Sáng 31-7, tại thành phố Hải Phòng, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ ngày 18-8-2014 của Ban Bí thư (Khóa XI) về việc “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương dự, chủ trì và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Tham dự và chủ trì hội nghị còn có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương Lại Xuân Môn; Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh; Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu. Đồng chí Đinh Thị Mai, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cùng dự và chủ trì hội nghị...
Nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết
Hội nghị đã đánh giá toàn diện, đúng thực tế, khách quan tình hình triển khai, thực hiện; những kết quả nổi bật, những khó khăn, hạn chế, bất cập, điểm nghẽn, bài học kinh nghiệm rút ra sau 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ; qua đó đề xuất phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dư luận xã hội trong thời gian tới.
Hội nghị khẳng định công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội đã có những chuyển biến tích cực và đạt được các kết quả khá toàn diện.
Cụ thể, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tiếp tục được nâng lên, xác định đây là nhiệm vụ thường xuyên và cần thiết của cả hệ thống chính trị, của mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Tổ chức bộ máy làm công tác dư luận xã hội được kiện toàn, đội ngũ cán bộ và cộng tác viên dư luận xã hội ở Trung ương và địa phương tiếp tục được củng cố, mở rộng, hoạt động có nhiều đổi mới, chất lượng, hiệu quả ngày càng được nâng lên.
Cùng với đó, số lượng, chất lượng các cuộc điều tra, thăm dò, các báo cáo nhanh dư luận xã hội ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Từ năm 2014 đến tháng 7-2024, Ban Tuyên giáo Trung ương đã tổ chức 100 cuộc điều tra và gửi báo cáo kết quả tới các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, xây dựng hàng trăm báo cáo nhanh (phản ánh hơn 600 vấn đề của xã hội) gửi các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Các địa phương, đơn vị đã tổ chức 1.093 cuộc điều tra, hơn 17.000 báo cáo gửi cấp ủy địa phương, đơn vị. Nội dung phản ánh những vấn đề, sự kiện có tính thời sự trong nước và thế giới, đặc biệt là các sự việc, sự kiện có tầm ảnh hưởng, liên quan đến lợi ích quốc gia, dân tộc, các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các vấn đề nóng, bức xúc, nổi cộm trong xã hội.
Công tác nắm bắt, phản ánh, định hướng dư luận xã hội đã đi vào nền nếp, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp có thêm thông tin đánh giá sát thực tình hình tâm trạng, tư tưởng của các tầng lớp nhân dân.
Công tác nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ dư luận xã hội được quan tâm, triển khai theo hướng coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, bám sát yêu cầu nhiệm vụ; cập nhật kiến thức, phương pháp mới về điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội cũng còn một số vấn đề cần được cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm.
Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng, công tác tuyên giáo nói chung, công tác nghiên cứu, nắm bắt, phân tích, dự báo và định hướng dư luận xã hội là khâu rất quan trọng trong quá trình lãnh đạo, quản lý và điều hành xã hội. Công tác nắm bắt dư luận luôn đi trước, góp phần đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước vào cuộc sống, tháo gỡ những vướng mắc về tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự điều hành quản lý của các cấp ủy Đảng, chính quyền.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò của công tác dư luận xã hội
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội thời gian qua. Đồng chí đề nghị cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; ngành Tuyên giáo; cán bộ và cộng tác viên dư luận xã hội các cấp cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra.
Trong đó, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị Viện Dư luận xã hội tiếp thu đầy đủ ý kiến quý báu, sâu sắc của các đại biểu tập trung hoàn thiện thật tốt đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận số 100-KL/TƯ. Trên cơ sở đó, tham mưu Bộ Chính trị ban hành chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dư luận xã hội.
Đối với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dư luận xã hội. Công tác dư luận xã hội phải bám sát nhiệm vụ chính trị quan trọng của đất nước, của địa phương và ngành, bám sát “hơi thở” của cuộc sống, tích cực tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cũng đề nghị các đơn vị liên quan tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội, bảo đảm khoa học, chính xác, khách quan, toàn diện và độ tin cậy cao. Đồng thời, quan tâm củng cố, nâng cấp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác dư luận xã hội và cộng tác viên dư luận xã hội các cấp.
Tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Viện Dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương.
Các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đã trao tặng Bằng khen cho 22 tập thể, 19 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong triển khai, thực hiện nhiệm vụ điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.