(HNMO) - Sáng 30-12, Báo điện tử Dân trí phối hợp với Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo “Công tác xã hội với người nghèo”, nhằm khuyến nghị và đề xuất các giải pháp hoàn thiện mô hình, nhiệm vụ về công tác giảm nghèo, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về công tác xã hội với người nghèo, tăng cường năng lực đội ngũ những người làm công tác xã hội với người nghèo, thúc đẩy công tác truyền thông.
Hội thảo có sự tham gia của hơn 200 đại biểu là đại diện Ủy ban Xã hội của Quốc hội; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Tư pháp; Ngân hàng Chính sách xã hội; các đơn vị thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố.
Phát biểu tại hội thảo, Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội Tô Đức khẳng định: Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm chăm lo đối tượng yếu thế, đặc biệt là người nghèo gắn liền với mục tiêu phát triển công tác xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện chủ trương trên, với sự nỗ lực của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan đã mang lại những kết quả khả quan.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, còn những tồn tại xuất phát từ nhận thức, cơ chế, chính sách, nguồn lực, khâu triển khai thực hiện, công tác truyền thông, dẫn tới kết quả giảm nghèo chưa tương xứng với kỳ vọng. Trong bối cảnh đó, Ban tổ chức kỳ vọng những đóng góp, ý kiến của các chuyên gia thông qua hội thảo sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, ngành và cộng đồng về công tác xã hội với người nghèo, qua đó, phòng ngừa, giảm thiểu, hạn chế tình trạng người dân rơi vào tình trạng nghèo đói, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo bền vững, giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu thuộc các bộ, ban, ngành, tổ chức quốc tế, các diễn giả, nhà khoa học uy tín… đã cùng lắng nghe, thảo luận, chia sẻ xung quanh chủ đề thực trạng và chính sách trong công tác xã hội với người nghèo; nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác xã hội với người nghèo, góp phần xóa nghèo bền vững, xây dựng nền an sinh xã hội tiên tiến. Trong đó, có những khuyến nghị về giải pháp truyền thông nâng cao nhận thức về công tác xã hội với người nghèo, nhằm hỗ trợ người nghèo tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội, cơ bản nâng cao chất lượng cuộc sống; nâng cao năng lực cho các cơ quan truyền thông tuyên truyền về hành lang pháp lý, về chính sách, pháp luật, công tác xã hội với người nghèo...
Cùng với đó, các đại biểu cũng nêu một số khuyến nghị như: (1) Phát triển kinh tế phải gắn với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, đặt con người là trung tâm của sự phát triển trong điều kiện mới; xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; (2) Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. (3) Đặt yêu cầu thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững là trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Chú trọng thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội kết nối vùng khó khăn với vùng phát triển, cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ở địa bàn khó khăn, phát triển các mô hình sản xuất phù hợp với người nghèo, giảm nghèo gắn với quốc phòng - an ninh; (4) Đổi mới phương thức quản lý nhà nước, thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực giảm nghèo, tạo ra sự kết nối cho phát triển…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.