(HNM) - Từ trước đến nay, công nghệ cải tạo mặt đường đơn giản chỉ là phủ thêm một lớp nhựa bê tông mới trên nền đường cũ. Cách làm này khiến đường nhanh hỏng và phá vỡ quy hoạch về cốt nền tại đô thị.
Thi công thí điểm trên tuyến đường từ Hòa Lạc đi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. |
Hiện nhiều tuyến đường chính tại Hà Nội như trục đường Nguyễn Thái Học - Kim Mã - Ngọc Khánh - Cầu Giấy; Tôn Đức Thắng - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi; Nguyễn Văn Cừ - Ngô Gia Tự... và nhiều tuyến phố như Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Hàng Bài, Tràng Thi, Phố Huế..., cao độ mặt đường trên nhiều đoạn đã bằng hoặc cao hơn vỉa hè, cửa nhà dân sống hai bên; gây khó khăn cho đời sống dân sinh và phá vỡ cảnh quan đô thị.
Thực tế, quá trình bảo trì và nâng cấp mặt đường đô thị ở Việt Nam trong nhiều năm qua cho thấy, giải pháp truyền thống chỉ là phủ trực tiếp lên một hoặc hai lớp bê tông nhựa mới mà không đi kèm biện pháp xử lý gì đặc biệt. Vài năm lại phủ một lớp bê tông mới dày từ 3 đến 5cm, nên sau khoảng 15-20 năm mặt đường cao đến tận... cửa nhà dân. Cách làm này được nhiều nhà thầu tại Việt Nam ưa chuộng vì dễ làm và rẻ, song hiệu quả kinh tế - kỹ thuật lại thấp, bởi chỉ sau 3-5 năm khai thác, các vết nứt từ mặt đường cũ sẽ phát triển, từ đó gây hư hỏng, làm xuống cấp nhanh chóng mặt đường mới sửa. Tình trạng này có thể làm giảm tới 40-50% hiệu quả đầu tư.
Tại quyết định số 6510/QĐ-UBND ngày 25-11-2016 của UBND thành phố, đề tài Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ trong công tác bảo trì, nâng cấp mặt đường phù hợp với điều kiện của Hà Nội được giao cho Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội là cơ quan chủ quản, Hội Cầu đường Hà Nội là đơn vị chủ trì thực hiện. Thời gian thực hiện nghiên cứu đề tài đến ngày 30-6-2018. Sáng 29-11-2017, trên đoạn từ Km 6+350 đến Km 6+450 dài 100m, rộng 7m, tuyến đường từ Hòa Lạc tới Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây), đơn vị thực hiện đã thi công thí điểm công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ với sự chứng kiến của các cơ quan hữu quan.
Công nghệ này được mô tả ngắn gọn là cào bóc toàn bộ chiều sâu của lớp bê tông nhựa mặt đường cũ đã hư hỏng với một phần của lớp móng đá dăm nằm phía dưới, tạo ra một lớp vật liệu đá nhựa mới đồng nhất, có chiều dày tối đa tới 30cm. Đồng thời với quá trình cào bóc là quá trình phay, tưới ẩm và tưới chất kết dính, sau đó trộn đều để tạo thành một hỗn hợp tái chế có thành phần và tính chất đồng nhất. Lớp tái chế sẽ tạo ra một lớp vật liệu liền khối, vừa tăng cường khả năng chịu lực, vừa nâng cao mức độ ổn định chống biến dạng cho mặt đường, nhất là đường trong đô thị có mật độ cao và tốc độ xe di chuyển chậm. Hội Cầu đường Hà Nội là đơn vị chủ trì thiết kế; Công ty Vietraco chịu trách nhiệm thi công và Công ty CP Tư vấn Thành Tân An phối hợp với Trường Đại học Công nghệ GT-VT kiểm tra và đánh giá chất lượng thi công. Buổi thi công thí điểm đã được đánh giá là thành công.
Trao đổi với phóng viên Hànộimới, ông Trần Danh Lợi, Chủ tịch Hội Cầu đường Hà Nội cho biết, các ưu điểm chính của công nghệ này là: Sử dụng vật liệu phế thải tại chỗ, tiết kiệm được nguồn vật liệu tự nhiên; Tiết kiệm năng lượng, giảm công chuyên chở, giảm xăng và khói, bụi; Có thể kiểm soát được các vết nứt từ dưới lên; Hạn chế và khắc phục được tình trạng tôn cao mặt đường, bảo vệ duy trì được gạch bó vỉa và các công trình thoát nước; Góp phần làm giảm giá thành duy tu, bảo dưỡng mặt đường. Công nghệ này đã được áp dụng thí điểm tại một số địa phương trên cả nước và lần đầu tiên thí điểm tại Hà Nội.
Việc ứng dụng công nghệ cào bóc tái chế nguội tại chỗ đã chính thức mở ra kỷ nguyên mới về sửa chữa, cải tạo mặt đường cũ bằng công nghệ hiện đại và tiên tiến, vừa bảo đảm chất lượng vừa thân thiện với môi trường. Công nghệ này hiện đã được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới, đi đầu là Đức, Pháp và Anh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.