(HNM) - Các dụng cụ nấu nướng như nồi, chảo ngày nay thường được phủ một lớp chống dính. Những chất liệu chống dính phổ biến gồm:
Teflon: Là tên thương hiệu của một hóa chất hữu cơ chứa fluor, có tính chất chịu nhiệt và không kết dính. Có nhận định cho rằng, sử dụng lớp chống dính teflon không tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, tuy nhiên quy trình sản xuất teflon đã loại bỏ chất PFOA (chất nhũ hóa độc hại), đồng thời teflon chỉ phân hủy và tạo khói độc khi đun nóng nồi, chảo quá 320 độ C. Nhiệt độ nấu ăn thông thường dao động trong khoảng 130-190 độ C.
Ceramic: Ceramic nghĩa là gốm, tuy nhiên đây không phải là đất nung mà là kim loại với lớp phủ hoàn thiện là một lớp chống dính làm từ khoáng chất vô cơ. Do tính chất vô cơ của nó, nồi, chảo ceramic có thể chịu nhiệt lên tới 450 độ C.
Đá hoa cương: Chảo đá hoa cương thường được làm bằng hợp kim nhôm đúc, với nhiều lớp sơn lót như một chất kết dính các lớp lại với nhau, bề mặt phủ thêm lớp sơn chịu nhiệt, bột đá hoa cương, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa các lớp sơn và bề mặt sơn, giúp chảo chịu được va đập, khó bong tróc, trầy xước.
Khi sử dụng nồi, chảo có chất chống dính, cần lưu ý: Luôn dùng dụng cụ nấu ăn bằng nhựa hay bằng gỗ, không bao giờ cắt thực phẩm trong chảo để tránh tổn hại lớp chống dính. Không để nồi, chảo quá nóng trên bếp mà không có nguyên liệu bên trong; Không rửa chảo ngay ở nhiệt độ cao, nên chờ đến khi nguội mới rửa, tránh hiện tượng sốc nhiệt gây bong tróc lớp chống dính. Không đổ trực tiếp mắm, muối vào nồi, chảo đang nóng, vì sẽ khiến chảo dễ cháy, gây hư hại cho lớp chống dính. Nên rửa chảo bằng vật liệu mềm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.