(HNM) - Đến nay, hộ nghèo trên địa bàn TP Hà Nội giảm còn 1,17%. So với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn dưới 1,2% vào cuối năm 2020, công tác giảm nghèo của TP Hà Nội đã về đích trước 2 năm.
Để đạt được kết quả này, thành phố đã triển khai linh hoạt, đồng bộ, sáng tạo nhiều giải pháp giảm nghèo bền vững, trong đó có hai giải pháp trọng tâm là hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và thực hiện tốt chính sách bảo trợ xã hội đối với nhóm người không có khả năng tự thoát nghèo.
Dạy nghề cho lao động trẻ theo chương trình xóa đói giảm nghèo ở xã Duyên Thái (huyện Thường Tín). Ảnh: Thái Hiền |
Cơ bản không còn hộ nghèo khó khăn về nhà ở
Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà mới, ông Hoàng Văn Luyến, thôn Đồng Lệ, xã Hợp Đồng (huyện Chương Mỹ) cho biết, ngôi nhà rộng 80m2, khang trang, sạch sẽ được xây dựng với tổng kinh phí hơn 300 triệu đồng là mơ ước của gia đình nhiều năm qua. Ông Luyến cho biết, nếu không nhận được sự hỗ trợ đến 90% kinh phí để xây dựng nhà từ các cơ quan, đơn vị và người thân, mơ ước đó của gia đình ông sẽ khó thành hiện thực. Cũng ở huyện Chương Mỹ, gia đình bà Trần Thị Điền, xóm Tròn (xã Tốt Động) đã chuyển lên nhà mới. Nhiều năm qua, các thành viên trong gia đình bà phải sống chật chội trong ngôi nhà xuống cấp. Nhờ được địa phương hỗ trợ kinh phí để xây dựng nhà đối với hộ nghèo nên gia đình bà có cơ hội cải thiện nơi ở...
Ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, hỗ trợ kinh phí cho hộ nghèo xây dựng, sửa chữa nhà ở là giải pháp có ý nghĩa nhân văn, mang tính chất đột phá của TP Hà Nội trong năm 2018, nhằm hiện thực hóa mục tiêu không để người nghèo bị bỏ lại phía sau. Trên tinh thần đó, UBND TP Hà Nội trích ngân sách hơn 108 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời huy động và phân bổ thêm hơn 26 tỷ đồng cho các huyện, thị xã có hộ nghèo gặp khó khăn về nhà ở để các địa phương đưa nguồn kinh phí hỗ trợ đến người nghèo. Ngoài nguồn hỗ trợ của UBND thành phố, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ thành phố, các địa phương, tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm hỗ trợ, ủng hộ thêm hàng trăm tỷ đồng giúp đỡ người nghèo. Từ nguồn kinh phí hơn 423 tỷ đồng, toàn thành phố đã hỗ trợ 4.166 hộ nghèo cải thiện nhà ở trong năm 2018, tăng 120 nhà so với kế hoạch. Với kết quả này, hiện nay, TP Hà Nội cơ bản không còn hộ nghèo gặp khó khăn về nơi ăn chốn ở.
Tạo “giá đỡ” vững chắc cho người yếu thế
Trong công tác giảm nghèo, nhóm người nghèo do tàn tật, già cả neo đơn… rất khó tự thoát nghèo, nên đối tượng này cần được hỗ trợ bằng các giải pháp bảo trợ, tạo “giá đỡ” vững chắc để họ có cơ hội vươn lên. Là địa phương có đối tượng bảo trợ xã hội nhiều nhất cả nước với gần 190.000 người, trong đó có hơn 18.000 người thuộc hộ nghèo, ngoài các chế độ, chính sách theo quy định, TP Hà Nội có thêm một số chính sách đặc thù dành cho nhóm người không có khả năng tự thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Ngô Văn Quý thăm, tặng quà gia đình bà Nguyễn Thị Dương (thôn Lỗ Giao, xã Việt Hùng, huyện Đông Anh) là đối tượng được hỗ trợ nhà ở trong năm 2018. |
Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong những năm gần đây, thành phố trợ cấp thường xuyên 350.000 đồng/người/tháng cho 5.000 người già yếu không có khả năng tự phục vụ, người mắc bệnh hiểm nghèo không có khả năng lao động thuộc hộ nghèo. Người thuộc hộ nghèo qua đời được hỗ trợ chi phí hỏa táng, vận chuyển, phí quản lý lưu giữ bình tro... lên tới gần 10 triệu đồng. Dịp Tết Nguyên đán hằng năm, thành phố dành khoảng 100 tỷ đồng đi thăm hỏi, tặng quà cho hộ nghèo, người cao tuổi và các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, các quận, huyện, thị xã cũng áp dụng những chính sách đặc thù hỗ trợ người nghèo có hoàn cảnh đặc biệt. Cụ thể như các quận Ba Đình, Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, huyện Đan Phượng… đã vận động doanh nghiệp nhận đỡ đầu học sinh nghèo, hỗ trợ tiền ăn bán trú, quần áo, sách vở cho học sinh nghèo; tặng sổ tiết kiệm cho hộ nghèo cô đơn... “Ngoài tiền trợ cấp hằng tháng, tôi thường xuyên được nhận quà từ các cơ quan, các nhà hảo tâm. Sự quan tâm đó giúp cuộc sống của những người già, cô đơn như tôi bớt khó khăn”, cụ Trần Sỳ Sần, sống cùng gia đình em trai tại số nhà 51, phố Hàng Chiếu, quận Hoàn Kiếm chia sẻ.
Đáng chú ý, Hội Liên hiệp phụ nữ ở các phường thuộc quận Tây Hồ đã triển khai mô hình “tổ tương trợ” theo hình thức cứ 3 hộ có kinh tế khá, giàu giúp đỡ một hộ nghèo; phường không còn hộ nghèo thì giúp đỡ phường còn hộ nghèo. Với cách làm này, hiện nay, quận Tây Hồ không còn hộ nghèo.
Nhờ các chính sách đặc thù mà đời sống của người nghèo đã tốt đẹp hơn. Toàn thành phố không có ai bị bỏ lại phía sau, không có trường hợp nào đứng ngoài chính sách hay “lọt lưới” an sinh xã hội..., góp phần đưa Hà Nội trở thành điểm sáng của cả nước trong công tác giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội.
Sau quá trình rà soát, đánh giá hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn TP Hà Nội tại 100% xã, phường, thị trấn, các địa phương ghi nhận 11.500 hộ thoát nghèo trong năm 2018, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm từ 1,69% vào cuối năm 2017 xuống còn 1,17% vào cuối năm 2018. Nếu không tính hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo ở Hà Nội chỉ còn 0,6%. Đáng chú ý, Hà Nội có 16/30 quận, huyện, thị xã còn tỷ lệ hộ nghèo dưới 1%, trong đó 4 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Tây Hồ và Thanh Xuân không còn hộ nghèo. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.