(HNM) - Sáng 25-3, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội đã tổ chức phiên họp giải trình về kết quả thực hiện thông báo kết luận chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp HĐND thành phố khóa XV về công tác quản lý trật tự xây dựng. Không khí chung của phiên họp giải trình là công khai, thẳng thắn và rõ trách nhiệm.
Tham dự có các đồng chí: Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; Nguyễn Thị Bích Ngọc, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Đào Đức Toàn, Phó Bí thư Thành ủy; Nguyễn Thị Lan Hương, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành của thành phố; Chủ tịch HĐND, UBND, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng các quận, huyện, thị xã và một số chủ tịch UBND xã, phường có liên quan.
Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc phát biểu kết thúc phiên họp giải trình của Thường trực HĐND thành phố Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
“Điểm mặt” nhiều sai phạm
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị luôn là vấn đề nóng. Nhiều vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, đất rừng tồn tại nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Một số vi phạm mới tuy đã được phát hiện nhưng chưa được xử lý kịp thời. Thông qua phiên họp giải trình, sẽ làm rõ những tồn tại trong tổ chức triển khai thực hiện các quy định của pháp luật liên quan, từ đó xác định rõ nguyên nhân và trách nhiệm của từng cấp, ngành để đưa ra giải pháp, biện pháp cần thiết nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.
Theo báo cáo bằng hình ảnh tại phiên họp giải trình, số công trình vi phạm trước năm 2018 còn tồn đọng chưa xử lý là 80 trường hợp. Tiêu biểu như, căn biệt thự xây trên đất nông nghiệp tại thôn Yên Nội, xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai xây dựng không phép năm 2016, nhưng đến nay vẫn tồn tại.
Tương tự, tình hình xây nhà trên đất nông nghiệp tại ngõ 207 và 271 phố Bùi Xương Trạch, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân không những chưa được giải quyết triệt để mà còn xảy ra vi phạm mới. Đặc biệt, tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, vi phạm trật tự xây dựng trên đất công để làm nhà xưởng, nhà hàng, bãi trông giữ phương tiện giao thông cạnh đường Nhật Tân - Nội Bài... diễn ra khá phổ biến.
Đối với đất nông nghiệp cũng đã có nhiều vi phạm ở cả nội thành và ngoại thành. Điển hình là tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm có tình trạng xây nhà trái phép; nhà số 225 phố Nguyễn Xiển thuộc phường Hạ Đình, không có trong báo cáo của quận Thanh Xuân gửi lên thành phố; công trình nhà 6 tầng tại số nhà 11A, ngõ 329, phố Cầu Giấy, phường Dịch Vọng; tại tổ 36, cụm 5, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ xuất hiện một số ngôi nhà xây dựng kiên cố; nhà hàng Tre Vàng thuộc xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn…
Đặt câu hỏi về những vi phạm còn tồn đọng, các đại biểu HĐND thành phố chất vấn chủ tịch UBND các xã, phường, quận, huyện về nguyên nhân chậm xử lý, giải pháp, lộ trình khắc phục. Đặc biệt, đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ Thạch Thất) đề nghị quận Ba Đình nêu rõ về vi phạm tại mương Phan Kế Bính và chất vấn khi nào sẽ trả lại nguyên trạng để xây dựng bãi trông xe theo nghị quyết của HĐND thành phố.
Trả lời đại biểu, ông Đinh Quang Thắng - Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng quận Ba Đình thừa nhận, hiện còn 2 công trình sai phạm từ năm 2011 với vi phạm cơi nới thêm phần mái tôn và sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng toàn bộ kênh mương trong thời gian tới.
Giải trình về công trình nhà ở sai phép, xây không đúng về số tầng, kiến trúc tại ngõ 61, phố Bằng Liệt (phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai), Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Trần Huy Hoàng nhận trách nhiệm chưa sâu sát tình hình, khẳng định sẽ đôn đốc sát sao để người dân hoàn thành tháo dỡ trong 35 ngày…
Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng) Nguyễn Thị Cúc giải trình về trường hợp vi phạm tại số 107 phố Thanh Nhàn tồn tại từ năm 2015 đến nay, nhưng vẫn chưa xử lý xong. Không đồng tình với cách giải trình của Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Lôi, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc yêu cầu Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng giải trình, chỉ đạo để xử lý dứt điểm công trình vi phạm.
Tại phiên họp giải trình, bên cạnh yêu cầu chủ tịch UBND các xã, phường giải trình, chủ tọa kỳ họp còn yêu cầu chủ tịch UBND các quận: Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai giải trình thêm nguyên nhân các vụ vi phạm chưa giải quyết, đồng thời đưa ra lộ trình khắc phục.
Tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm sai phạm
Trả lời chất vấn của đại biểu về thanh tra công vụ khi để xảy ra những vi phạm trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng cho biết, nhiều năm qua, nhằm bảo đảm kỷ cương hành chính, UBND thành phố đã thành lập Đoàn thanh tra công vụ thanh tra thường xuyên và đột xuất, trong đó 45 vụ việc liên quan trực tiếp công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố.
Qua thanh tra, kiểm tra, Sở Nội vụ đã kỷ luật theo thẩm quyền 28 công chức thanh tra xây dựng; UBND thành phố xử lý kỷ luật theo thẩm quyền 41 cán bộ, công chức, viên chức (20 chủ tịch, 11 phó chủ tịch bị xử lý từ khiển trách đến cách chức). “Thời gian tới, Đoàn thanh tra công vụ của thành phố cũng sẽ tiếp tục tập trung thanh tra, kiểm tra công vụ với các vụ việc tồn tại được dư luận báo chí quan tâm và đại biểu HĐND thành phố chất vấn” - ông Trần Huy Sáng khẳng định.
Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục thừa nhận, trong năm 2018, do không đẩy nhanh tốc độ xử lý nên số lượng công trình vi phạm tồn đọng còn nhiều. Trước năm 2018, từ 413 công trình tồn đọng đã giảm xuống còn 80 công trình, nhưng năm 2018 không xử lý thêm được trường hợp nào. Các quận, huyện còn nhiều công trình tồn đọng là: Cầu Giấy, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Thạch Thất, Hoài Đức.
Lãnh đạo Sở Xây dựng cũng thừa nhận vẫn còn tình trạng báo cáo không chính xác và nhận một phần trách nhiệm về tình trạng này. Sở Xây dựng đã đề ra kế hoạch, trong tháng 4 sẽ phấn đấu giải quyết, đôn đốc, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong thẩm quyền và đề ra tiến độ xử lý đối với 80 trường hợp tồn đọng.
Liên quan đến xử lý trách nhiệm với cán bộ thuộc lĩnh vực này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Trọng Đông cho biết, Sở đã kiến nghị tạm dừng điều hành với 7 chủ tịch xã; 61 công chức địa chính ở 58 xã, phường, thị trấn. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiến nghị với UBND thành phố cần xử lý nghiêm đối với các trường hợp vi phạm xảy ra sau ngày 1-1-2014 (Năm 2014, Sở đã tham mưu cho Chủ tịch UBND thành phố ban hành Chỉ thị 04/CT-UBND về tăng cường công tác quản lý nhà nước trong sử dụng, quản lý đất nông nghiệp, đất công trên địa bàn thành phố cùng kế hoạch xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp, đất công).
Để làm rõ hơn những vấn đề các đại biểu HĐND thành phố quan tâm, tại phiên họp giải trình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung đã trao đổi thêm một số nội dung và khẳng định sẽ quyết tâm chỉ đạo, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giải quyết triệt để các vi phạm trật tự xây dựng còn tồn đọng, phát sinh như đại biểu HĐND nêu (nội dung cụ thể đăng trên số báo này).
Phát biểu kết luận phiên họp giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, qua 17 câu hỏi và 22 lượt trả lời, so sánh với các phiên họp giải trình trước, phần trả lời của các đại biểu đều đi thẳng vào vấn đề, nhận trách nhiệm, đưa ra lộ trình và nêu rõ nguyên nhân.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị, bí thư các cấp ủy và chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo, tăng cường trách nhiệm của đội quản lý trật tự xây dựng, kiên quyết xử lý triệt để sai phạm cũ, không để phát sinh vi phạm mới. Đối với những phát sinh mới trong năm 2019, yêu cầu các địa phương cần kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương hành chính “UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị rà soát công tác quản lý, bảo đảm từng địa phương, các cấp, các ngành phải rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm được giao” - Chủ tịch HĐND thành phố nhấn mạnh.
“Nhiều lần, HĐND thành phố muốn tăng mức xử phạt theo Luật Thủ đô, nhưng vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa thực hiện được. Bây giờ là lúc chúng ta bàn về vấn đề này”, Chủ tịch HĐND thành phố nói. Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc đề nghị các địa phương đổi mới công tác tuyên truyền để người dân thực hiện đúng pháp luật; UBND thành phố chỉ đạo các đơn vị rà soát công tác quản lý, bảo đảm từng địa phương, các cấp, các ngành phải rõ nhiệm vụ, rõ trách nhiệm được giao.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.