(HNM) - Phòng, chống cháy nổ, mất trộm tại di tích là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị của di tích.
Sau một số vụ cháy xảy ra tại di tích trong thời gian gần đây, việc làm thế nào để tăng cường sự phối hợp liên ngành, để có chế tài quản lý hợp lý, để ban quản lý các di tích chủ động hơn trong việc bảo vệ di tích một lần nữa được dư luận quan tâm.
Tổn thất lớn
Mới đây, dư luận không khỏi xót xa khi biết tin vụ hỏa hoạn xảy ra tại chùa Bút Tháp (Bắc Ninh) đã thiêu rụi hoàn toàn hương án cổ có niên đại hàng trăm năm và ít nhiều gây ảnh hưởng tới một số hiện vật khác trong phủ thờ. Vụ cháy tại chùa Long Sơn (Hải Phòng) làm mất đi một số cột lim cổ và tượng thờ tại ban thờ tam bảo. Trước đó, vụ hỏa hoạn xảy ra tại đền thờ Trung Túc vương Lê Lai (Ngọc Lặc, Thanh Hóa), chùa Hội Sơn (TP Hồ Chí Minh), chùa Tảo Sách (Hà Nội), Đền Dơi (Sóc Trăng), Bảo tàng Không gian văn hóa Mường (Hòa Bình), biệt điện Bảo Đại (Đắk Lắk)… cũng đã gây ra tổn thất nặng nề, đến nay vẫn chưa thể khắc phục triệt để.
Đáng lo ngại hơn, di tích thường được làm bằng gỗ, có niên đại hàng trăm năm, trong đó có đặt nhiều ban thờ để nhân dân sinh hoạt tín ngưỡng nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Không chỉ lo đối mặt với nguy cơ cháy nổ, việc bảo vệ hiện vật quý trong các di tích cũng là nỗi trăn trở của các cơ quan quản lý và mỗi người dân bởi tình trạng mất trộm cổ vật trong di tích xảy ra khá thường xuyên. Có thể kể đến vụ mất tượng cổ Thích Ca ở chùa Thổ Hà (Bắc Giang); mất đỉnh thờ, bát hương, tượng quý ở chùa Đa Sỹ (Hà Đông, Hà Nội); mất chuông đồng tại đình, chùa Phù Lưu Tế (Ứng Hòa, Hà Nội)…
Công tác bảo vệ các di tích vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Linh ngọc |
Theo các nhà nghiên cứu, di tích cũng như các hiện vật trong di tích hàm chứa giá trị vật thể và phi vật thể không dễ định tính, càng không thể định lượng. Không may xảy ra cháy nổ hoặc mất đi những hiện vật cổ trong một di tích nào đó, thế hệ hôm nay và mai sau sẽ mất đi kho tàng văn hóa quý giá mà ông cha để lại.
Cần cộng đồng trách nhiệm
Không thể phủ nhận sự quan tâm của các cơ quan quản lý đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trong những năm qua, song, trên thực tế, việc bảo vệ an toàn cho di tích vẫn còn nhiều bất cập.
Người dân còn chủ quan với việc phòng chống hỏa hoạn tại di tích khi vô tư thắp hương, đốt nến, đặt vàng mã ở khu hành lễ. Hệ thống trang thiết bị kỹ thuật phòng, chống hỏa hoạn, mất trộm tại di tích còn khá sơ sài, có nơi không có. Sự phối hợp liên ngành như thế nào, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân ra sao trong việc phòng chống hỏa hoạn, chống trộm căp hiện vật tại di tích trong các văn bản quản lý di tích vẫn chưa rõ ràng, cụ thể.
Để khắc phục tình trạng này, ông Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển cho rằng, việc phòng chống hỏa hoạn, mất trộm hiện vật tại di tích cần phải có sự kết hợp đồng bộ giữa yếu tố kỹ thuật và con người. Ngoài việc lắp đặt hệ thống kỹ thuật, ban quản lý các di tích nên lưu tâm đến đội ngũ bảo vệ, người trông coi. Đội ngũ trông coi di tích cần được trang bị kiến thức về phòng cháy, chữa cháy; cần được tuyên truyền sâu về giá trị, ý nghĩa của di tích, giúp họ có trách nhiệm hơn với công việc của mình.
Cùng quan điểm, ông Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của người dân về di tích và huy động sức mạnh của cộng đồng trong việc bảo vệ an toàn cho di tích. Ở góc độ khác, nhà nghiên cứu Trần Lâm Biền nhấn mạnh: Cần phân định rõ trách nhiệm cho các đơn vị, cá nhân tham gia quản lý, trông coi di tích, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”, “cha chung không ai khóc”. Đi liền với trách nhiệm bảo vệ di tích, các cơ quan quản lý cũng cần mở rộng quyền hạn và có chế độ đãi ngộ hợp lý với lực lượng này. Vấn đề phòng, chống cháy, nổ, mất trộm tại di tích rất cần một dự án nghiên cứu cụ thể với sự hỗ trợ của các phương tiện kỹ thuật hiện đại và sự cộng đồng trách nhiệm của con người.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) đã có văn bản yêu cầu Sở VH,TT&DL 63 tỉnh, thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra, rà soát các di tích để có phương án bảo vệ, phòng chống cháy nổ, trộm cắp di vật, cổ vật, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các di tích; chủ động đề xuất với UBND các tỉnh, thành phố về phương án bảo vệ di tích như lắp hệ thống camera theo dõi, bố trí hệ thống báo cháy và cứu hỏa tự động, kiểm tra và thay thế hệ thống điện không bảo đảm trong di tích. Đối với các di tích, Bộ VH,TT&DL đề nghị đơn vị quản lý bố trí người trông coi, bảo vệ di tích, hướng dẫn khách tham quan di tích thực hiện nếp sống văn minh, thắp hương, đốt vàng mã đúng nơi quy định; bài trí đồ thờ trong di tích thoáng, gọn, không để vàng mã, các hiện vật cháy nổ trên ban thờ, không tiếp nhận hiện vật không đúng quy định...
Trong điều kiện hiện nay, những giải pháp bước đầu nói trên là điều cần được triển khai thực hiện đồng bộ tại các địa phương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.