(HNM) - Hồ Hoàn Kiếm là một địa chỉ văn hóa đặc biệt quan trọng của Thủ đô. Ứng dụng thành công “Công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm” của Tiến sĩ, Anh hùng Lao động Hoàng Đức Thảo đã góp phần giúp phát huy giá trị văn hóa, lịch sử, mang lại hiệu quả về kỹ thuật, kinh tế - xã hội cho người dân Thủ đô cũng như du khách đến với Hà Nội.
Hơn 10 năm đi tìm giải pháp tối ưu
Công trình thi công kè hồ Hoàn Kiếm thuộc Dự án xây dựng, cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm. Đây là công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư từ năm 2007. Thế nhưng, đến đầu năm 2020, dự án vẫn chưa chọn được nhà thầu thi công. Nhiều đoạn của bờ kè hồ Hoàn Kiếm đã bị sụt lún, mất chân kè; đường dạo xung quanh hồ xuống cấp nghiêm trọng...
Nguyên nhân của sự chậm trễ này là do hạng mục kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm thuộc loại công trình nhóm A cấp Quốc gia đặc biệt, ngoài việc phải tuân thủ theo các luật đầu tư và xây dựng, còn phải thực hiện nghiêm ngặt theo Luật Di sản văn hóa. Việc UBND quận Hoàn Kiếm (chủ đầu tư) đề ra nhiều tiêu chí và yêu cầu khắt khe, khiến các doanh nghiệp không đáp ứng được.
Trước khó khăn đó, Công ty cổ phần Khoa học - Công nghệ Việt Nam (BUSADCO) đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ và đề xuất “Công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm” với chất lượng tốt nhất cả về kỹ thuật, mỹ thuật, văn hóa tâm linh, bảo vệ môi trường. Công nghệ của BUSADCO đã được sự đồng thuận của hầu hết các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các cơ quan quản lý dự án.
Tổng Giám đốc BUSADCO Hoàng Đức Thảo cho biết, giữa lúc đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, tháng 6-2020, BUSADCO đã xuất quân với mục tiêu hoàn thành công trình với chất lượng cao nhất, mỹ thuật hoàn hảo nhất trước ngày Quốc khánh 2-9-2020 và dự án đã về đích trước 2 tháng. Sau khi hoàn thành, các kết quả kiểm định cho thấy, đã đáp ứng tất cả các mục tiêu của dự án đề ra. “Sau 2 năm hoàn thành, rêu phong đã phủ lên kè đồng nhất với các di tích lịch sử, công trình ổn định, bền vững, mỹ quan”, ông Hoàng Đức Thảo chia sẻ.
Công trình “Công nghệ, giải pháp kỹ thuật, biện pháp thi công kè bảo vệ bờ hồ Hoàn Kiếm” của tác giả Hoàng Đức Thảo ngày 27-10 mới đây đã được trao giải Nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam (VIFOTEC) 2021 và Huy chương vàng của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO).
Trí tuệ, chất xám của người Việt
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo nhân dân Đặng Thị Kim Chi, giám khảo của Giải thưởng VIFOTEC 2021 cho biết, công trình mang tính sáng tạo vượt trội. BUSADCO đã xây mới kè xung quanh hồ Hoàn Kiếm bằng những cấu kiện bê tông cốt phi kim (không dùng thép) đúc sẵn thành bản mỏng, khối hộp, ruột rỗng, khớp nối âm dương, đa dạng về bố cục, đường nét, kiểu dáng… kích thước ăn khớp với bờ hiện hữu, nên giữ nguyên trạng các đường cong lồi, lõm tự nhiên xung quanh hồ. Bề mặt sần sùi, thô nhám, tạo màu sắc cổ kính, phù hợp với quần thể cảnh quan xung quanh hồ. Đặc biệt, kết cấu của công trình không dùng móng, cấu kiện được nén ép vào đất nền và liên kết trực tiếp với đất nền.
Bên cạnh đó, BUSADCO cũng đã sáng tạo phương pháp thi công sử dụng công nghệ rung ép cấu kiện không dùng tường vây, đê bao; không thay đổi mực nước hồ, nhờ đó không làm thay đổi hệ thủy sinh trong hồ; không phá vỡ nền đất nguyên thổ dưới vỉa hè xung quanh hồ, bảo đảm giữ nguyên hiện trạng nền tự nhiên đáy hồ do không phải đào bới đất nguyên thổ trong quá trình lắp kè; bảo tồn được những cây di sản xung quanh hồ cũng như giữ gìn môi trường, sinh thái trong và xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm… Đặc biệt, công nghệ mới bền vững, đáp ứng quy chuẩn quốc gia công trình bậc 1 có tuổi thọ hơn 100 năm, nên hằng năm không phải duy tu, sửa chữa, tiết kiệm cho ngân sách nhà nước hàng chục tỷ đồng.
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Thảo, Phó Chủ tịch Thường trực Quỹ Hỗ trợ sáng tạo kỹ thuật Việt Nam, công trình của tác giả Hoàng Đức Thảo được đánh giá cao về tính sáng tạo, tính mới, góp phần phát triển công nghệ trong nước, hiệu quả kinh tế - xã hội và khả năng ứng dụng rộng rãi trong điều kiện của nước ta.
Không dùng tiền Nhà nước để nghiên cứu; không mua, không mượn công nghệ của nước ngoài, Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo đã tự mày mò nghiên cứu, tạo ra công nghệ mang đậm trí tuệ Việt. Tiến sĩ Hoàng Đức Thảo được mệnh danh là “Vua sáng chế” với 102 bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích và quyết định; 223 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp và quyết định; 4 kỷ lục quốc gia; 17 giải thưởng quốc tế về sáng tạo khoa học, công nghệ từ chính quá trình nghiên cứu, thực hành và thực chứng kết quả trong thực tiễn để phục vụ lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Hiện tại, công nghệ kè hồ của ông đã được đề xuất để xây dựng kè bờ hồ Trúc Bạch (đã thử nghiệm 5m) và hồ Đống Đa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.