Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác quản lý hồ chứa nước: Lơi lỏng, không rõ trách nhiệm

Chí Kiên| 04/09/2013 06:13

(HNM) - Trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, vấn đề bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hồ chứa thủy lợi, hồ thủy điện trên địa bàn cả nước là yêu cầu cấp bách.



Thế nhưng, trên thực tế có hàng trăm hồ chứa đang bị xuống cấp nghiêm trọng và việc quản lý, khai thác tồn tại nhiều bất cập, chưa rõ trách nhiệm giữa các bộ, ngành, địa phương, khiến người dân sinh sống ở vùng hạ du rất lo lắng mỗi khi mùa mưa bão đến.

Hồ Đồng Quan (Sóc Sơn). Ảnh: Phương Thảo


Những "quả bom nước" trên đầu dân

Việt Nam hiện có 6.500 hồ chứa thủy lợi, với tổng dung tích khoảng 11 tỷ mét khối, trong đó có 560 hồ chứa lớn (dung tích trên 3 triệu mét khối); 1.752 hồ dung tích từ 0,2 đến 3 triệu mét khối, còn lại là hồ dung tích dưới 0,2 triệu mét khối. Theo Bộ NN& PTNT, vấn đề lo ngại nhất hiện nay là cả nước có 317 hồ chứa bị hư hỏng, được ví như những "quả bom nước", trong đó có 120 hồ trọng điểm cần được quan tâm, bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ 2013. Đối với các hồ chứa có dung tích trên 3 triệu mét khối hoặc đập cao trên 15m, có đến 25 đập đang bị thấm ở mức độ mạnh, 9 hồ hư hỏng tràn xả lũ, 13 hồ hư hỏng thân cống, 17 hồ thiếu khả năng xả lũ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn... "Đây là những hồ có dung tích lớn và đập tương đối cao, nếu bị sự cố sẽ gây thiệt hại rất lớn, nhất là khi ở lưu vực các hồ, đập có mưa, lũ lớn" - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng nhấn mạnh.

Các địa phương, đơn vị có nhiều hồ chứa nhỏ bị xuống cấp là: Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (28 hồ), Hòa Bình (25 hồ), Bình Định (21 hồ), Hà Tĩnh (20 hồ), Hải Dương (17 hồ), Thanh Hóa (17 hồ), Quảng Ninh (15 hồ)… Tại Hà Nội, hiện có 96 hồ thủy lợi vừa và nhỏ với dung tích khoảng 187 triệu mét khối, trong đó một số hồ lớn có dấu hiệu hư hỏng, đập bị thấm như: Hồ Suối Hai (Ba Vì), hồ Đồng Mô (Sơn Tây), hồ Văn Sơn (Chương Mỹ), hồ Quan Sơn, hồ Đồng Đò (Sóc Sơn)... Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã, hầu hết hồ chứa ở Hà Nội được xây dựng cách đây khoảng 40-50 năm, qua thời gian dài khai thác, sử dụng, các hạng mục như đập đất, tràn, cống lấy nước đều bị xuống cấp, ảnh hưởng không nhỏ đến phục vụ sản xuất và an toàn công trình.

Quản lý không theo kịp thực tế

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, công tác quản lý, an toàn hồ chứa đang gặp nhiều khó khăn. Số lượng hồ chứa nhỏ quá nhiều (chiếm gần 6.000 hồ), nằm rải rác, phân tán; không ít hồ nằm trong vùng sâu, vùng xa và hầu hết không có đường giao thông. Đơn vị quản lý là các xã, hợp tác xã, hầu hết cán bộ chưa có chuyên môn; kinh phí của các chủ đập quản lý các hồ chứa chủ yếu từ nguồn cấp bù thủy lợi phí rất hạn chế; việc ban hành quy trình vận hành liên hồ chưa theo kịp với thực tế... "Trong số hơn 600 hồ chứa nước của tỉnh Thanh Hóa, mới có 63 hồ được phê duyệt quy trình vận hành và ngay cả hồ Cửa Đại có dung tích lên đến hơn 1,4 tỷ mét khối cũng chưa có quy trình vận hành" - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Phạm Đăng Quyền cho biết.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã cho biết thêm: Mặc dù các hồ bị hư hỏng nhiều, song nguồn kinh phí sửa chữa, nâng cấp hạn chế, nên chỉ tập trung xử lý những hư hỏng xung yếu đe dọa đến an toàn công trình, chưa đủ nguồn vốn để đầu tư nâng cấp... Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho rằng, vấn đề an toàn hồ chứa đang thiếu sự quan tâm, nhất là ở cấp huyện, xã. Các địa phương phải tổ chức đào tạo nhân lực, siết chặt thực thi luật pháp, thường xuyên kiểm tra, giám sát, không để xuống cấp quá nghiêm trọng mới sửa chữa. Lãnh đạo một số tỉnh Quảng Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình... đã kiến nghị Chính phủ bố trí kinh phí bảo đảm an toàn hồ chứa như chương trình củng cố, nâng cấp đê điều đang tiến hành hiện nay; sửa đổi quy định về kiểm định hồ đập; xây dựng dữ liệu bảo đảm đầy đủ thông tin trong giám sát, vận hành hồ...

Không những thế, công tác quản lý, an toàn hồ chứa thủy điện đối với các nhà máy thủy điện có công suất nhỏ hơn 30MW (thủy điện vừa và nhỏ) cũng bộc lộ không ít bất cập. Hiện tại, cả nước mới có 37/166 đập thủy điện có phương án PCLB năm 2013; 34/166 đập thủy điện vừa, nhỏ chưa kiểm định; 7/166 đập cắm mốc chỉ giới xác định vùng phụ cận bảo vệ đập; 76/166 đập chưa xây dựng phương án bảo vệ đập... Đại diện Bộ Công thương khẳng định vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác quản lý, chưa phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của Bộ Công thương và UBND các tỉnh trong việc phê duyệt phương án PCLB, bảo đảm an toàn đập; chưa ban hành đủ quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 1879 của Thủ tướng Chính phủ... Ông Đặng Hoàng An, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đề xuất để các chủ đập đầu tư kinh phí duy tu, bảo dưỡng; các hồ nằm trong phạm vi một tỉnh thì giao cho địa phương đó điều phối, nhiều tỉnh thì liên tỉnh làm việc này; đồng thời quy định rõ cấp phê duyệt trước khi tích nước, ban hành quy chuẩn thống nhất về lún sụt, thấm đập...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác quản lý hồ chứa nước: Lơi lỏng, không rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.