(HNMCT) - 14 năm gắn bó với Việt Nam, chứng kiến nhiều khoảnh khắc lịch sử, nguyên Đại sứ Romania tại Việt Nam Valeriu Arteni không chỉ coi mảnh đất hình chữ S là quê hương thứ hai của mình mà còn hết lòng thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Romania. Để tri ân những đóng góp của người bạn vô cùng thân thiết, cuối năm 2019 Thành phố Hà Nội đã trao tặng nguyên Đại sứ Valeriu Arteni danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô.
Một nhân chứng lịch sử
Những năm 1970, Chính phủ Romania có chính sách cử học sinh đi du học theo hiệp định trao đổi văn hóa với các nước, bao gồm cả Việt Nam. Thời điểm đó, chàng thanh niên Valeriu Arteni đã phải trăn trở nhiều đêm để lựa chọn điểm đến giữa những đất nước hòa bình, phát triển và môi trường, điều kiện học tập tốt hơn Việt Nam. Nhưng cuối cùng anh đã chọn mảnh đất châu Á xa xôi đang chìm trong bom đạn và chia cắt.
Chia sẻ về quyết định táo bạo lúc bấy giờ, nguyên Đại sứ Romania cho biết: “Thời điểm đó giới trẻ ở các nước Đông Âu được truyền cảm hứng từ phong trào giải phóng dân tộc, bảo vệ nhân quyền, họ ngưỡng mộ tấm gương của các nhà lãnh đạo như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nelson Mandela và nhiều nhân vật sẵn sàng đứng lên vì tự do và công lý. Bên cạnh đó, tôi thực sự bị cuốn hút bởi ngôn ngữ và văn hóa Việt qua những cuốn sách của Mircea Elidae - nhà văn Romania nổi tiếng, đồng thời là nhà Phương Đông học lỗi lạc. Ông cũng là người Romania đầu tiên học tiếng Việt. Có thể với nhiều người, quyết định đến một đất nước đầy khó khăn và nguy hiểm là không khôn ngoan, nhưng thời gian đã chứng minh lựa chọn của tôi là đúng”.
Trở thành sinh viên khoa tiếng Việt, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội vào năm 1971, thời điểm chiến tranh ác liệt nhất, chàng trai Romania phải cùng bạn bè sơ tán về một ngôi làng thuộc tỉnh Hà Bắc (cũ) để nhập học. Người nước ngoài khác có thể sợ hãi với bom rơi đạn lạc và bỏ về nước vào giai đoạn cực kỳ khốc liệt ấy, nhưng Valeriu Arteni thì sẵn sàng ở lại “đồng cam cộng khổ” với các thầy cô và bạn bè Việt Nam. Nhắc đến những kỷ niệm với niềm tự hào, Valeriu Arteni gọi đó là những trải nghiệm “quý giá” trong cuộc đời mình. Vì với ông, tiếng Việt chỉ được hiểu sâu sắc hơn khi ta tham gia đời sống thực tế, hòa mình cùng những giá trị văn hóa độc đáo ở đất nước này.
“Tôi đã được học một thứ tiếng Việt chuẩn mực, bài bản và đẹp đẽ từ những người thầy cô giỏi nhất. Càng học, tôi càng say mê sự đa dạng, phong phú của tiếng Việt, ngôn ngữ giúp tôi hiểu được chiều sâu văn hóa của đất nước có lịch sử ngàn năm dựng nước và giữ nước”. Theo nguyên Đại sứ Valeriu Arteni, tình bạn, tình thầy trò nồng ấm đã giúp ông rất nhiều trong học tập và ông còn được gọi với cái tên thân thương “Hùng” vì theo tiếng Latin cổ Valeriu nghĩa là “hùng dũng”.
Có mặt tại Việt Nam đúng vào giai đoạn “đặc biệt”, ông Valeriu Arteni cũng được chứng kiến những khoảnh khắc “đắt giá” của lịch sử tại đất nước mà ông khẳng định “yêu bằng cả trái tim mình”. Từ việc cùng bạn bè ngóng tin tức về đàm phán Hiệp định Paris qua chiếc radio nhỏ tới việc sống trong niềm vui vỡ òa của ngày giải phóng miền Nam. Đối với Valeriu Arteni, đó là những ký ức không thể nào quên. “Tôi nhìn thấy trong mắt những người bạn Việt Nam như có một chân trời mới, những khát vọng dựng xây và lý tưởng bảo vệ Tổ quốc”.
Chú phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn
Sau 5 năm học tiếng Việt, năm 1976 Valeriu Arteni trở về nước khi Việt Nam vẫn ngổn ngang hậu quả của chiến tranh. Trở thành một nhà ngoại giao, đi làm Đại sứ ở nhiều nước châu Á nhưng hai tiếng “Việt Nam” luôn là nỗi nhớ da diết đối với ông. Năm 1994, 18 năm sau khi rời khỏi “quê hương thứ hai” của mình, Valeriu Arteni đã quay trở lại trên cương vị Đại sứ nhiệm kỳ 1994 - 1997 và đảm nhiệm thêm 2 nhiệm kỳ nữa từ năm 2012 tới năm 2018. Ấn tượng với cách Việt Nam đấu tranh để thống nhất đất nước bao nhiêu, ông càng ngưỡng mộ nỗ lực tái thiết đất nước của Việt Nam bấy nhiêu.
Theo nguyên Đại sứ Romania, nhiều người cho rằng Việt Nam chỉ giỏi chiến đấu mà nghi ngờ khả năng thích ứng của Việt Nam trong thời bình. Song tốc độ phát triển chóng mặt trong những thập kỷ qua đã chứng minh Việt Nam không chỉ có các chiến binh giỏi, mà còn có cả những nhà xây dựng tài ba. Quyết định thực hiện chính sách Đổi mới vào năm 1986 cho thấy tầm nhìn đúng đắn của các lãnh đạo Việt Nam, tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, sẵn sàng tiếp thu những tiến bộ của thế giới.
Ông Valeriu Arteni nhấn mạnh: “Tôi thật sự khâm phục điều đó và thấy mình thật may mắn được chứng kiến một Việt Nam anh hùng trong chiến tranh, một Việt Nam cần cù vươn lên trong xây dựng. Một đất nước anh hùng, như chú phượng hoàng vươn lên từ đống tro tàn để đi đến thành công. Ngày nay, Việt Nam đã trở thành thành viên năng động của ASEAN và nhiều tổ chức quốc tế. Thủ đô Hà Nội là một đô thị hiện đại, nơi diễn ra nhiều sự kiện quốc tế nhưng cũng là một kho tàng lịch sử lâu đời”.
Xúc động khi được trao tặng danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội, nguyên Đại sứ Valeriu Arteni tâm sự, ông tự cảm thấy mình đã hoàn thành nhiệm vụ quan trọng trong 3 nhiệm kỳ công tác là thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đồng thời tin tưởng không gì có thể đảo ngược được tình hữu nghị này. “Dù có ở đâu, Việt Nam vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong trái tim tôi”, nguyên Đại sứ khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.