Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công khai cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, tạo sức răn đe

Xuân Lộc| 17/05/2019 07:45

(HNM) - Việc công khai danh tính các tập thể, cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh, chế biến vi phạm an toàn thực phẩm đang được cơ quan chức năng của Hà Nội thực hiện quyết liệt.

Đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm của Hà Nội kiểm tra tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Đông Anh.


Công khai cơ sở vi phạm

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, hiện trên địa bàn thành phố có khoảng 66.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 454 chợ, 142 siêu thị, trung tâm thương mại. Sản xuất thực phẩm của thành phố mới chỉ đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại nhập từ các tỉnh khác và nhập khẩu. Ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, công tác quản lý, kiểm tra, giám sát lĩnh vực này hết sức khó khăn, cần có biện pháp mạnh để tạo sức răn đe. Qua Tháng hành động vì An toàn thực phẩm năm 2019, công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, nghiêm túc từ thành phố đến cơ sở.

Trong 4 tuần ra quân triển khai Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, khoảng 700 đoàn thanh tra, kiểm tra từ thành phố đến cơ sở đã kiểm tra được gần 5.000 cơ sở, xử phạt gần 800 cơ sở vi phạm, với tổng số tiền khoảng 2,5 tỷ đồng và tiêu hủy nhiều sản phẩm không rõ nguồn gốc. Tất cả cơ sở, cá nhân vi phạm đều được thành phố công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng để cảnh báo người dân. Ông Trần Văn Chung nhận xét, so với trước đây, nhận thức về vấn đề an toàn thực phẩm của người kinh doanh, sử dụng thực phẩm đã tốt hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, ở những cơ sở nhỏ lẻ, sản xuất theo quy trình thủ công, vi phạm an toàn thực phẩm vẫn còn. Các hành vi vi phạm chủ yếu là không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, không có giấy khám sức khỏe định kỳ, kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm về nhãn hàng hóa, không lưu mẫu theo quy định, sử dụng phụ gia thực phẩm hết hạn sử dụng, điều kiện vệ sinh cơ sở không bảo đảm...

Đơn cử, đầu tháng 5-2019, khi Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của thành phố kiểm tra hộ kinh doanh thực phẩm sạch Bác Tôm (ở phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), cơ sở đã xuất trình đầy đủ hồ sơ chứng minh nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm. Thế nhưng, qua kiểm tra thực tế, đoàn đã phát hiện 53kg rau, quả và 10 lít mật ong không nhãn mác, hạn sử dụng; 35kg thịt lợn và thịt bò hết hạn sử dụng để cùng với sản phẩm còn hạn trong tủ bảo quản. Trước vi phạm đó, đoàn kiểm tra liên ngành thành phố đã lập biên bản tiêu hủy toàn bộ số thực phẩm trên và giao Đoàn kiểm tra liên ngành quận giám sát, xử lý theo quy định.

Cũng trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, huyện Thanh Trì đã kiểm tra 365 lượt cơ sở, phát hiện và xử phạt 69 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm. Còn tại huyện Đông Anh, các đoàn kiểm tra của huyện và xã, thị trấn đã kiểm tra 614 cơ sở, trong đó có 120 cơ sở vi phạm và xử phạt hành chính 72 cơ sở, cảnh cáo 56 cơ sở và phạt 28 cơ sở với số tiền hơn 35 triệu đồng; đồng thời, tiêu hủy hàng hóa, trị giá khoảng 33 triệu đồng. Các vi phạm chủ yếu là về giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, thiếu giấy khám sức khỏe, sổ kiểm thực 3 bước, sổ lưu mẫu thực phẩm; vi phạm về thực phẩm nhập lậu và nguồn gốc thực phẩm; kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ…

Ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết, trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn thực phẩm và thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm, thì việc công khai danh tính các cơ sở vi phạm đã tăng tính răn đe. Từ đó, nâng cao trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh trong việc chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.

Vào cuộc tích cực hơn

Theo ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội, so với những năm trước, năm nay, đã có sự vào cuộc của các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Tuy nhiên, để mang lại hiệu quả, công tác quản lý an toàn thực phẩm phải được làm thường xuyên, liên tục và đòi hỏi chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa. Bên cạnh đó, trách nhiệm của người dân trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cũng rất quan trọng. Để nhận biết được sản phẩm an toàn, thì phải biết rõ nguồn gốc xuất xứ. Đối với người bán, cần nhập sản phẩm có nhãn mác, xuất xứ, ngày sản xuất rõ ràng. Còn với người tiêu dùng, cần biết rõ sản phẩm là của cơ sở nào, hãng nào sản xuất và chất lượng sản phẩm ra sao...

Từ những kết quả đạt được và những mặt còn tồn tại nêu trên, ông Trần Văn Chung cho rằng, các cơ quan chức năng không chỉ quyết liệt trong Tháng hành động vì An toàn thực phẩm, mà cần quan tâm đến công tác này vào tất cả thời điểm trong năm. Song hành với việc tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất, xử lý nghiêm và công khai các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm vi phạm, cần đẩy mạnh công tác thi đua, thực hiện tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm quận, huyện, thị xã; xã, phường, thị trấn và doanh nghiệp. Mặt khác, tăng cường phối hợp với các tỉnh, thành phố bạn trong quản lý nguồn thực phẩm. Tổ chức hệ thống lấy mẫu giám sát, cảnh báo và điều tra, truy xuất, xử lý tận gốc đối với sản phẩm, cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công khai cơ sở vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, tạo sức răn đe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.