Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai đấu giá, sử dụng hiệu quả

Bài, ảnh: Nguyễn Lê| 13/07/2018 06:49

(HNM) - Nếu đấu giá 26.000ha đất nông nghiệp sau khi được chuyển thành đất công nghiệp, dịch vụ và đô thị, TP Hồ Chí Minh ước thu tới 1,5 triệu tỷ đồng.


Quyết liệt xóa dự án "treo"

Ngay giữa khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh hiện vẫn tồn tại những cánh đồng lúa cùng những ao tù nước đọng; trong khi đó, nếu đầu tư phát triển đô thị, giá trị từ đất sẽ tăng lên hàng chục, thậm chí hàng trăm lần. Đó là thực tế tại khu bán đảo Thanh Đa (phường 28, quận Bình Thạnh), nơi dự án Khu đô thị Bình Quới - Thanh Đa bị "treo" gần 26 năm nay. Đây không phải là trường hợp cá biệt, vì trên địa bàn thành phố còn hàng trăm dự án "trùm mền", chủ đầu tư chậm triển khai hoặc không còn năng lực thực hiện, gây lãng phí lớn tài nguyên đất.

TP Hồ Chí Minh sẽ tận dụng nguồn lực đất đai để phục vụ đầu tư phát triển.


Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, 5 năm qua, thành phố đã thu hồi 576 dự án chậm triển khai với tổng diện tích khoảng 5.900ha. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục rà soát hàng nghìn dự án khác để xử lý, thu hồi, nhằm hạn chế tình trạng dự án chậm tiến độ, kéo dài gây lãng phí nguồn lực đất đai. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho biết, hướng xử lý sắp tới là phân thành ba nhóm: Nhóm thứ nhất, các dự án đã có quyết định thu hồi đất, sẽ rà soát lại năng lực của chủ đầu tư để đề xuất xử lý; nhóm thứ hai, các dự án sẽ được giao hoặc ủy quyền cho quận, huyện thu hồi; nhóm thứ ba, các dự án được giao trước khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực sẽ xin ý kiến Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng xử lý.

Tuy vậy, tại buổi giám sát của HĐND TP Hồ Chí Minh về hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất mới đây, UBND thành phố cho rằng, việc quản lý nguồn tài nguyên này vẫn còn nhiều khó khăn, vì đất đai ở thành phố không được quản lý bởi một đầu mối mà có nhiều cơ quan quản lý khác nhau. Trong giai đoạn 2011-2017, UBND thành phố đã ban hành 727 quyết định giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất với tổng diện tích hơn 2.663ha. Sau khi được giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, có nhiều chủ đầu tư chậm triển khai, chậm đưa vào sử dụng, ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất. Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh cho rằng, tài nguyên đất đai là nguồn lực to lớn để phát triển thành phố; đồng thời đề nghị các cấp, các ngành quản lý, sử dụng đất tiết kiệm, tránh lãng phí.

Sử dụng hiệu quả, bền vững

Trong giai đoạn 2016-2020, TP Hồ Chí Minh cần tới 1,8 triệu tỷ đồng để đầu tư phát triển, trong khi ngân sách chỉ đáp ứng tối đa 20%. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nguồn lực đất đai của thành phố dành cho công nghiệp, dịch vụ, đô thị chưa tương xứng, trong khi nguồn lực đất đai dành cho nông nghiệp còn nhiều nhưng không được khai thác hiệu quả. Chính vì vậy, thành phố đã kiến nghị Chính phủ giảm tỷ lệ đất nông nghiệp và tăng tỷ lệ đất cho công nghiệp. Tại kỳ họp thứ chín, HĐND TP Hồ Chí Minh khóa IX, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho thành phố chuyển 26.000ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, đô thị. Đây là nguồn lực rất to lớn, bởi nếu đem đấu giá, giá trị ước lên tới 1,5 triệu tỷ đồng. Như vậy, nếu tận dụng được nguồn lực này sẽ giúp thành phố giải được bài toán nguồn vốn cho đầu tư phát triển giai đoạn 2016-2020.

Nhằm quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai hiệu quả, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh khẳng định, từ nay trở đi, việc giao đất phải thông qua đấu giá công khai, chỉ một số trường hợp sử dụng vào mục đích công ích mới áp dụng hình thức giao chỉ định. Bên cạnh đó, thành phố sẽ rà soát chặt chẽ, khắt khe hơn các chủ đầu tư trước khi giao đất, tránh trường hợp sau khi được giao đất lại không triển khai, gây lãng phí quỹ đất và ảnh hưởng đến công tác phát triển đô thị. Đặc biệt, thành phố sẽ kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư hạ tầng theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao), tránh tình trạng nhà đầu tư nâng khống giá trị đầu tư dự án và hạ thấp giá trị quỹ đất đối ứng. Song song đó, thành phố tiếp tục rà soát, lập và công khai quy hoạch để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận quỹ đất, đáp ứng nhu cầu kêu gọi đầu tư của thành phố.

Nguồn lực đất đai tuy có giá trị lớn nhưng chỉ có hạn. Vì thế, cùng với thực hiện đấu giá để tạo nguồn vốn ban đầu, thì việc quan trọng hơn là đất sau đấu giá phải được sử dụng đúng quy hoạch, đúng mục đích. Chỉ khi ấy mới thật sự mang lại hiệu quả bền vững.

Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh), từ năm 2012 đến tháng 12-2017, đơn vị này đã tổ chức đấu giá 20 khu đất với tổng diện tích 13,97ha, tổng giá trị thu về cho ngân sách thành phố là 3.915 tỷ đồng. Kế hoạch năm 2018, thành phố dự kiến đấu giá quyền sử dụng đất 28 khu với diện tích 39,46ha.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Công khai đấu giá, sử dụng hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.