Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác lãnh đạo tổ chức cuộc bầu cử tại thành phố Hà Nội: Chủ động, toàn diện, hiệu quả

Hiền Lương| 19/04/2021 06:08

(HNM) - Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được Quốc hội quyết định tổ chức vào ngày 23-5-2021 trên phạm vi cả nước. Hướng đến mục tiêu tổ chức thành công sự kiện chính trị quan trọng này, các cấp ủy Đảng thuộc Đảng bộ thành phố Hà Nội đã vào cuộc chủ động, lãnh đạo toàn diện công tác bầu cử, bảo đảm tiến độ, đúng quy định, đạt hiệu quả cao.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn (đứng thứ 3 từ trái sang) kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tại quận Hoàn Kiếm. 

Chịu trách nhiệm đến cùng

Đến nay, công tác chuẩn bị cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2021-2026 đã thực hiện đúng quy trình các bước, bảo đảm đúng luật. Việc niêm yết danh sách cử tri đã được hoàn thành từ ngày 14-4. Các hội nghị hiệp thương lần thứ ba đã thống nhất thông qua danh sách 36 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV, 160 người đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND thành phố khóa XVI...

Để có được kết quả này, Thành ủy Hà Nội đã chủ động triển khai thực hiện Chỉ thị số 45-CT/TƯ ngày 20-6-2020 của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 bằng việc ban hành Chỉ thị số 35-CT/TU về lãnh đạo cuộc bầu cử; thành lập Ban Chỉ đạo cuộc bầu cử thành phố Hà Nội do đồng chí Bí thư Thành ủy làm Trưởng ban.

Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành ủy đã thành lập 15 đoàn công tác chỉ đạo công tác bầu cử; mỗi đoàn phụ trách 2 quận, huyện, thị xã. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo, Phó Chủ tịch Ủy ban Bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, mỗi đoàn, trước hết là trưởng đoàn phải chịu trách nhiệm toàn diện, đến cùng trước Ban Thường vụ Thành ủy về thành công của cuộc bầu cử đối với từng xã, phường, thị trấn nơi được phân công.

Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thành ủy, các cấp ủy Đảng, nhất là 30 quận, huyện, thị ủy đã chủ động, tích cực triển khai, coi đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Hai Bà Trưng Trần Quyết Thắng thông tin, Quận ủy, Ban Thường vụ Quận ủy đã ban hành và chỉ đạo ban hành 58 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử. Đảng ủy 18/18 phường cũng đã ban hành nghị quyết về công tác lãnh đạo, chỉ đạo cuộc bầu cử trên địa bàn. Đối với huyện Mê Linh, 10 đoàn công tác chỉ đạo cuộc bầu cử của Ban Thường vụ Huyện ủy đã làm việc trực tiếp với các đơn vị để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Mê Linh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, một số địa phương trên địa bàn huyện có tình trạng đơn thư, khiếu kiện, huyện đang phối hợp với các cơ quan của thành phố tập trung giải quyết, bảo đảm không để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

Theo Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Hải Bối (huyện Đông Anh) Nguyễn Hữu Thụ, sự chỉ đạo sát sao từ Thành ủy Hà Nội, Huyện ủy Đông Anh đã giúp cán bộ cơ sở vững tin hơn, đồng thời quyết tâm tổ chức thành công cuộc bầu cử trên địa bàn.

Cử tri phường Định Công, quận Hoàng Mai biểu quyết tín nhiệm giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội. Ảnh: Viết Thành

Không lơ là, chủ quan

Không dừng lại ở kết quả bước đầu này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội vừa có công văn yêu cầu cấp ủy các cấp thành phố tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác bầu cử. Theo Phó Bí thư Thành ủy, Phó Trưởng ban Chỉ đạo cuộc bầu cử thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Phong, công tác bầu cử là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong năm 2021, do đó các cấp ủy Đảng tuyệt đối không được lơ là, chủ quan, phải tính toán kỹ lưỡng, có phương án dự phòng đối với từng nội dung liên quan; nắm chắc địa bàn, tình hình dư luận xã hội trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; xây dựng kịch bản phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày diễn ra cuộc bầu cử...

Nhiệm kỳ này, thực hiện Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, các phường của các quận, thị xã không tổ chức HĐND. Theo chỉ đạo của Thành ủy, một mặt, cấp ủy các quận, thị xã tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng, bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp, đồng thời chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt công tác bầu cử trên địa bàn các phường.

Xác định rõ vị trí là quận trung tâm chính trị, hành chính của Thủ đô và cả nước, Quận ủy Ba Đình đang tích cực triển khai công tác chuẩn bị bầu cử. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy, Chủ tịch HĐND quận Nguyễn Công Thành cho biết, quận sẽ tập trung làm tốt hơn công tác dự báo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trang trí, chuẩn bị cơ sở vật chất để bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra an toàn.

Còn theo Bí thư Chi bộ tổ dân phố số 20, phường Giang Biên (quận Long Biên) Nguyễn Văn Khúc, chi bộ sẽ bám sát nhiệm vụ và tiến độ công việc để lãnh đạo công tác bầu cử trên địa bàn, trọng tâm là nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân; tuyên truyền, vận động cử tri thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình.

Tinh thần trách nhiệm, quyết tâm chính trị từ Thành ủy đang được lan tỏa xuống cấp ủy các cấp thành phố. Đây là cơ sở để tin tưởng ngày bầu cử 23-5 sẽ diễn ra tưng bừng và thành công trọn vẹn.

Thành phố Hà Nội có 10 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội, 30 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND thành phố, 269 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND quận, huyện, thị xã, 3.056 đơn vị bầu cử HĐND xã, thị trấn và 4.831 tổ bầu cử. Dự kiến, toàn thành phố có trên 5,8 triệu cử tri tham gia bầu cử.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác lãnh đạo tổ chức cuộc bầu cử tại thành phố Hà Nội: Chủ động, toàn diện, hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.