(HNM) - Tại buổi thảo luận trực tuyến "ASEAN ở đâu trong Covid-19" do Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore tổ chức ngày 20-5, tất cả các nhà lãnh đạo và giới học giả đều chung một nhận định: ASEAN đối phó rất tốt với dịch bệnh. Có được kết quả này, không thể không nhắc tới vai trò dẫn dắt của Việt Nam trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2020.
Sau nhiều tháng ứng phó với đại dịch Covid-19, các nước thuộc Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đạt được những kết quả tích cực, từng bước nới lỏng phong tỏa, mở cửa trở lại nền kinh tế.
Việt Nam và Lào là hai nước đi đầu trong khối khi hơn một tháng qua không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, bước đầu khôi phục hoạt động kinh tế - xã hội ở trạng thái “bình thường mới”. Trong khi đó, Singapore dự kiến sẽ bắt đầu nối lại có chừng mực các hoạt động của nền kinh tế từ ngày 1-6 tới. Malaysia cũng sẽ mở cửa một phần nền kinh tế từ ngày 9-6. Trong bối cảnh chỉ còn số ít ca bệnh mới từ công dân hồi hương, Thái Lan đã nới lỏng phong tỏa giai đoạn hai từ ngày 17-5. Quốc gia này cũng là một trong những nước có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 bình phục cao, đạt 96,27%. Campuchia hiện đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với du khách đến từ Italia, Iran, Đức, Tây Ban Nha, Pháp và Mỹ, trong bối cảnh bệnh nhân Covid-19 cuối cùng tại nước này xuất viện ngày 16-5.
Bên cạnh hiệu quả về biện pháp phòng, chống dịch, các nước ASEAN còn chủ động nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị y tế nhằm ngăn ngừa Covid-19. Vừa qua, Indonesia đã cho ra mắt bộ kit xét nghiệm chẩn đoán nhanh, bộ kit phản ứng chuỗi (PCR) và trí tuệ nhân tạo để phân loại bệnh nhân. Thái Lan cũng chuẩn bị tiến hành thử nghiệm vắc xin Covid-19, hướng tới tiêm phòng cho toàn bộ người dân từ năm 2021.
Không dừng lại ở hoạt động đơn lẻ của mỗi quốc gia, tinh thần đoàn kết của các thành viên ASEAN còn được thể hiện qua "Tuyên bố Chủ tịch ASEAN về ứng phó chung trước dịch bệnh Covid-19" cũng như hàng loạt hành động chia sẻ, ủng hộ, không ngừng giúp đỡ lẫn nhau. Điều này được thế giới ghi nhận như một điểm sáng trong nỗ lực chống Covid-19 toàn cầu. Điển hình là việc Thái Lan mới đây đã cho phép người dân không nhiễm Covid-19 của Campuchia nếu cần điều trị khẩn cấp các căn bệnh khác có thể qua biên giới sang Thái Lan, dù hai nước này vẫn đóng cửa biên giới chung. Singapore và Malaysia cũng nhanh chóng phối hợp để hỗ trợ các lao động hiện đang bị mắc kẹt về nước. Việt Nam và Brunei đã ủng hộ các nước trong khối về trang thiết bị phòng, chống dịch. Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào Sounthone Xayyachack từng khẳng định, dù Việt Nam còn nhiều khó khăn trong phòng, chống Covid-19 nhưng đã giúp đỡ các nước khác đang phải đối phó với dịch bệnh, trong đó có Lào; nhấn mạnh sự ủng hộ quý báu, kịp thời và rất hiệu quả ấy góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn và phòng, chống dịch bệnh hiện nay.
Những nỗ lực của ASEAN đã mang lại kết quả đáng khích lệ, khi không chỉ kiểm soát được dịch bệnh, mà số ca nhiễm trong 650 triệu người dân của khối thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của toàn cầu, nhận được khen ngợi từ giới chuyên môn. Chủ tịch Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore Tommy Koh cho rằng, sự dẫn dắt của Việt Nam đã giúp cho ASEAN phản ứng tốt với dịch bệnh, xử lý tốt quan hệ với các đối tác, nhất là Mỹ và Trung Quốc, qua đó phát huy được tính trung tâm và khẳng định được vai trò cầu nối của nước Chủ tịch luân phiên năm 2020.
Trong thời gian tới, mối liên kết bền vững giữa các nước thành viên ASEAN sẽ là một trụ cột trong kế hoạch hồi phục kinh tế sau dịch Covid-19. Việt Nam, trên cương vị Chủ tịch luân phiên năm 2020 chắc chắn sẽ làm tròn trọng trách dẫn dắt của mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.