Phòng cháy chữa cháy

Công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tạo chuyển biến về nhận thức và hành động

Chu Dũng 12/12/2023 07:16

Thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU ngày 20-9-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn thành phố Hà Nội trong tình hình mới”, các địa phương, đơn vị đã vào cuộc quyết liệt, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ, tích cực cả về nhận thức và hành động.

luc-luong-chuc-nang-phuong-.jpg
Lực lượng chức năng phường Long Biên (quận Long Biên) hướng dẫn người dân sử dụng bình cứu hỏa.

Chỉ rõ vi phạm, khẩn trương khắc phục

Chỉ rõ những yếu kém, vi phạm để có biện pháp khắc phục “luôn và ngay”, cách làm này của quận Hoàn Kiếm thời gian qua được Đoàn công tác do Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn làm Trưởng đoàn đánh giá cao. Trực tiếp kiểm tra 7 tầng khu nhà ở nhiều căn hộ ở 144B Phúc Tân và khu nhà trọ trong ngõ 463 đường Hồng Hà, Đoàn công tác ghi nhận những bất cập về phòng cháy, chữa cháy đã được khắc phục tại 2 công trình trên, như: Dỡ bỏ “chuồng cọp”, hoa sắt ở cửa sổ để thông với các nhà liền kề; trang bị bình cứu hỏa, thang dây thoát hiểm cho các tầng…

Đoàn công tác cũng đánh giá cao giải pháp mà quận Hoàn Kiếm đưa ra là, nhà nào cũng có bể nước, khi xảy ra sự cố, nêu cao tinh thần giúp nhau sẽ giảm thiệt hại. “Hoàn Kiếm làm tốt, tôi tin là cả thành phố sẽ làm tốt. Để người dân tự có giải pháp bảo vệ mình, Hoàn Kiếm đã tuyên truyền và đang thực hiện rất tốt”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Hồng Sơn ghi nhận.

Còn tại quận Bắc Từ Liêm, Thượng tá Đỗ Anh Quyến, Phó Trưởng Công an quận cho biết, triển khai Chỉ thị số 25-CT/TU, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa theo đặc thù của quận vừa có phố phường, vừa có làng nghề truyền thống, khu công nghiệp, khu chung cư…

Theo anh Nguyễn Duy Dũng (Khu đô thị Cầu Diễn, tổ 7, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm), người dân đã được tuyên truyền nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy, từ đó thay đổi thói quen sinh hoạt, cẩn thận hơn khi thắp hương, hóa vàng mã, ngắt cầu dao điện khi ra khỏi nhà...

Nêu cao trách nhiệm toàn dân

Ghi nhận tại các quận, huyện: Thanh Xuân, Hà Đông, Cầu Giấy, Thường Tín, Thanh Trì, Hoài Đức… cũng cho thấy, công tác phòng cháy, chữa cháy đã có nhiều chuyển biến tích cực, huy động được sức mạnh và nêu cao trách nhiệm toàn dân cùng vào cuộc.

Anh Nguyễn Văn Công - một hộ gia đình tại 5D5 Khu tập thể Thanh Xuân Bắc (quận Thanh Xuân) vừa kinh doanh vừa kết hợp nhà để ở, cho biết: “Chúng tôi vui mừng khi đến nay trên địa bàn quận đã có hơn 15.000 “chuồng cọp” được mở cửa, tạo lối thoát nạn. Nhiều hộ gia đình đã tự trang bị thiết bị chữa cháy, mặt nạ phòng độc, thiết bị phá dỡ, thiết bị cảnh báo cháy... Quan trọng nhất là ý thức phòng cháy, chữa cháy đã lan tỏa tới từng gia đình”.

Điểm tích cực khác là nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Theo Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TU, quận sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thường xuyên, đôn đốc, nhắc nhở, tập huấn cho người dân, thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ”. Cùng với đó, quận đề xuất thành phố trang bị 351 họng nước cứu hỏa còn thiếu trên địa bàn...

Đại tá Dương Đức Hải, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thông tin, Công an thành phố sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã, các cơ quan, đoàn thể nhằm triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn. Trong đó, không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân phòng cháy, chữa cháy cả về chiều rộng và chiều sâu…

Tin tưởng rằng, việc triển khai thực hiện các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy, các kế hoạch của UBND thành phố về phòng cháy, chữa cháy sẽ tiếp tục đi vào cuộc sống, mang lại những kết quả tích cực, nổi bật, góp phần bảo đảm sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân.

Chủ tịch UBND phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) Nguyễn Công Bằng:
Tăng cường kiểm tra, quyết liệt xử lý vi phạm

t3-ykien-nguyen-cong-bang.jpg

Phúc Tân là phường nằm ngoài đê sông Hồng có diện tích 0,7km2. Toàn phường hiện có 4.500 hộ và hơn 2.000 người ở 196 nhà trọ. Công tác phòng cháy, chữa cháy gặp nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của quận Hoàn Kiếm, phường đã thành lập được 40 tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy. Vừa qua, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã trực tiếp kiểm tra và thành lập 5 tổ công tác tổng kiểm tra 2.971 hộ trong diện có nguy cơ cháy, nổ cao, yêu cầu 500 hộ phá dỡ ngay “chuồng cọp”.

Đặc biệt, trên địa bàn phường Phúc Tân hiện có 3 chung cư mini. Trong đó, chung cư 144 B Phúc Tân có 41 phòng, diện tích trung bình từ 20 đến 35m2/phòng, đều là mua bán viết tay, chung cư không có đơn vị vận hành. Đến nay, UBND phường Phúc Tân đã yêu cầu các chủ chung cư, nhà trọ và các hộ dân tuyên truyền, ký cam kết phòng cháy, chữa cháy; yêu cầu các cơ sở sản xuất có nguy cơ cháy, nổ di chuyển ra khỏi khu dân cư.

Trung tá Trần Khắc Tuân, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ Công an huyện Thanh Trì:
Người đứng đầu cơ sở giữ vai trò quan trọng

t3-ykien-tran-khac-tuan.jpg

Trong công tác phòng cháy, chữa cháy, người đứng đầu cơ sở giữ vai trò rất quan trọng. Mỗi chủ cơ sở phải thực sự thấy được trách nhiệm của mình, tổ chức thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật để giảm thiểu thiệt hại nếu cháy, nổ xảy ra. Ngoài việc tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, người đứng đầu cơ sở còn phải chú trọng huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy, xây dựng phong trào quần chúng tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy…

Thời gian qua, Công an huyện Thanh Trì luôn tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, kiến nghị thực hiện an toàn phòng cháy, chữa cháy các cơ sở trên địa bàn đã được phân công, phân cấp quản lý. Công an huyện đã rà soát, tổ chức thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao trên địa bàn và hoàn thành việc xây dựng mô hình điểm “Tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại các phường.

Chủ gara ô tô Phúc Lợi, phường Long Biên (quận Long Biên) Nguyễn Phúc Lợi:
Mô hình hiệu quả, thiết thực

t3-ykien-nguyen-phuc-loi.jpg

Chúng tôi luôn ủng hộ cách xây dựng các tổ liên gia an toàn phòng cháy, chữa cháy để mỗi người dân chính là chiến sĩ phòng cháy, chữa cháy. Đây là mô hình hiệu quả, thiết thực đối với những khu vực có diện tích nhỏ, nhiều ngõ sâu, đông dân cư...

Trước đây, các căn trọ cũ ở khu vực đường Cổ Linh thường thiếu hệ thống chữa cháy tự động hoặc chỉ được trang bị bình chữa cháy xách tay mini và thiếu lối thoát hiểm. Các căn hộ, khu trọ sau khi xây xong chỉ có sinh viên, người lao động đến ở; chủ nhà rất ít khi có mặt. Điều này, gây khó khăn trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở chủ các cơ sở trang bị đầy đủ hệ thống, thiết bị phòng chống cháy nổ, xây dựng lối thoát hiểm. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng những chủ cơ sở kinh doanh nhà xưởng, nhà trọ như chúng tôi đều nắm vững các kiến thức phòng cháy, chữa cháy và tự trang bị thiết bị cũng như kỹ năng xử lý tình huống.

Dương Hiệp ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố Hà Nội: Tạo chuyển biến về nhận thức và hành động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.