Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Rõ trách nhiệm từng cấp, ngành

Việt Tuấn| 18/12/2018 07:04

(HNM) - Năm 2018, TP Hà Nội đã giải quyết hơn 85% vụ khiếu nại, tố cáo, cho thấy sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương.

Thường trực HĐND TP Hà Nội giám sát tình hình thực hiện kết quả kiến nghị của cử tri tại huyện Mỹ Đức.


Vẫn còn tồn đọng

Theo báo cáo của UBND thành phố, năm 2018, toàn thành phố đã thụ lý 4.899 vụ khiếu nại, tố cáo (3.242 vụ khiếu nại, 1.657 vụ tố cáo); đã giải quyết 4.168 vụ (2.727 khiếu nại, 1.440 tố cáo), đạt tỷ lệ 85,7%. Số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các quận, huyện, thị xã là 3.928 vụ, đã kết luận giải quyết được 3.373 vụ. Số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành là 179 vụ, đã giải quyết được 143 vụ. Số vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của thành phố là 422 vụ; đến nay đã kết luận giải quyết 327 vụ. Qua giải quyết, đã kiến nghị thu hồi 2,766 tỷ đồng và 3.617m2 đất; trả cho công dân 3,217 tỷ đồng, 2.440m2 đất; chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm 51 tập thể, 55 cá nhân để xảy ra sai phạm và chuyển cơ quan điều tra 4 vụ.

Kết quả này đã khẳng định sự nỗ lực của các cấp, các ngành trong toàn thành phố. Song, theo Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố, vẫn còn một số vụ việc khiếu nại, tố cáo giải quyết còn chậm, thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan có thẩm quyền, khiến người dân gửi đơn vượt cấp. Đặc biệt, việc tổ chức thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật, các kết luận, quyết định xử lý về tố cáo ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, thiếu kiên quyết. Từ đó, dẫn đến người khiếu nại, tố cáo bức xúc, tiếp tục gửi đơn hoặc tố cáo, làm giảm lòng tin của người dân vào bộ máy chính quyền. Cụ thể, năm 2018, tổng số quyết định giải quyết khiếu nại phải thực hiện là 285 quyết định, mới thực hiện được 172 quyết định (đạt 60,3%); tổng số thông báo kết luận nội dung tố cáo, văn bản xử lý tố cáo phải thực hiện là 327 văn bản, mới thực hiện được 165 văn bản (đạt 50,4%).

Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga cho biết, qua giám sát cho thấy, vẫn còn sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan. Đơn cử như vụ việc ông Hoàng Văn Hiểu (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm) khiếu nại kéo dài nhiều năm. Đến nay, quận Bắc Từ Liêm báo cáo đã xử lý hết thẩm quyền, nhưng Thanh tra thành phố khẳng định, vụ việc của ông Hoàng Văn Hiểu vẫn thuộc thẩm quyền của quận.

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Quốc Hùng, nguyên nhân khách quan tồn đọng các vụ khiếu nại, tố cáo là do tính chất phức tạp của các vụ việc. Trong đó, một số vụ việc kéo dài theo thời gian, cơ chế chính sách pháp luật có sự thay đổi, nên khó tổ chức thực hiện hoặc không có tính khả thi khi tổ chức thực hiện. Về chủ quan, một số quận, huyện chỉ đạo thực hiện các quyết định, kết luận thiếu quyết liệt, không phân công rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân nên việc giải quyết, tổ chức thực hiện các vụ việc còn chậm.

Cần quyết liệt hơn

Để nâng cao hiệu quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và các vụ việc phức tạp, trong tháng 12 năm 2018, UBND thành phố đã yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo, thông báo kết luận tố cáo tồn đọng. Trong đó, thành phố yêu cầu từng ngành, lĩnh vực chủ động xây dựng kế hoạch, có giải pháp cụ thể, đồng thời phân công, xác định rõ trách nhiệm đối với các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, UBND thành phố yêu cầu Thanh tra thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng chủ động tham mưu cho thành phố hướng giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chính sách giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, đô thị…

Cùng với các giải pháp nêu trên, các đại biểu HĐND thành phố cho rằng, ngoài sự phối hợp của các ngành, cần có thêm sự quyết liệt của quận, huyện, thị xã trong việc đôn đốc giải quyết; đề xuất với UBND thành phố biện pháp tháo gỡ vướng mắc. “UBND thành phố nên thành lập các tổ công tác, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong từng trường hợp, vụ việc cụ thể. Qua đó, mới tạo chuyển biến trong công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong thời gian tới”, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam đề xuất.

Theo đại biểu HĐND thành phố Phạm Đình Đoàn, đối với những vụ việc phức tạp, kéo dài, UBND thành phố nên có phương án linh hoạt, nếu việc thành lập tổ công tác vẫn chưa hiệu quả, có thể thành lập thêm hội đồng tư vấn để giải quyết dứt điểm. Bên cạnh đó, UBND thành phố cần tăng cường chỉ đạo bộ phận tiếp công dân, bố trí cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhiệm công tác tiếp công dân. Đối với các vụ việc phức tạp, các đồng chí lãnh đạo phải trực tiếp giải quyết, đối thoại với công dân, không để tình trạng khiếu kiện và tái khiếu kiện kéo dài.

Để tổng hợp, theo dõi việc xử lý các vụ việc khiếu nại, tố cáo, tránh trùng lắp, đại biểu HĐND thành phố kiến nghị, thời gian tới UBND thành phố cần xây dựng phần mềm quản lý đơn, thư thống nhất toàn thành phố, để kết nối, kịp thời giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo của công dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo: Rõ trách nhiệm từng cấp, ngành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.