(HNM) - Từng ba lần
Tuyên bố từ chức vào ngày 17-6 đã được Thủ tướng Petr Necas đưa ra sau khi một loạt trợ lý thân cận và là đồng minh chính trị của ông bị bắt giữ trong chiến dịch chống tham nhũng lớn nhất tại nước này tính từ 20 năm trở lại đây.
Thủ tướng Séc Petr Necas buộc phải từ chức vì bê bối tham nhũng liên quan tới các phụ tá thân cận. |
Vụ việc bắt đầu từ tối 13-6 định mệnh khi khoảng 400 cảnh sát đột kích vào các cơ quan chính phủ, ngân hàng, khám xét 31 nhà riêng và thu giữ ít nhất 8 triệu USD tiền mặt cùng hàng chục kilôgam vàng và nhiều tài liệu quan trọng. Trong số 8 người bị bắt giữ vì nghi ngờ tham nhũng và lạm dụng quyền lực có cựu lãnh đạo đảng Dân chủ công dân (ODS) Petr Tlukhorzh, cựu Bộ trưởng Nông nghiệp Ivan Fuks, Chánh Văn phòng Nội các của Thủ tướng Jana Nagyova cùng hai quan chức tình báo quân sự. Chiến dịch quy mô này đã được Bộ Nội vụ Séc chuẩn bị kỹ lưỡng suốt hai năm qua với nhiều biện pháp an ninh, trong đó có việc theo dõi các cuộc nói chuyện điện thoại của hàng trăm quan chức, chính trị gia và doanh nhân.
Trên thực tế, uy tín của liên minh cầm quyền tại quốc gia Trung Âu thời gian qua đã sụt giảm mạnh khi liên tiếp vướng phải nhiều vụ bê bối tham nhũng, mâu thuẫn nội bộ bùng phát và đặc biệt là các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" không được lòng dân. Dù là một trong 7 quốc gia có tỷ lệ nợ công thấp nhất Khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) với mức 39,8% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tức là chỉ bằng một nửa so với mức nợ công trung bình của các nước thuộc Liên minh Châu Âu (EU). Thế nhưng, thâm hụt ngân sách của Séc đang có chiều hướng gia tăng. Để tránh "bẫy" nợ công rình rập, Chính phủ của Thủ tướng Necas buộc phải đưa ra một loạt chính sách cắt giảm chi tiêu nhằm giảm mức thâm thủng ngân sách từ 4,6% GDP (khoảng 7,3 tỷ USD) xuống còn 3,5% GDP trong năm nay và 2,9% GDP năm tiếp theo.
Xét một cách công bằng, với mức nợ công không quá cao và thâm thủng ngân sách cũng không quá nghiêm trọng, chính sách thắt chặt hầu bao mà chính quyền Praha đưa ra không thấm vào đâu so với những quốc gia đang ngập trong nợ nần như Hy Lạp, Bồ Đào Nha, Ireland... Song cũng như phần lớn các nước thành viên EU khác, ngoài những khó khăn kinh tế, người dân Séc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin. Mối hoài nghi của dân chúng ngày càng gia tăng khi Séc lún sâu vào suy thoái được coi là dài nhất và tồi tệ nhất trong vòng hai thập kỷ qua. Quý đầu năm nay, GDP của nước này tiếp tục giảm 0,8%. Vào năm ngoái, tăng trưởng của Séc đã rơi xuống còn 1,2% so với mức 1,9% của năm 2011. Nhiều chuyên gia phân tích tài chính đã cảnh báo, suy thoái kinh tế của CH Séc vẫn chưa chạm đáy nên tình hình sẽ còn trầm trọng hơn.
Trong bối cảnh như vậy, bê bối tham nhũng liên quan tới liên minh cầm quyền được ví như cú giáng quyết định vào uy tín của Thủ tướng Necas. Trước sức ép mạnh mẽ từ dư luận và sự tụt dốc không phanh về niềm tin của người dân, nhà lãnh đạo 49 tuổi của Chính phủ Séc đã buộc phải lựa chọn cái kết không suôn sẻ cùng với quyết định thôi giữ chức Chủ tịch đảng ODS cầm quyền.
Sự ra đi của Thủ tướng Necas đồng nghĩa với việc toàn bộ thành viên nội các của Séc, cầm quyền từ tháng 7-2010, cũng phải từ chức. Tuy nhiên, trong một nỗ lực nhằm duy trì sự ổn định, ODS sẽ chỉ định người khác đứng ra thành lập chính phủ mới để lãnh đạo đất nước cho tới cuộc bầu cử vào năm tới. Tuy nhiên, chưa rõ các đối tác khác trong liên minh cầm quyền có tiếp tục ủng hộ đảng cánh hữu này nữa hay không. Trong trường hợp các phe phái không thỏa thuận được điều kiện lập chính phủ mới, hoặc các nghị sĩ nhất trí giải tán Quốc hội, Séc sẽ phải tiến hành bầu cử sớm, có thể vào tháng 8 hoặc tháng 9 năm nay. Xét tình hình hiện nay, với một di sản không mấy đẹp đẽ đã để lại trên chính trường Séc, cơ hội để ODS "đóng vai chính" trên sân khấu chính trị của quốc gia gần 11 triệu dân trong nhiệm kỳ tới là cực kỳ mong manh. Giới phân tích dành những nhận định khả quan cho chiến thắng của đảng Dân chủ xã hội trung tả. Tuy nhiên, trước khi có được sự mở đầu mới mẻ này, đất nước Trung Âu xinh đẹp sẽ phải trải qua một giai đoạn chính trị khó khăn với một nền kinh tế tiềm ẩn nhiều bất ổn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.