(HNM) - Cũng như nhiều ngành công nghiệp văn hóa khác, xuất bản, in và phát hành sách vừa có vai trò lưu giữ, truyền bá các giá trị văn hóa, tri thức, vừa là ngành kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước. Trải qua 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Xuất bản, In và Phát hành sách của Việt Nam đang có bước chuyển mình mạnh mẽ, tạo đột phá để trở thành ngành công nghiệp xuất bản xứng tầm, góp phần chấn hưng văn hóa đọc Việt Nam.
“Chìa khóa” chuyển đổi số
Xuất bản Việt Nam đã có sự chuyển mình mạnh mẽ từ khi thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TƯ ngày 25-8-2004 của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản”, với việc thực hiện nhiệm vụ “kép”: Vừa là ngành tư tưởng, văn hóa, vừa là ngành kinh tế.
Theo số liệu của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính riêng năm 2021, toàn ngành Xuất bản đạt hơn 40.000 đầu xuất bản phẩm (trong đó có hơn 32.000 đầu sách), hơn 460 triệu bản xuất bản phẩm (trong đó có 390 triệu bản sách), tăng hơn 1,5 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu lĩnh vực xuất bản đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 1,4 lần so với năm 2002.
Tuy nhiên, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật Phạm Minh Tuấn cho rằng, hoạt động xuất bản chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của công cuộc đổi mới. Tỷ lệ xuất bản phẩm bình quân đầu người còn thấp, cơ cấu sách chưa hợp lý; chưa có nhiều cuốn sách có giá trị cao, có sức lan tỏa mạnh trong xã hội. Công nghiệp xuất bản với tư cách là một bộ phận của ngành công nghiệp văn hóa chưa phát triển đúng tầm; tiềm lực của các nhà xuất bản còn hạn chế. Phương thức xuất bản còn nhiều bất cập, việc ứng dụng công nghệ thông tin và đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ…
Thực tế, hơn hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động xuất bản, đặc biệt thị trường phát hành sách truyền thống gặp nhiều khó khăn. Các đơn vị phát hành sách lớn, các đơn vị liên kết xuất bản doanh thu giảm khoảng 30-40%. Song, dịch Covid-19 cũng thúc đẩy thị trường sách trực tuyến tăng trưởng đột biến. Về xuất bản điện tử, năm 2020 có 2.000 xuất bản phẩm, năm 2021 là 2.300 xuất bản phẩm và 6 tháng đầu năm 2022 là 1.142 xuất bản phẩm...
3 đơn vị phát hành sách nói: Công ty cổ phần Sách điện tử Waka, Công ty cổ phần Fonos, Công ty TNHH WeWe với ứng dụng sách nói VoizFM đã có hàng trăm nghìn tài khoản sử dụng thường xuyên với tổng lượt truy cập năm 2021 lên đến hơn 20 triệu lượt. Doanh thu của Công ty cổ phần Sách điện tử Waka tăng 20-30%/năm. Các đơn vị đẩy mạnh kênh phân phối trực tuyến đều có doanh thu tăng từ 30%/năm trở lên...
Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam Nguyễn Nguyên khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là “chìa khóa” để xuất bản Việt Nam phát triển thành ngành công nghiệp xứng tầm. Sự chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong quy trình xuất bản, đẩy mạnh hoạt động phát hành trên các nền tảng thương mại điện tử, phát hành xuất bản phẩm điện tử, sách nói… của các đơn vị thời gian qua, đã tạo nên một thị trường xuất bản mở, giúp đa dạng hóa các loại hình xuất bản phẩm; đồng thời tạo bước tiến cho ngành Xuất bản, In và Phát hành.
Bước chuyển đa chiều
Mục tiêu của ngành Xuất bản, In và Phát hành trong giai đoạn mới là thực sự trở thành một bộ phận quan trọng, tạo đột phá cho ngành công nghiệp văn hóa, với việc duy trì tăng trưởng doanh thu hằng năm đạt 4,5-5%; tăng số lượng sách xuất bản/người/năm đạt 5-5,5 bản và đưa tỷ lệ xuất bản phẩm điện tử đạt 15% vào năm 2025; đưa Việt Nam vào nhóm 3 nước có nền xuất bản phát triển hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á... Muốn vậy, hoạt động xuất bản phải có sự chuyển mình đa chiều.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Sách Alpha Nguyễn Cảnh Bình cho rằng, từng đơn vị xuất bản - nhân tố quan trọng trong công nghiệp xuất bản, tự vạch hướng phát triển cho giai đoạn 10-15 năm. Cụ thể, Công ty cổ phần Sách Alpha ngoài thương hiệu Alpha Books, còn phát triển thương hiệu Omega Plus. Đặc biệt, đơn vị đang phát triển các thương hiệu mới ETS, Gamma, MedInsight với dòng sách khoa học, công nghệ, giáo dục, y học… đáp ứng nhu cầu đang tăng cao. Ông Nguyễn Cảnh Bình cũng đề xuất hình thành liên minh hoặc tập đoàn xuất bản như nhiều quốc gia phát triển trên thế giới; gắn ngành Xuất bản, In và Phát hành với sự phát triển của các ngành khác để phát triển xuất bản…
Theo Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Giám đốc Công ty TNHH Lê Hoàng, hoạt động đường sách, phố sách không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển, lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng, mà còn kích thích mọi người tiêu thụ sách và những sản phẩm liên quan đến sách. Trong 6 năm, đường sách thành phố Hồ Chí Minh đã đón khoảng 14 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt 226 tỷ đồng, với hơn 4,2 triệu cuốn sách bán ra, 61.000 tựa sách mới và tổ chức gần 1.500 sựkiện. Những mô hình như vậy cần được nhân rộng tại nhiều địa điểm, địa phương với quy mô khác nhau.
Để công nghiệp xuất bản phát triển, về phía cơ quan quản lý, theo Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên, phải hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách cho ngành; đẩy mạnh liên kết giữa nhà xuất bản với cơ sở phát hành xuất bản phẩm mạnh, hình thành chuỗi liên kết đủ năng lực dẫn dắt thị trường; thí điểm xây dựng nhà xuất bản số; phát triển một số sàn thương mại sách trực tuyến; hỗ trợ đào tạo đội ngũ nhân lực đáp ứng yêu cầu xuất bản hiện đại…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.