(HNM) - Làm sao để công tác tư pháp có nhiều bứt phá trong năm 2014 khi nhân lực thực hiện còn hạn chế là bài toán đặt ra đối với ngành tư pháp Hà Nội.
Nhiều sáng kiến có lợi cho dân
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, năm 2013, ngành tư pháp tiếp tục được bổ sung một số nhiệm vụ mới về kiểm soát thủ tục hành chính, theo dõi thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, đòi hỏi mỗi cán bộ, công chức của ngành phải nỗ lực hơn. Và điểm lại kết quả của năm 2013 đã thể hiện sự chuyển biến rõ rệt. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) và thi hành pháp luật, ngay sau khi Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua, ngành tư pháp đã tham mưu giúp UBND thành phố và phối hợp với các sở, ngành tập trung triển khai xây dựng, trình HĐND thành phố thông qua 11 nghị quyết; UBND thành phố ban hành 2 quyết định cụ thể hóa các quy định của luật, kịp thời đưa vào áp dụng ngay khi Luật Thủ đô có hiệu lực từ ngày 1-7-2013. Cùng với đó, 100% VBQPPL của thành phố đã được ngành góp ý, thẩm định theo đúng trình tự, thủ tục với chất lượng ngày càng cao.
Trong năm qua, ngành tư pháp đã tiếp tục đưa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đi vào nền nếp, đáp ứng yêu cầu của công dân. |
Trong lĩnh vực hành chính tư pháp, ngành tiếp tục đưa công tác đăng ký và quản lý hộ tịch đi vào nền nếp. Việc tiếp nhận, giải quyết hầu hết các loại việc đăng ký hộ tịch đều đúng thẩm quyền và đáp ứng yêu cầu của công dân. 100% hồ sơ được tiếp nhận và trả kết quả tại bộ phận "một cửa", không có trường hợp quá hạn. Về công tác lý lịch tư pháp, năm 2013 cũng có nhiều điểm sáng. Từng có thời điểm lượng hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp tăng đột biến với khoảng 40.000 hồ sơ, gấp 3 lần nhưng số được giải quyết đúng và trước thời hạn vẫn đạt trên 98%. Với công tác cải cách hành chính cũng có sáng kiến đột phá, được nhân dân đánh giá cao. Điển hình là cho phép việc ký đối chiếu bản photocopy với bản chính khi thụ lý hồ sơ hành chính giúp giảm thiểu giấy tờ phải chứng thực; rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ hộ tịch ở cơ sở.
Tập trung tháo gỡ vấn đề khó
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nhận định, với trình độ cán bộ khá đồng đều hiện nay, lực lượng tư pháp Hà Nội phải là đơn vị chủ lực, xung kích tư vấn giải pháp tháo gỡ vấn đề khó, nhạy cảm trên địa bàn thành phố thế nhưng kết quả hoạt động chưa xứng với tiềm năng. Ví như chỉ số năng lực cạnh tranh của thành phố bị giảm thì biện pháp tháo gỡ cụ thể là gì, ngành tư pháp cũng chưa hiến kế. Ngành cũng chưa phản biện tích cực các chính sách, chủ trương của Trung ương. Thậm chí, còn có một số yếu kém trong lĩnh vực quản lý công chứng. Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch ban hành VBQPPL dù có tính ứng dụng nhưng chưa dự báo được những phát sinh trong việc chỉ đạo, điều hành của thành phố. Nội dung và hình thức phổ biến giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa được thực hiện thường xuyên, rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ý kiến phản ánh của các quận, huyện cũng cho thấy thực tế, dù ngành tư pháp ngày càng được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng nhưng việc bổ sung biên chế, cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu. Bên cạnh đó, cơ quan tư pháp các cấp còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ do chính quyền giao như giải quyết các "điểm nóng", bức xúc, đơn thư khiếu nại, tố cáo... ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng triển khai các nhiệm vụ công tác tư pháp...
Khắc phục những hạn chế nêu trên, năm nay, Sở Tư pháp Hà Nội tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ tư pháp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc giảm giấy tờ, chi phí, thời gian. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, ngành sẽ chủ động phối hợp với các phương tiện thông tin đại chúng để có thêm kênh tuyên truyền hiệu quả. Việc theo dõi tình hình thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực dễ phát sinh yêu cầu bồi thường cho Nhà nước cũng được tiến hành ngay từ những ngày đầu năm mới. Đặc biệt, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm những hành vi tiêu cực trong các lĩnh vực công chứng sẽ được triển khai bài bản.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.