(HNM) - Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH, LĐLĐ TP Hà Nội đã đẩy mạnh phong trào thi đua
Hội thi thợ giỏi nghề cơ khí
Công nhân tham dự Hội thi thợ giỏi ngành cơ khí.
Trong hai ngày 11 và 12-6, tại Trường CĐ Nghề công nghiệp, Công đoàn ngành công thương Hà Nội đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Hội thi thợ giỏi nghề cơ khí. Như vậy, sau gián đoạn 13 năm, hội thi thợ giỏi nghề cơ khí của ngành công thương mới được tổ chức trở lại. Ông Nguyễn Minh Tuấn (45 tuổi, thợ bậc 6/7, Công ty Xuân Hòa), thí sinh môn hàn điện, tâm sự: Trong hoàn cảnh công nghệ, thiết bị liên tục thay đổi, được tham gia thi thợ giỏi là cơ hội quý báu để học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn, giao lưu với bạn nghề trong toàn TP. Đây là lần thứ 2 ông tham gia thi thợ giỏi. Lần đầu vào năm 1998, khi ấy ông là thợ bậc 4/7, đoạt giải Khuyến khích. Biết khắc phục, vượt qua khó khăn, thách thức trước mắt, không quản ngày đêm vất vả để lao động, học tập, tạo ra những sản phẩm chất lượng cao, ông hy vọng mình sẽ được đền đáp, công nhận trong dịp hội thi thợ giỏi. Sau rất nhiều công phu luyện tập, học hỏi, ông tin chắc mình sẽ lọt vào top 5 trong cuộc thi, được nâng bậc trước thời hạn.
Chủ tịch Công đoàn ngành công thương Hà Nội Vũ Nguyên cho biết: Trong quá trình đổi mới, thiết bị, công nghệ thay đổi nhiều, người công nhân phải cập nhật trình độ mới theo được nghề, số lượng công nhân theo nghề ít dần. Cuộc thi này thể hiện sự cố gắng của rất nhiều đơn vị phối hợp tổ chức, nhất là Trường CĐ Nghề công nghiệp, các doanh nghiệp vượt khó gửi thí sinh dự thi. Để khuyến khích CNLĐ tích cực học tập nâng cao nhận thức chính trị và trình độ chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, hiểu biết pháp luật, đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước, cuộc thi có hai phần: lý thuyết và thực hành, trong đó điểm thực hành được nhân đôi. Kết thúc cuộc thi, nếu thí sinh có tay nghề tốt, đạt điểm cao, Ban tổ chức sẵn sàng làm các thủ tục nâng vượt bậc thợ cho người lao động, tuy chế độ thưởng chưa cao (giải đặc biệt 2 triệu đồng, giải nhất 1 triệu đồng…), nhưng để thiết thực khuyến khích CNLĐ tích cực nâng cao tay nghề, các doanh nghiệp sẵn sàng thưởng tới vài chục triệu đồng cho công nhân, lao động đoạt giải đặc biệt, giải nhất trong hội thi. Trên cơ sở kết quả cuộc thi, hội đồng xét duyệt thi đua sẽ quyết định công nhận lao động giỏi cấp cơ sở.
Huy động sức sáng tạo của người lao động
Để động viên khích lệ hàng nghìn CNLĐ đang trực tiếp lao động sản xuất tại các đơn vị cơ sở hăng hái thi đua, phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi", ngay từ đầu năm, các cấp công đoàn toàn TP đã xây dựng và triển khai kế hoạch thi đua, tổ chức đăng ký danh hiệu "Công nhân giỏi Thủ đô" và "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô" năm 2011. Phong trào đã được đảng ủy, lãnh đạo chuyên môn ủng hộ, CNLĐ các đơn vị cơ sở nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều đơn vị đã sáng tạo tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, giúp công nhân khẳng định vị trí của mình. Hội thi tay nghề xây trát, hoàn thiện nội thất công trình ở Tổng công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng đô thị, Tổng công ty Đầu tư và phát triển nhà Hà Nội thu hút hàng ngàn lao động tham gia. Hội thi nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, lái xe an toàn ở Tổng công ty Vận tải Hà Nội, hội thi chế biến thực phẩm giỏi ở Tổng công ty Thương mại Hà Nội… được hàng trăm công nhân tích cực hưởng ứng. Các đơn vị đã kết hợp chặt chẽ giữa tổ chức hội thi thợ giỏi với xét chọn công nhân giỏi, tổ chức tuyên dương công nhân giỏi. Qua các cuộc thi, Ban chấp hành công đoàn cơ sở tham mưu cho giám đốc doanh nghiệp chủ động tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định, tạo cơ sở vật chất, hỗ trợ khen thưởng động viên công nhân giỏi kịp thời. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đưa tiêu chí công nhân giỏi vào quy chế xét nâng bậc lương trước thời hạn cho người thợ đạt thành tích cao. Nhờ vậy, đến nay toàn TP có 37.455 công nhân giỏi cấp cơ sở, 2.231 công nhân giỏi cấp trên cơ sở. Họ là những hạt nhân tiêu biểu, những tấm gương sáng trong lao động sản xuất, đồng thời là những tuyên truyền viên tích cực, nhân tố điển hình có sức lan tỏa, động viên khích lệ hàng nghìn CNLĐ đang trực tiếp lao động sản xuất tại các đơn vị cơ sở hăng hái thi đua, phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.