế, Chính phủ có thể tái thành lập Cục Xúc tiến du lịch để việc tham gia các hội chợ quốc tế cũng như các hoạt động xúc tiến được chuyên nghiệp hóa, đem lại hiệu quả cao.
Ông Đinh Ngọc Đức cho biết, thời gian tới, Việt Nam sẽ tập trung thực hiện xúc tiến, quảng bá theo hướng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào e-marketing. Ngoài ra, vì nguồn lực có hạn nên chúng ta sẽ quảng bá theo phương thức xã hội hóa nhiều hơn, tức là huy động không chỉ nguồn lực của Chính phủ mà còn của các doanh nghiệp, đối tác.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.